Yêu thương muộn màng chẳng thể cạn cùng

25/10/2021 - 07:22

PNO - Trải nghiệm cuộc đời cho Cao Thanh Mai những trang viết thật sống động. Văn chị như đời. Mỗi câu chuyện chị viết luôn cuốn hút, khiến độc giả chẳng thể rời trang sách.

Sau tập truyện ngắn đầu tay Trầu không xanh lá (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2014) được giới văn chương lẫn bạn đọc đánh giá cao, Cao Thanh Mai đã bền bỉ làm bạn cùng văn chương với những đứa con tinh thần nối tiếp: Chim cánh cụt biết bay (tập truyện ngắn, 2018), Biển về bên sông (tập truyện ngắn - tạp bút, 2018). Mới nhất, tập truyện ngắn Về miền xa lắc của chị vừa được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành. 

Xuyên suốt 11 truyện ngắn, những nhân vật trong truyện cũng chính là những con người ngoài đời thực mà chị đã quen thân hay biết rõ, được chị “kể” với một trái tim nhân hậu. Dù cái kết có hậu hay gợi mở thì dư âm của nó vẫn đọng lại trong lòng bạn đọc sự cảm thông, chia sẻ, đồng cảm với hoàn cảnh, số phận từng nhân vật. 

Cao Thanh Mai không chọn lối hành văn kết cấu, phân tầng, chia lớp hay gọt giũa câu từ, trau chuốt ý tứ cho đẹp đẽ. Với chị, văn chương vốn giản đơn như tiếng lòng của chính tác giả trước thời cuộc biến thiên, trước định mệnh éo le, trước cay đắng phận người. Dễ dàng đọc, nhẹ nhàng thấu cảm và mênh mang cõi lòng, từng câu chuyện trong sách như những lát cắt ta vẫn gặp đâu đó trong thời chiến lẫn thời bình, lúc hành quân ra trận hay khi trở về với đời thường.

Bạn đọc sẽ gặp trong sách một người vợ thủy chung son sắt chờ chồng trở về sau mùa lửa đạn. Người đàn bà ấy chờ trong niềm tin, bởi yêu thương chẳng thể nào cạn cùng. Vườn trầu bao mùa xanh lá. Bao gánh trầu oằn vai để kết nối hạnh phúc lứa đôi, chỉ riêng người vợ vẫn miệt mài với canh thâu đơn lẻ. Ngày về của người đàn ông cũng là ngày vỡ mộng thủy chung. Số phận trớ trêu hay nghịch cảnh thời chiến để lại nỗi đau sâu hoắm trong lòng người vợ. Chị phải đứng giữa chọn lựa giữ riêng cho mình hạnh phúc muộn mằn hay trả người chồng về với vợ con đúng nghĩa trên giấy tờ của anh. Yêu thương phải chăng là hy sinh, là tận cùng cuộc đời mình vẫn luôn nghĩ về hạnh phúc cho người mình yêu? Giọng văn của Cao Thanh Mai giàu cảm xúc, giản dị, sâu lắng và có tính nhân văn sâu sắc. Truyện ngắn Trầu không xanh lá trích trong tập truyện được kể nhẹ tênh mà thấm thía bao nỗi niềm thương cảm.

Còn trong truyện ngắn Về miền xa lắc, bạn sẽ bắt gặp một Cao Thanh Mai tỉ mẩn và đậm đà bản sắc Nam bộ từ câu chữ lẫn lối viết. Sự chân phương mà tha thiết ấn vào lòng người một cuộc biển dâu của thời cuộc, của số phận. Người mẹ gánh gồng lèo lái gia đình đi qua lênh đênh sóng nước miền Tây. Mỗi khúc sông là một đoạn đời, mỗi bến neo là một phần ký ức. Từng lát cắt cuộc đời nhân vật được chị kể lại rành rọt, khúc chiết. Những cao trào được chị thể hiện đầy chân phương. Về miền xa lắc mang đến một không gian thực đến ngỡ ngàng qua cách viết của chị. Tưởng như kể đó mà không phải là kể. Biết là truyện đó, mà thấm sâu như đời. Độc giả như sống lại một cuộc chìm nổi thật đến độ sống mũi cay xè. Hết truyện rồi chợt nhận ra nước mắt đã rơi tự lúc nào chẳng biết. 

Trải nghiệm cuộc đời cho Cao Thanh Mai những trang viết thật sống động. Văn chị như đời. Mỗi câu chuyện chị đem đến như Đường xa vạn dặm, Vết sẹo, Biển về bên sông… luôn cuốn hút, khiến độc giả chẳng thể rời trang sách. 

Có thể nói, với Về miền xa lắc, một lần nữa Cao Thanh Mai lại khiến độc giả thêm yêu thương những trang viết của chị. Bởi lẽ ở đó, họ tìm thấy những miền xưa âm vọng ngọt ngào thơm mát như phù sa chín nhánh sông. Và dẫu có muộn màng, yêu thương chẳng bao giờ cạn cùng.  

Trúc Thiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI