Yêu thương là cho đi

10/12/2022 - 08:17

PNO - Một cuốn tiểu thuyết cảm động lấy cảm hứng từ tác phẩm “Hoàng tử bé”. Lòng tốt là món quà vô giá mà chúng ta trao cho cuộc đời.

 Khu tập thể Hạnh Phúc là tác phẩm mới nhất của nhà văn Cho Chang In được dịch sang tiếng Việt. Ông được độc giả Việt Nam yêu thích với câu chuyện đượm buồn trong tiểu thuyết Bố con cá gai.

Khu tập thể Hạnh Phúc là một khu nhà cũ tiêu điều ở vùng ngoại ô. Những người sống ở đây đều là dân nghèo, họ phải bươn chải vất vả để kiếm ăn qua ngày, sống dưới đáy xã hội và thường bị người đời khinh khi.  Nhiều người đặt ra câu hỏi “Ở khu tập thể Hạnh Phúc liệu có hạnh phúc hay không?” . Nhưng Dong Dong, cậu bé 12 tuổi ngoan ngoãn sống ở đây từ lúc lọt lòng luôn quả quyết nơi đây rất tuyệt.

Từ khi chào đời tới giờ, Dong Dong chưa từng thấy mặt cha, với cậu người đàn ông đó luôn là một bí mật. Năm cậu nhóc lên 6, mẹ cũng ra đi không một lời từ biệt. Hàng xóm láng giềng nói rằng mẹ Dong Dong đang ở Paraguya.  Hàng ngày, đứa trẻ tội nghiệp ấy vẫn tìm kiếm đất nước Nam Mỹ xa lạ kia trên quả địa cầu và không ngừng ngóng đợi. Dù phải đợi bao lâu, cậu bé vẫn tin mẹ sẽ quay trở về.

Dù không được lớn lên trong vòng tay cha mẹ, bị coi như trẻ mồ côi, nhưng Dong Dong luôn được sống trong tình yêu thương. Những người hàng xóm trong khu tập thể hạnh phúc đã trở thành người nhà của cậu. Bà Vẹo ngày nào cũng nấu cơm cho Dong Dong ăn, mỗi chiều lại ngóng trông cậu bé đi học về. Chị An hàng xóm thường cho chú nhóc đồ ăn vặt, dặn cậu đi đường cẩn thận.

Tiểu thuyết Khu tập thể hạnh phúc của Cho Chang In. Ảnh: Nhã Nam.

Tiểu thuyết Khu tập thể hạnh phúc của Cho Chang In. Ảnh: Nhã Nam

Còn cả chú Ai Ưa, người lúc nào cũng quan tâm tới Dong Dong. Lần nào hai chú cháu gặp  nhau, chú cũng đòi cõng cậu nhóc lên tầng ba, dù Dong Dong kiên quyết từ chối, vì cậu đã lớn và có thể tự đi bộ. Cử chỉ yêu thương đó giống như sự chăm sóc ân cần của người chú dành cho đứa cháu trai.

Dong Dong còn được dì Noh cho tiền tiêu vặt hàng tháng. Dì Noh là bạn thân với mẹ. Dì rất muốn bù đắp khoảng trống trong lòng cậu bé. Còn cả chú họa sĩ tốt bụng, dạy đứa trẻ tội nghiệp ấy vẽ tranh mà không cần học phí. Rảnh rỗi, hai chú cháu lại cùng nhau trò chuyện, chia sẻ về những niềm vui, nỗi buồn. Nhờ có chú họa sĩ, những năm tháng ở khu tập thể Hạnh Phúc trở nên rực rỡ hơn.

Dong Dong đã có một gia đình lớn thật ấm áp. Các thành viên tuy không cùng huyết thống, nhưng luôn dành cho nhau những yêu thương chân thành. Sự ngây thơ, trong sáng và chút láu lỉnh rất trẻ con của cậu đã mang lại nụ cười giữa bộn bề cuộc sống cho những con người lam lũ ở khu tập thể ấy.

Ở khu tập thể Hạnh Phúc cũng có nhiều người không ngừng chờ đợi như Dong Dong. Đó là bà Vẹo, một người mẹ tội nghiệp với tình thương bao la dành cho đứa con trai ngỗ ngược.

Bà Vẹo đợi con trai mình ra tù, bà sẽ phải đợi anh ta khoảng 10 năm nữa, quãng thời gian ấy dường như quá dài với người già. Dù biết con trai mình không phải người tử tế, nhưng bà vẫn không ngừng yêu thương đứa con tội lỗi ấy, đơn giản vì anh ta là con của bà. Giống như Dong Dong yêu mẹ, dù mẹ đã xa cậu rất lâu.

Bà bán cả nhẫn cưới, thứ quý giá nhất bà có để mong giúp con sớm ra tù. Tình yêu của người mẹ khiến bà lão mất đi sự tỉnh táo. Bà luôn nhận lỗi về phần mình, do bà không dạy con tử tế nên con mới lầm đường lạc lối.

Nhiều lúc tủi thân, Dong Dong hoài nghi về tình yêu của mẹ. Nếu mẹ yêu cậu, tại sao bao năm nay không về thăm con trai lấy một lần. Mỗi lần như vậy, bà Vẹo lại quả quyết với Dong Dong rằng mẹ cậu là người yêu con nhất trên đời. Chú bé ấy không biết những gì bà nói có phải là sự thật hay không, nhưng chúng khiến em vững tin và tiếp tục chờ đợi.

Không chỉ dùng lời nói, bà còn dùng hành động của mình để chứng minh, nhờ chứng kiến tình yêu thương vô bờ của bà dành cho con trai, mà Dong Dong tin rằng: trên đời này người mẹ nào cũng yêu thương con.

Những người sống ở khu tập thể Hạnh Phúc dường như không biết thế nào là hạnh phúc thực sự, họ phải sống đời cơ cực, nhiều đau khổ và chẳng mấy khi có niềm vui, nhưng điều đó không thể giết chết hy vọng trong lòng họ, hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn, hy vọng về những điều tốt đẹp trong cuộc đời.

Cho Chang In là nhà văn có tài miêu tả nội tâm và khắc họa nhân vật rất tinh tế. Mỗi nhân vật xuất hiện trong Khu tập thể Hạnh Phúc đều có những câu chuyện riêng, với những nét tình cách sắc sảo, không lẫn lộn. Các tình tiết thắt nút mở nút được cài cắm linh hoạt xuyên suốt tác phẩm, đưa người đọc đi từ bất ngờ ngày đến bất ngờ khác.

                                                                              Mai Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI