Yêu thương hay ích kỷ?

09/04/2025 - 11:45

PNO - Nhiều người “nghiện” mối quan hệ với thú cưng không phải chỉ vì cô đơn, mà còn vì trong mối quan hệ ấy, họ là người duy nhất có quyền chi phối, quyết định tất cả.

Yêu thương ai đó không phải là việc giữ người ta ở bên cạnh mình mọi nơi mọi lúc, là tước bỏ một phần trí óc, thân thể để người ta không thể rời xa mình.

Nhìn nhóm bạn trẻ 17-18 tuổi ở phòng tập gym, không ai nghĩ họ nuôi mèo. Cậu nào cũng to khỏe, tay chân nổi cơ, gồ múi. Vậy mà một lần tập luyện gần nhau, câu chuyện của họ làm tôi bất ngờ:

- Mèo anh mấy tháng rồi?
- Hơn 5 tháng rồi em ơi. Mấy ngày nay nó cứ lăn lộn rồi kêu um sùm. Bữa kia nó còn trốn ra ngoài đi chơi đêm làm anh đi kiếm muốn chết…

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Anh nuôi mèo coi bộ rất nhiều tâm tư. Anh kể chuyện bé mèo cưng dạo này hay cào cửa, không mở cửa là bé giận. Bé thích ăn cá chiên, cá nướng, pate chứ không thích ăn hạt. Cát vệ sinh của bé phải sạch. Để bé đỡ cào cửa và lăn lộn, anh mới mua thêm cái nhà cây, mua thêm đồ chơi cho bé. Vậy mà bé vẫn chưa vui, nên hết giờ học ở trường, anh phải về nhà ngay để bày trò chơi với bé, cho bé tiêu hao nhiều năng lượng hơn, đến tối bớt đòi đi hoang…

Những cậu trai nuôi mèo có những câu chuyện rất… mèo, nho nhỏ, dịu dàng và dễ thương đến nỗi nếu không trực tiếp nghe từ miệng họ, chắc không thể tin được. Chị H. - một người mẹ 47 tuổi - từng chia sẻ với tôi nỗi buồn không giống ai của gia đình chị. Vợ chồng chị chỉ có 1 đứa con trai. Cậu bé giỏi giang, học xong đại học rồi tiếp tục học sau đại học ở Úc.

Khi trở về, cậu thuê nhà, sống riêng. Cuối tuần về thăm ba mẹ, cậu ôm theo cái giỏ to đùng và đủ thứ đồ ăn, đồ chơi cho… bé mèo cưng. Suốt mấy ngày ở nhà, cậu hầu hạ phục vụ em mèo, chăm bẵm, cưng nựng còn hơn chăm trẻ con. Chị chạnh lòng, nghĩ mình còn thua con mèo, nghĩ chẳng biết có đứa con gái nào chiếm được chỗ của con mèo ấy, để vợ chồng chị còn có cháu bồng.

Tôi nghe chuyện chị, thoáng qua trong tâm trí là những đứa trẻ đeo ba lô thú cưng trên vai. Trong ba lô là một con mèo xinh xắn. Nhiều đứa trẻ thời nay không thể chịu được khi không có “bạn mèo” bên cạnh. Trong giảng đường đại học, thường xuyên có những em mèo được cả đám sinh viên bu quanh, cưng nựng.

Nuôi thú cưng, yêu thương thú cưng đang là trào lưu. Ai đó nghĩ rằng thú cưng là cách để bớt cô đơn, bớt buồn, để học cách yêu thương… có khi cũng đã lỗi thời, phiến diện.

Nhiều người trẻ yêu thú cưng theo cách coi chúng như một món đồ chơi, đúng nghĩa đồ chơi, không hề biết đến cảm xúc của vật nuôi, không cần thấu hiểu người bạn đồng hành của mình.

Tuần sau đó, tôi lại nghe đám nhỏ nuôi mèo nói chuyện với nhau:
- Anh triệt sản nó chưa?
- Mới xong nè, thấy nó chậm chậm lù đù!
- Ừa, mèo em hồi trước cũng vậy, thiến xong nó buồn hiu à. Nhưng xong rồi mau mập lắm!

Những con mèo tội nghiệp và những đứa trẻ tội nghiệp! Chắc chúng không hề nghĩ tới việc lũ mèo cũng cần tình yêu, cần được sống trọn vẹn đời mèo.

Con người kết nối, yêu thương một người khác, một loài khác là để mở rộng trái tim mình, để làm sâu sắc hơn tâm hồn mình. Nhiều người “nghiện” mối quan hệ với thú cưng không phải chỉ vì cô đơn, mà còn vì trong mối quan hệ ấy, họ là người duy nhất có quyền chi phối, quyết định tất cả. Thú cưng tuân phục, nghe lời tuyệt đối. Chúng không biết nói, không biết bày tỏ nỗi bất bình hay tuyệt vọng. Nhìn từ phía ấy, chúng là một nhóm yếu thế, và kiểu tình bạn với thú cưng như vậy chẳng những không giúp hoàn thiện con người mà còn gây nhiều tác hại. Vô cảm là điều có thể nhận thấy đầu tiên.

Yêu thương ai đó không phải là việc giữ người ta bên cạnh mình mọi nơi mọi lúc; là tước bỏ một phần trí óc, thân thể để người ta không thể rời xa mình. Những con mèo bị thiến, bị triệt sản, bị bắt buộc phải có những kiểu lông, màu lông chủ nhân yêu thích (bằng cách chải chuốt, nhuộm màu…) chắc chắn không dạy người trẻ hiểu thế nào là một tình yêu thực sự. Có chăng đó là một kiểu tình yêu ích kỷ mà thôi!

Hoàng Mai

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI