Nhiều anh chồng khi yêu thì rõ ga-lăng, ve vãn, tán tỉnh mật ngọt, nhưng đến khi cưới về lại xuề xòa, hời hợt. Quá ngưỡng chịu đựng, nhiều gia đình cũng đã ly tán bởi sự chủ quan và thói vô tâm mà nhiều đàn ông cho là không quan trọng. Bởi suy cho cùng, phụ nữ vẫn luôn là những người hướng nội, muốn vun vén và được yêu chiều từ những điều nhỏ bé nhất.
Mới tối hôm kia, tôi nhận được tin nhắn của chị bạn mà thầm bật cười. Chị bảo té ra chồng chị cũng thương chị em à. Biết chị thích ăn ô mai nên trong khi chơi đùa cùng con trai, ông con đòi xé bỏ tấm nhãn hiệu dính trên chiếc hộp cũ, anh ấy không cho, một hai bảo vệ nó. “Để mẹ con còn có số điện thoại mà đặt hàng nữa, hôm trước nghe khen miết tiệm này ngon” - anh ấy nói ơ hờ thế mà chị cũng nghĩ ngợi đó em.
Chị vui thì tất nhiên tôi cũng vui, càng được thể nhớ lại đủ chuyện ngọt ngào. Rằng có vợ chồng người bạn kia đi chợ. Vì trời nắng không có chỗ trú xe nên sau khi thả vợ vào chợ, anh chồng tót lên ngồi vào phần sau yên xe để đợi. Vợ dù đi bao lâu thì khi trở lại, phần yên xe đó vẫn được che mát.
Đến đây, tôi mới nhớ ra mình cũng ké được chút phần thơm thảo. Mỗi lần vợ chồng ra ngoài gặp trời mưa bất chợt, không tìm được khăn lau yên xe thì anh chồng nhà tôi cũng hay thốc ngược cả ống chân dài lên yên, dùng ống quần lau lấy lau để phần yên xe cho vợ, ai đi ngang qua thấy động tác kỳ quặc ấy đều tò mò, nhưng tôi lại tủm tỉm vui.
Thế đấy, thời gian mỗi đôi vợ chồng sống với nhau rất dài, không thể tính bằng tháng mà phải hàng chục năm, vậy nên đâu chỉ dang lưng khi có bão, mà cần phải chăm chút, ghé vai cả trong những ngày mưa nắng bình thường.
Vậy, làm thế nào để đồng hành, để lắng nghe bạn đời? Nhiều người viện cớ cuộc sống bận rộn trăm công ngàn việc, ngàn thứ áp lực đổ lên đầu, còn đâu tâm sức, trí lực và nguồn năng lượng để yêu. Lướt qua, thấy nếp nghĩ ấy cũng đáng thông cảm trong nhịp sống hối hả và ngày càng khó khăn.
Nhưng bận rộn để làm gì, chạy nhanh để làm gì, khi mỗi tế bào trong xã hội đều không hạnh phúc? Chưa kể, tình yêu của cha mẹ sẽ tạo ra bầu sinh quyển tình thương cho những đứa con, tạo ra sự gắn kết đầy tình nghĩa cho hai bên gia đình nội ngoại. Vậy nên chỉ cần mỗi người còn đủ tình yêu là được.
Nếu còn yêu, bạn sẽ biết cách cho đi và nhận về những tín hiệu, dấu hiệu.
Tôi từng rất thích một bộ phim do cặp đôi lừng lẫy Leonardo DiCaprio và Kate Winslet thủ vai tên là Revolutionary road. Sau 12 năm tạo nên huyền thoại Titanic, Leonardo DiCaprio (vai Frank Wheeler) và Kate Winslet (vai April Wheeler) trưởng thành và già dặn hơn rất nhiều trong phong thái và diễn xuất.
Họ đã lột tả đầy đủ những cung bậc cảm xúc của một gia đình hạnh phúc kiểu mẫu. Ở đó có một người chồng điển trai, xông xáo trong việc kiếm tiền, và một cô vợ xinh đẹp, tâm lý, nấu ăn ngon. Phim khá kén người xem, nhưng một khi ai đã bắt nhịp được, thì sẽ hết lần này đến lần khác nổi da gà bởi ít nhiều đều thấy bóng hình mình trong đó.
Và có một chuyện thế này, mặc dù tựa đề tiếng Anh của phim là Revolutionary road nhưng trên nhiều trang xem phim Việt lại có cách dịch khác nhau. Có chỗ dịch là Khát vọng tình yêu, có chỗ là Cách mạng tình yêu. Tựa đề thôi, có quan trọng không? Có chứ. Với tôi, tôi thích cái tên thứ nhất hơn. Vì nó tiệm cận với nội dung của bộ phim hơn.
Hôn nhân hay tình yêu, đôi khi bạn không nên đặt nặng sự lựa chọn. Đừng thổi bùng vào nó ngọn lửa vào những lúc cao trào. Tại sao phải làm một cuộc cách mạng tình yêu? Bởi vì trước đó quá lâu rồi, một trong hai đã tự cho mình cái quyền chỉ thích “nói” mà không thích “nghe”, chỉ thích “nhận” mà không thích “cho”.
Là một người phụ nữ, phương châm của tôi là chắt chiu và nuôi dưỡng mọi thứ từ từ. Như hai chữ “khát vọng” vậy, lúc mới định hình, hẳn nó còn mờ nhạt lắm, nhưng ngày nối ngày, khi được lắng nghe kỹ thì nó sẽ càng rõ nét, và có những giá trị lớn lao không gì thay thế. Phim khép lại bằng tấn bi kịch sau lựa chọn của April Wheeler.
|
Hôn nhân cần được chăm chút mỗi ngày. Ảnh minh họa |
Cái kết thực sự khiến tôi phải lặng người, thẫn thờ và nghẹn đắng. Frank tưởng rằng anh đã làm tròn vai của một người cha, người chồng khi mỗi ngày đều mang lại cơm no áo ấm cho vợ và các con. Còn April, cô nghĩ mình có thể yên vị trong vai trò một người vợ nội trợ, yêu con, chiều chồng thông qua những món ăn ngon được dọn đầy ắp lên bàn vào mỗi chiều cuối tuần. Nhưng thấy vậy mà không phải vậy, thực ra, cả hai đều vì đại cuộc nên mới hết lần này lần khác tặc lưỡi bỏ qua những điều nhỏ bé, thầm kín, nhưng lại vô cùng thiết thân.
Đáng lẽ Frank phải lưu tâm đến tiếng kim đồng hồ tích tắc đều đặn và lặp lại qua ngày, đó là thứ đã tác động và ăn mòn vợ mình đến nỗi giết chết tình yêu. Giá như April dám mạnh mẽ lên tiếng và chia sẻ khi nhận ra khát vọng lớn nhất của mình chính là sự đồng điệu và cân bằng giữa cái riêng với cái chung để tạo nên hạnh phúc đôi lứa. Giá như cả hai đừng bỏ qua những khoảnh khắc sum họp đủ đầy nhưng không hề ấm áp trong ánh nắng của những buổi chiều tà, thì có lẽ màn đêm của cuộc hôn nhân đã không buông xuống vĩnh viễn.
Yêu thương, đừng chờ đến khi phải làm một cuộc cách mạng, bởi khi đó chúng ta buộc phải lựa chọn và đánh đổi, một là rực rỡ, hai là bi kịch, nguy hiểm lắm thay!
Diệu Thông