Yêu thương đi để không hối tiếc

31/08/2015 - 13:33

PNO - Nếu chăm chút tình yêu thương của mình cho người thân, mọi người xung quanh, bạn sẽ thật hạnh phúc khi mỗi ngày qua đi không chút hối tiếc.

Yeu thuong di de khong hoi tiec
Ảnh shutterstock

Hôm nay là giỗ đầu của ông bác sĩ gần nhà tôi, mất đột ngột năm ngoái. Nghe đâu ông biết mình bị ung thư thanh quản nhưng không chịu chữa. Hèn chi ông rất kiệm lời khi khám cho bệnh nhân, dù khả năng lắng nghe và động viên bệnh nhân của ông đúng là số một.

Ánh mắt nhân hậu luôn nhìn thẳng vào “con bệnh”, kiên nhẫn nghe những kể lể đôi khi hơi quá đà… Nhìn ông cầm ống nghe, ra hiệu cho người bệnh hít sâu; nhìn ông chau mày, gật đầu và vỗ vai người bệnh nhẹ nhàng… ai ai cũng có cảm giác yên tâm, dù chưa biết bệnh sẽ thuyên giảm được bao nhiêu phần trăm sau khi được ông khám.

Còn nhớ khi ba tôi đi mổ khối u ở gan, ông thường xuyên điện thoại hỏi thăm, khuyên ba tôi bớt uống rượu, đến nỗi mọi người cứ nghĩ ông là người nhà.

Hôm đám tang ông, bạn bè đến chia buồn chật kín nhà. Thật lạ, vợ ông rất ít khóc, chỉ hướng về di ảnh của chồng với ánh mắt trìu mến. Bà kể: “Anh Lợi biết mình bệnh ở giai đoạn cuối nên nhất định không chịu hóa trị, tôi năn nỉ anh thế nào cũng không được.

Anh giải thích, sinh lão bệnh tử là quy luật của trời đất, không cãi được. Con người chúng ta đều có hai thứ bệnh là thân bệnh và tâm bệnh, trong đó tâm bệnh mới là khổ.

Anh nói, anh đã sống với cuộc đời gần 60 năm, thân bệnh cũng là lẽ thường, nhưng anh là người may mắn có tâm nhàn tĩnh, biết thương yêu bệnh nhân nên tôi đừng quá suy nghĩ. Anh chỉ dặn tôi cố gắng nuôi dạy hai đứa con học hành tới nơi tới chốn, biết yêu thương. Rồi anh ra đi một cách thanh thản”.

Bà cho biết, suốt 20 năm gắn bó vợ chồng (bà là người đến sau), ông bà luôn yêu thương, chăm sóc nhau và chu đáo với mọi người theo phương châm: nếu giúp ai được thì giúp và không làm bất cứ điều gì gây tổn thương cho người khác. “Rồi tôi sẽ chia tay với cõi tạm này và gặp lại anh ấy thôi”, bà khẳng định.

Bà hồi tưởng: “Mỗi sáng tôi và anh đều đi bộ tập thể dục, ngắm nhìn bình minh ở công viên gần nhà, thỉnh thoảng theo các đoàn từ thiện đi giúp người nghèo. Cuộc sống của gia đình tôi không giàu có của cải nhưng luôn bình an, thư thả”.

Đến nay, ngoài thời gian chăm sóc gia đình, bà vẫn thu xếp để tham gia các chuyến công tác từ thiện. Bà nói, vắng ông bà rất buồn và nhớ nhưng trong lòng bình an bởi khi ông còn sống, bà đã chăm sóc ông hết lòng, bên ông khi cần, hiểu chồng như người bạn tri kỷ nên không có gì phải hối tiếc.

Do vậy, đám giỗ của ông cũng chỉ là vài món ăn đơn giản khoái khẩu của ông và bó huệ cắm trên bàn thờ vì ông thích mùi hương nhẹ nhưng kiêu sa của loại hoa này, chứ không phải mâm cao cỗ đầy.

“Khi còn sống, chúng tôi đã hết lòng với nhau, đó mới là điều quan trọng. Quan trọng hơn là chúng tôi nhận ra tình yêu phải là tình thương - một tình thương mọi lúc, mọi nơi và phải đặt để tình yêu ấy, thể hiện tình thương ấy như thể là những giây phút cuối cùng vậy…”, bà giãi bày.

Nếu trước đây, vài ba tuần vợ chồng tôi mới ghé thăm mẹ chồng một lần thì sau đám tang đó, cứ đều đặn mỗi sáng thứ Bảy chồng tôi lại về thăm mẹ, mang theo khi là bịch bánh canh, khi cái bánh Huế mẹ thích. Anh xem ngày thứ Bảy hàng tuần là “Ngày của mẹ”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI