Những nỗi niềm riêng
Tôi đơn thân nuôi con từ lúc 30 tuổi, nên bọn trẻ gọi tôi là “nữ cường”. Tôi về hưu sớm. Sống gần nhà con gái và thường xuyên liên lạc với cậu con trai sống cùng thành phố. Từ lúc về hưu, tôi tập trung toàn bộ sự chú ý vào các con. Con đã lớn, đã không còn chủ động chia sẻ, nên tôi bật chế độ “nghe ngóng” tối đa.
Điều tôi quan tâm là các con làm ăn có tốt không, có chi tiêu tiết kiệm không và có gặp khó khăn gì với gia đình hay không.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Chẳng may, giai đoạn dịch giã, bọn trẻ đều xất bất xang bang vì làm ăn khó khăn. Mẹ càng nghe ngóng, chúng càng giấu tiệt. Cậu con trai lớn của tôi ở cách mẹ 10km, hầu như tuần nào cũng ghé thăm mẹ. Tôi phải nhìn “sắc mặt” con trong những lần gặp gỡ định kỳ đó để đoán tình hình và lần nào tôi cũng thấy… tối tăm.
Cháu là chủ một chuỗi cà phê khá có tiếng. Khi dịch ập xuống, cháu nói đã chuyển sang bán lẻ cà phê bột cho những người tự pha uống tại nhà, doanh số cũng ổn. Nhưng ổn là ổn thế nào, thu có đủ bù chi không, dàn nhân viên đang ăn lương từ nguồn thu nhập nào?… Tôi bắt đầu lo nên gọi điện cho con dâu, gọi cả cho cô kế toán trưởng của con (tôi đã làm thân từ lâu) để nắm tình hình. Sau khi biết cháu đang cực kỳ khó khăn, tôi bắt đầu suy tính và tìm cách tác động, giúp cháu xoay xở.
Không nghe được tâm sự của con, tôi đánh mất cả những gần gũi bình thường mà chúng tôi từng có cùng nhau trước đó.
Nhưng tôi càng cố tiếp cận thì cháu càng gạt ra. Tôi “hiến kế”, cháu chỉ ậm ờ và rồi từ đó, cháu… bế quan với mẹ. Cháu cấm vợ và nhân viên trao đổi với tôi về chuyện công ty. Mỗi lần gặp nhau, mẹ và con như có bức tường vô hình ngăn cách, vì tôi có quá nhiều câu hỏi chỉ chực bật ra, còn cháu thì luôn “thủ thế”.
Cuối cùng, vì quá sốt ruột, quá sợ hãi khi nghĩ đến những tổn thất kinh tế nếu con không biết xoay xở giữa khó khăn, tôi quyết định xé toạc bức tường vô hình đó. Tôi gọi điện, trực tiếp hỏi con về công việc. Mặc kệ cháu cứ nói “con đang tính”, “mẹ đừng lo”, tôi vẫn chất vấn.
Khi tôi nói “mẹ lo cho con đến mất ngủ”, con trai tôi như vỡ òa. Cháu nói như khóc: “Áp lực lớn nhất của con là mẹ đó”. Cháu nói cháu rất phiền lòng vì sự áp đặt của mẹ. Công việc kinh doanh có những điều rất khó nói, khó tường minh để mà chia sẻ; bản thân cháu cũng đang phải ứng phó liên tục, nên việc kể tường tận với mẹ là không thể.
Vì vậy, khi đối diện ánh mắt “soi xét” của mẹ, cháu chỉ thấy áp lực. Rồi cháu buộc tội tôi “không biết giới hạn” khi gọi cho nhân viên của cháu để hỏi thông tin. Theo cháu, tôi đang hủy hoại uy tín của cháu trước nhân viên và gieo mầm cho những thị phi không đáng có về cháu. Mối quan hệ giữa 2 mẹ con tổn thương sâu sắc. Tôi đâu ngờ trong mắt con, mình lại tệ hại đến vậy.
Thế nhưng, tôi sẽ không tỉnh ngộ nếu không phát giác một sự thật khác, về con gái của tôi. Con gái tôi lấy chồng sớm nên dù mới ngoài 40, cháu đã có con học đại học. Tôi đã đồng hành với con gái, tư vấn, thậm chí “kèm cặp” con trong từng hành xử với các cháu ngoại.
Trước đó, tôi luôn tư vấn cho con là phải nghiêm khắc với các cháu, mục đích là để các cháu biết đúng biết sai, sống có nền nếp và tiết kiệm. Khi tôi nói, con luôn đồng tình. Chẳng ngờ, gia đình con có hẳn một “chương trình” đối phó với bà ngoại. Tôi phản đối mua laptop mới, phản đối mua xe máy mới cho cháu ngoại; con gái tôi vẫn lén mua và cùng cháu giấu tôi.
Cái laptop thì dễ giấu, còn chiếc xe máy thì cháu nói dối là “xe của bạn gái”. Vì “không được mua xe, phải đi xe của bạn gái”, nên cháu cũng hợp thức hóa được việc đón đưa bạn gái đi học (trước đó tôi hay góp ý với cháu là không nên bỏ quá nhiều thời gian cho chuyện yêu đương).
Khi phát hiện ra sự thật, tôi thấy như mình bị phản bội. Lúc đó, con gái tôi mới bộc bạch. Con nói giấu là để tránh xung đột. Vì con có những nhận thức riêng và những nỗi niềm riêng nhưng không được mẹ lắng nghe, nên con đành phải giấu. Con cũng xấu hổ và đau khổ khi phải “sống chui sống nhủi” ngay trong sự quan tâm của mẹ.
Chuyện của con gái làm tôi đau đớn hơn cả cơn thịnh nộ của con trai. Hình dung về việc gia đình con vẫn bàn bạc cách “đối phó” với bà già là tôi, khiến tôi vô cùng đau đớn. Tôi bế quan tỏa cảng, không nhận bất kỳ cuộc gọi nào của các con. Tôi thấy đời mình như chấm hết khi đã bị những “tài sản” lớn lao nhất chối bỏ.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Tìm lại chính mình
Giữa khủng hoảng, tôi quyết định xuống Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu) một mình. Tôi chỉ đi như một cách trốn chạy và tự cách ly mình khỏi các con. Ở đó, tôi có những trải nghiệm tuyệt vời về cuộc sống.
Tôi thuê một căn homestay nho nhỏ, hằng ngày khám phá cuộc sống của cư dân ven biển. Tôi đi chợ, trò chuyện với người địa phương, được họ mời về nhà ăn cơm, rồi được tham gia cả những sinh hoạt của những gia đình làm nghề cá. Vốn có chuyên môn về kế toán, lại có tính ưa… góp ý, tôi vô tình trở thành người tư vấn thủ tục cho một gia đình muốn nâng cấp hộ kinh doanh đặc sản của họ thành công ty. Họ coi tôi là bạn, thậm chí là ân nhân. Vòng tròn quan hệ, thân hữu của tôi rộng mở và sinh động hơn bao giờ hết.
Những ngày nghỉ ngơi ở Bà Rịa, tôi như trở về với đời sống của riêng tôi. Tôi nhận ra mình có rất nhiều việc phải làm cho riêng mình, rất nhiều niềm vui có thể tận hưởng cho cá nhân mình. Quan trọng là, tôi nhận thấy đời mình cũng có những ưu tư chưa thể giãi bày, những trăn trở chưa tháo gỡ hết.
Nghĩ đến các con, tôi chảy nước mắt. Đời sống của những người trẻ đang giai đoạn vật lộn mưu sinh, xây dựng gia đình có biết bao nhiêu điều không thể nói. Vậy mà, đôi mắt của người mẹ cứ kêu đòi trình bày, “báo cáo” - há chẳng phải là một áp lực khổng lồ sao? Áp lực vì không thể giãi bày.
Áp lực lớn hơn bởi mẹ chính là người mà bọn trẻ muốn bảo vệ, muốn phụng dưỡng, thay vì phải để mẹ chứng kiến những khó khăn của mình. Không thể làm yên lòng mẹ, lại bị mẹ soi mãi những khốn khó, lúng túng của bản thân - thật là một cực hình.
Tôi nhận ra mình đã quá chủ quan, quá ảo tưởng khi cứ thò đôi tay dài, dang đôi cánh gà mẹ của mình ra mà đổ bóng xuống đời con, tạo thêm khó khăn, áp lực cho con.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Tôi “hòa giải” với các con bằng cách nhắn lời xin lỗi. Bọn trẻ cũng xin lỗi mẹ và thừa nhận bản thân chưa tốt nên mới làm mẹ lo lắng. Tôi chỉ khẳng định rằng mẹ luôn ở đây, bất kỳ lúc nào các con cần đều có thể tìm đến mẹ và từ nay mẹ sẽ yêu thương các con từ thế giới của mẹ.
Mẹ không nhảy vào thế giới của các con nữa mà sẽ thật chuyên tâm hạnh phúc trong thế giới của mình. Các con được tự chủ, tự do trong từng quyết định và trong cả những khó khăn của riêng mình.
Từ đó, tôi hoàn toàn nhẹ nhõm. Bọn trẻ lại cởi mở hơn trong mối quan hệ bình đẳng, vui vẻ cùng mẹ.
Hòa Trương (quận 12, TPHCM)