Yêu thương cả những người khác mình

05/08/2020 - 07:09

PNO - Một hôm nào đó, cả nhà quây quần đọc những tác phẩm như Chuyện con mèo dạy hải âu bay hay Cô gà mái xổng chuồng, sẽ nhận ra, những tác phẩm thực sự giá trị, không chỉ dành riêng cho trẻ con. Dù cùng viết về loài vật nhưng cả hai lại gửi gắm một cách khéo léo về lòng yêu thương, đặc biệt là yêu thương những người khác mình.

Bài học yêu thương từ hai kẻ khác loài

Gần đây, trong thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19, tôi có đọc lại Chuyện con mèo dạy hải âu bay (Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Tác giả - nhà văn Chi-lê Luis Sepúlveda - dù đã mất giữa tháng Tư năm nay vì dịch bệnh, nhưng thông điệp yêu thương mà ông để lại trong tác phẩm của mình, vẫn còn nguyên giá trị.

Ngoài sức hấp dẫn đến từ lối viết trong sáng, dí dỏm, sinh động; tác phẩm còn chinh phục độc giả bởi câu chuyện đầy cảm động và hài hước. Trên hành trình tới vịnh Biscay để đẻ trứng, một tai nạn bất ngờ khiến Kengha - cô hải âu mái có bộ lông màu bạc hoàn toàn trơ trọi giữa đại dương bao la. Khi cố gắng vượt qua nguy hiểm, Kengha gặp được Zorba - con mèo mun có bộ dạng “to đùng, mập ú”.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong giây lát bởi ngay sau khi Kengha sinh hạ được một quả trứng thì liền sau đó, cô trút hơi thở cuối cùng. Trước khi chết, Kengha khẩn thiết đưa ra cho Zorba ba lời đề nghị, cũng chính là ba lời hứa mà cô muốn Zorba thực hiện: không ăn quả trứng, chăm lo quả trứng cho đến khi chim non ra đời và cuối cùng là dạy nó bay.

Tôi đã phì cười và không giấu được xúc động khi hải âu con - sau này được đặt tên là Lucky, vừa thò ra khỏi vỏ trứng đã cất tiếng gọi “má”. Tiếng gọi thân thương ấy được dành cho không ai khác, chính là Zorba - vốn dĩ là một con mèo đực được cậu chủ chăm bẵm chu đáo. Trong khoảnh khắc đó, Zorba vừa xúc động vừa xấu hổ đến nỗi “ngượng hồng lựng cả mình”. Liệu tiếng “má” kia có phải là một sự nhầm lẫn hay không?

Tôi đã đọc thật kỹ hành trình của Zorba, từ việc chạy đi tìm sự giúp đỡ từ cộng đồng mèo ở cảng Hamburg đến việc bảo vệ và chật vật ấp cho đến khi quả trứng nở; sau này lại tìm cách dạy cho hải âu con tập bay, mới hay rằng đó là một tình yêu vô bờ bến mà có lẽ Lucky đã cảm nhận được ngay từ những ngày còn nằm trong vỏ trứng. 

Hiển nhiên, Zorba và Lucky là những con vật khác loài, nhưng điều đó có lẽ không quan trọng; tất cả chính là tình yêu mà Zorba đã dành cho “đứa con” bé bỏng của mình. Như Zorba đã nói với hải âu con: “Chúng ta học được cách trân trọng, quý mến và yêu thương một kẻ không giống chúng ta. Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương một ai đó khác mình thực sự rất khó khăn, và con đã giúp chúng ta làm được điều đó”. Câu nói của Zorba hẳn sẽ là một thức tỉnh cho loài người chúng ta, khi mà đâu đó trên thế giới này, hằng ngày hằng giờ vẫn còn nạn phân biệt chủng tộc, kỳ thị màu da, kỳ thị cả những khác biệt của người khác. 

“Không phải cứ cùng một dòng giống thì thương yêu nhau đâu” 

Cô gà mái xổng chuồng (Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn) của nhà văn Hwang Sun-mi là tác phẩm được Bộ Giáo dục Hàn Quốc khuyên đọc. Không những thế, tác phẩm đã được chuyển ngữ sang chín thứ tiếng và được chuyển thể thành bộ phim hoạt hình Leafie, A Hen into the Wild vào năm 2011, gây tiếng vang lớn tại nhiều liên hoan phim quốc tế.

Giống Chuyện con mèo dạy hải âu bay của Luis Sepúlveda, tác phẩm của Hwang Sun-mi cũng kể về hành trình làm mẹ thật khác biệt cùng với rất nhiều yêu thương mà các nhân vật dành cho nhau. Mầm Lá vốn là một cô gà mái công nghiệp nhưng khi nhìn thấy một cô gà mái ấp ra chú gà con đáng yêu và dẫn đi loanh quanh trong vườn, lòng Mầm Lá lại dấy lên khao khát mãnh liệt: được làm mẹ. 

“Lúc nào mình cũng muốn được ấp trứng, chỉ một lần duy nhất thôi cũng được, quả trứng của riêng mình, để con yêu nghe thấy được những lời thủ thỉ thì thầm của mẹ”. Khi đọc những lời tâm sự này của Mầm Lá, lòng tôi bỗng nghẹn lại. Vì thương. Với những cô gà mái khác, việc làm mẹ bình thường bao nhiêu thì với Mầm Lá, việc đó lại khó khăn bấy nhiêu. Bởi cô là gà công nghiệp, suốt ngày chỉ biết ăn cám rồi đẻ trứng. Nhưng có lẽ, điều đó không làm mất đi thiên tính nữ nơi Mầm Lá, và ước mơ đó trở đi trở lại đến ám ảnh. Cho đến một ngày, khi Mầm Lá không còn có thể đẻ trứng được nữa, trở thành “đồ bỏ đi” thì cô bị chủ nhà lôi ra khỏi chuồng rồi vứt xuống một cái hố cùng những con gà đã chết khác. 

Đây là bất hạnh với Mầm Lá, nhưng đồng thời cũng là cơ hội giải thoát khỏi trại gà nhàm chán ấy. Và chính từ cơ hội quý giá đó, Mầm Lá đã bắt gặp một quả trứng nơi bụi hồng dại. Chỉ có điều, quả trứng sau thời gian được ấp lại nở ra một chú vịt con lông vàng. Nhưng với Mầm Lá, việc có một đứa con khác loài không quan trọng bằng niềm hạnh phúc được làm mẹ. Cô đặt tên nó là Đầu Xanh, rồi “lao” vào những ngày làm mẹ đầy nhọc nhằn, để bảo vệ con khỏi mụ Chồn gian ác; nhưng cũng là những ngày có ý nghĩa nhất. 

Chuyện con mèo Zorba dạy con hải âu Lucky biết bay; hay câu chuyện giữa Mầm Lá với Đầu Xanh thực sự là những câu chuyện cảm động về sự sẻ chia, tình yêu thương vô bờ bến. Tình yêu ấy đã vượt qua mọi khó khăn và khoảng cách, như Mầm Lá có lần nói với con: “Không phải cứ cùng một dòng giống thì thương yêu nhau đâu. Điều quan trọng là hiểu và cảm thông cho nhau. Đó mới chính là tình yêu”. 

An Sơn

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI