edf40wrjww2tblPage:Content
Ông Út Trò và vợ
NHƯ MỘT GIẤC MƠ
Nhà ông Út Trò ở huyện Củ Chi, TP.HCM, nằm giữa một vườn hoa lan đua sắc. Hiên nhà, con cà cưỡng nghe tiếng người đến chào hỏi lao xao, cất tiếng than: “Tao mệt quá!”. Bà Út Trò cười, giải thích: “Câu nói cửa miệng của chồng tôi với nó, nó thuộc, gặp ai cũng nói theo”. Hôm ấy ông Út Trò mệt thật, trở trời làm ông đau nhức từ những vết thương từng bị địch tra tấn ngày xưa. Tuy vậy, nghe nhắc chuyện tình yêu, chuyện vợ chồng, ông hào hứng: “Người thương lắm đó!”.
Bà Út Trò sinh năm 1942, 18 tuổi tham gia cách mạng, công tác ở Hội Phụ nữ. Năm 1964, hoạt động bị lộ, bà bị địch bắt, đưa về nhà giam Hậu Nghĩa đến 12 tháng. Năm 1965, ra tù, bà lại móc nối đường dây, tiếp tục hoạt động. Năm 1969, bà bị bắt lần thứ hai, lần này không có chứng cứ buộc tội nên địch phải thả. Ra tù, bà lại tiếp tục tham gia phong trào với chức vụ Trưởng ban chấp hành phụ nữ thị trấn Củ Chi. Bà nhớ lại: “Thời đó hai đứa chưa quen nhau. Ông ấy tham gia cách mạng từ năm 1960, cũng với lý do nhà nghèo, ghét Mỹ như tôi, nhưng hoạt động trong xã Trung Lập với chức danh Phó ban Binh vận xã. Trong một lần đi công tác, ông bị phát hiện, bị bắt, bị địch tuyên án chung thân rồi đày ra Côn Đảo. Ở Côn Đảo, ông lại cùng bạn tù tuyệt thực, đấu tranh… Hòa bình, ông lên tàu về quê hương”.
Thấy ông Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện đã 42 tuổi mà chưa có gia đình, cha mẹ đều đã mất, sống cô quạnh một mình, đồng đội cũ mai mối ông với bà, lúc này cũng đã 32 tuổi. Thoạt đầu bà Lan ngần ngại, nhưng ba má của bà khuyên: “Hai con đều mang trên mình nhiều vết thương, cùng hoàn cảnh tù đày, cùng chung lý tưởng, lấy nhau để sau này còn chăm sóc, đỡ đần nhau. Thân con xưa bị đánh đập tàn nhẫn vậy, chắc gì đã sinh được con, người đàn ông này cũng vậy, hai người cùng hoàn cảnh sẽ hiểu nhau hơn”. Bà Út Trò kể: “Nghe ba má phân tích thiệt hơn, tôi thấy vô cùng chí lý. Ông ấy vẻ ngoài coi cũng sáng sủa, nói năng lễ phép, hiền lành, nên tôi ưng đại. Ban đầu tôi chẳng biết cách để thương chồng, còn xấu hổ khi chạm mặt ông ấy. Hễ ông nhà trước, tôi ở nhà sau. Ông ngoài sân, tôi rúc vào bếp. Rồi từ từ mới… quen nhau”.
Ở nhà vợ hơn một năm, quen với “chức danh” làm chồng, ông Út Trò mới mạnh dạn xin phép ba má bà Lan đưa vợ về quê, dựng một căn nhà nhỏ trên mảnh đất hương hỏa gia tộc. Ngày ngày, ông bà chở nhau đi công tác trên chiếc xe đạp cũ. Những lúc trở trời, vết thương của ông đau thì bà chở. Ngày bà mệt mỏi với cái đốt sống lưng xưa bị chích điện, ông lại đạp xe.
Hết việc ở cơ quan, họ cùng nhau làm rẫy, trồng rau, trồng cà như nhiều công chức nông thôn ngày ấy. Năm 1979, con gái duy nhất của ông bà chào đời trong niềm vui sướng ngỡ ngàng của đôi vợ chồng son nhưng không còn trẻ. Ông Út Trò kể: “Cứ nghĩ mình bị tuyệt đường con cái nên chúng tôi cố gắng yêu thương nhau, bù đắp cho nhau trong khả năng có thể. Nào ngờ, con gái ra đời như một giấc mơ”.
Ông Út trong vòng tay vợ con
TIẾP NỐI YÊU THƯƠNG
Bà Út Trò giành với chồng quyền đặt tên con gái: Nguyễn Thị Hằng! Bà nói, cái tên đó sẽ cho con một cuộc đời tươi sáng. Là con một nên Hằng được cha rất cưng. Hằng kể: “Nói về chuyện ba cưng con gái, kể cả ngày không hết. Tối nào ngủ ba cũng quạt cho tôi đến sáng vì thời đó không có quạt máy, đi đâu chơi ba cũng chở theo, bị mẹ la là ba bênh liền. Ba rất thích mọi người nói hai cha con giống nhau như hai giọt nước!”. Ông Út Trò cưng con gái bao nhiêu thì bà Út lại nghiêm khắc bấy nhiêu. Bà bắt Hằng chú tâm học hành. Hằng kể: “Chỉ cần lơ đễnh một chút là tôi bị mẹ rầy. Đi học mà về trễ 10 phút là mẹ đi tìm! Nhưng, cũng nhờ đó mà tôi nên người. Nếu mẹ cũng chiều tôi như ba, chắc tôi đã không được như ngày nay”. Hằng kể vậy, nhưng với bà con lối xóm ở xã Trung Lập Hạ, ai cũng biết cô bí thư đảng ủy xã hôm nay của họ là đứa con rất ngoan và là cô nữ sinh giỏi giang một thời của xóm.
Nối nghiệp mẹ, Hằng tham gia công tác Hội Phụ nữ và trưởng thành dần. Năm 2004, Hằng lấy chồng. Anh Nguyễn Quyết Thắng, chồng Hằng, là kỹ sư môi trường. Thương cha mẹ vợ già yếu, bệnh tật, năm 2010, khi ông Út Trò bị tai biến, anh quyết định nghỉ làm, ở nhà trồng lan, chăm sóc cha mẹ cho vợ yên tâm công tác. Bà Út nói: “Thấy con sống có nghĩa, tôi vui lắm. Tôi và chồng đã xin chị sui cho Thắng làm con trai tôi luôn rồi!”.
Gia đình đơn chiếc năm xưa của ông bà Út Trò giờ đầy ắp tiếng cười, rợp màu hoa lá. Bé Thảo Nguyên, con gái của Thắng và Hằng là tâm điểm của niềm vui và tình yêu thương ấy. Hằng kể: “Ba mẹ sống với nhau tình cảm lắm nên chúng tôi tiếp bước ông bà gìn giữ tình cảm đó. Hễ ba tôi đi nằm viện là mẹ lại bồn chồn ra vào không yên. Suốt ngày bà chợ búa, cơm nước, chuẩn bị món này, món kia cho ông ăn vì sợ cơm hàng cháo chợ ông không vừa miệng. Khi mẹ tôi đi an dưỡng theo tiêu chuẩn thì tới lượt ba tôi nhớ mẹ”.
Năm 2002, ông Út Trò được về thăm Côn Đảo, chốn lao tù nơi ông từng gửi một phần xương máu. Khi trở về, ngày ngày ông kể chuyện năm xưa cho vợ con nghe. Có khi cao hứng, ông còn hát tặng vợ những bài hát thời đấu tranh. Giờ tai ông đã lãng, chân đi không vững nữa, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn “bày tỏ” với vợ những lời cảm ơn hết sức trìu mến: “Nhờ bà thương tôi, nếu không có bà chắc tôi chết lâu rồi”. Ở tuổi 81, ông Út Trò thỏa thuận với vợ: “Mình đã yêu thương và sống với nhau một đời, giờ hai vợ chồng cùng góp tình cảm lại dành hết cho con cháu”.
NGHI ANH
Bài 5: Như hình với bóng