Yêu Sài Gòn bằng con chữ

07/05/2024 - 06:06

PNO - Bắt đầu với mẩu chuyện nhỏ dịch từ tiếng Anh được đăng trên Báo Phụ nữ TPHCM vào năm 1992, đến nay, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hà (bút danh Nguyễn Ngọc Hà) đã có 32 năm gắn bó với con chữ. Ở tuổi 68, bà có 6 đầu sách viết về Sài Gòn - TPHCM.

1. Vừa gọi điện, tôi đã nghe giọng bà hồ hởi: “Tales of Saigon đã bán hết, 500 cuốn chỉ trong vòng 2 tháng, chuẩn bị tái bản”. Nếu ai đã từng ghé Đường sách TPHCM, thấy một phụ nữ nhỏ nhắn, mái tóc ngắn nhiều sợi bạc đứng trước quầy sách cũ bên cổng đường Hai Bà Trưng, luôn nhoẻn miệng cười kiên trì “chào hàng” đứa con tinh thần của mình, hẳn sẽ đồng cảm phần nào niềm vui ấy.

Tales of Saigon do bà tự dịch từ bản tiếng Việt cuốn Chuyện kể từ Sài Gòn của chính mình, nối mạch ký ức về thành phố nơi bà sinh ra và lớn lên qua những đầu sách đã xuất bản trước đó: Sài Gòn đi và nhớ, Sài Gòn thương và nhớ, Sài Gòn - Ký ức vượt thời gian, Sài Gòn - Tình yêu của tôi…

Trực tiếp đứng quầy giới thiệu và chuyện trò  với bạn bè quốc tế những mẩu chuyện  về Sài Gòn là niềm vui mỗi ngày của bà
Trực tiếp đứng quầy giới thiệu và chuyện trò với bạn bè quốc tế những mẩu chuyện về Sài Gòn là niềm vui mỗi ngày của bà

Sài Gòn trong cõi nhớ của Nguyễn Ngọc Hà là cái hàng ba chơi banh đũa, chơi đá dế hoặc nằm dài tâm sự chuyện trường lớp, bạn bè - một chất keo gắn kết tình nghĩa xóm làng. Bởi ở đó, “có khi các ông ba của chúng tôi bày trà cùng uống, cùng san sẻ vui buồn, kể chuyện trong sở làm.

Có khi là những bà mẹ của chúng tôi đã chuẩn bị xong bữa cơm chiều, cùng ra hàng ba ngồi ngóng chồng, cùng chuyện trò than thở với nhau chuyện chồng con, vật giá, chỉ nhau cách nấu các món ăn” (Cái hàng ba, trong Sài Gòn thương và nhớ).

Sài Gòn trong ký ức của bà còn có loại hình xi-nê dành cho con nít vô cùng thuận lợi, rẻ tiền: “Chiếc thùng thiếc có những cặp lỗ đặt vừa tầm cho đôi mắt một đứa con nít áp sát vào. Phía bên trên thùng, “thiết bị chiếu phim” gồm hai vòng quay như hai cái khung bánh xe lớn nhỏ… Nội dung phim đơn giản như hai chàng cao bồi đấu súng, hai chàng lực sĩ đánh nhau” (Eden lưu động, trong Sài Gòn đi và nhớ).

Trong mạch kỷ niệm của bà về Sài Gòn, còn có những gánh nhuộm lưu động mà các bà, các cô xóm nghèo chờ mong để từ cái áo trắng nhuộm thành màu xanh nhạt, mấy tuần sau đổi sang xanh đậm và cuối cùng là đen:

“Tôi trân trọng làm sao những người mẹ, người vợ vì muốn làm đẹp cho chồng con với cái túi eo hẹp đã đón gánh nhuộm, kiên trì xách nước cho ông Tàu, trán rịn mồ hôi chờ những bộ quần áo được làm mới cho chồng, cho con và cả chính mình. Tôi cũng yêu làm sao bạn bè tôi mặc đồ nhuộm mà mắt vẫn long lanh sung sướng: “Áo tao mới nhuộm”. Không một chút mặc cảm, một sự tự ti cảnh thanh bần của mình” (Gánh nhuộm lưu động, trong Sài Gòn đi và nhớ).

Thường nghe, “Sài Gòn đất chật, người đông”, nhưng Sài Gòn vẫn luôn có chỗ cho những phận người tha phương cầu thực mà mưa cũng như nắng, đêm cũng như ngày quần quật. Bởi vậy, trong ký ức của bà, Sài Gòn có rất nhiều nghề liên quan chữ “mướn” và “dạo”: gánh nước mướn, giặt đồ mướn, viết mướn, hớt tóc dạo, nhổ răng dạo, xỏ lỗ tai dạo…

Và, “Sài Gòn của tôi có sự thân thiện của một người bạn thơm thảo, có sự phóng khoáng của kẻ dư ăn dư mặc, có sự dễ dãi, bao dung của người trẻ… Sài Gòn thật dễ sống” (Sài Gòn quê hương tôi, trong Sài Gòn thương và nhớ).

Dẫu Sài Gòn ngày nay đã vắng bóng những cái hàng ba, những gánh nhuộm hay thiết bị chiếu phim lưu động… thì vẫn còn nguyên nghĩa tình chân chất giữa người với người. Mỗi khi đi ngang một quán cơm Nụ cười, một gian hàng “0 đồng”, một “bếp yêu thương” với hàng ngàn bộ quần áo, bịch cháo, khay cơm nóng hổi dành cho người nghèo, bà lại bồi hồi thấy lại ngày xưa.

2. Hồi nhỏ, được học trường tư, thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, bà mơ sau này theo nghề dạy học hoặc làm kỹ sư, nhà khoa học cho oách. Bỗng đâu biến cố xảy ra: cha mất sớm, gia đình sa sút, mẹ bà, chị bà phải buôn thúng bán bưng, ngược về xóm cũ bên quận 5 giặt đồ mướn.

Dẫu cảnh nhà bế tắc, bà vẫn nỗ lực học xong đại học, trở thành kỹ sư. Thế nhưng, bà không thấy mình hạp với nghề đã học. Ngoài 30 tuổi, bà vẫn lóc cóc đạp xe đi dạy kèm tiếng Anh. Những lúc chán nản, tuyệt vọng, bà đi bộ ra mấy sạp báo đọc ké.

Bà kể: “Như là cái duyên, đọc mục Chuyện kể cho con trên Báo Phụ nữ TPHCM, tôi nhủ thầm, hay là dịch truyện tiếng Anh gửi thử. Cái sự đâm liều đó đã đưa cuộc đời tôi rẽ sang ngả mới”.

Nhà bà nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Văn Đang, quận 3. Trong tủ kính đặt trang trọng ở phòng khách là những cuốn sách được bọc ni lông cẩn thận và những cuốn tập học trò ố màu.

Tôi bất ngờ khi lật giở từng cuốn, bởi bên trong là những bài báo được cắt, dán cẩn thận, là những tờ phiếu trả tiền nhuận bút từ năm 1992 trở đi. 32 năm rồi, bà vẫn trân trọng chúng như báu vật.

Bài đăng báo đầu tiên của bà là mẩu chuyện Con ốc sên trên tường vào tháng 9/1992, được Báo Phụ nữ TPHCM trả 20.000 đồng nhuận bút. Bà nói, với một người loay hoay kiếm cơm, ăn bữa nay đã lo ngày mai như mình hồi đó, số tiền ấy quả là “khổng lồ”.

Vậy là bà trở nên hăng hái, ngày nhận dạy kèm tiếng Anh đàm thoại, tối ngồi tới khuya dịch hoặc viết những mẩu chuyện nhỏ về gia đình, tình làng nghĩa xóm gửi báo.

Được Báo Phụ nữ TPHCM đăng bài thường xuyên, bà bắt đầu viết về Sài Gòn bằng ký ức của riêng mình và gửi cộng tác nhiều báo khác. Tích cóp thu nhập từ việc viết lách và dạy kèm, vào năm 38 tuổi, bà học văn bằng 2 chuyên ngành ngôn ngữ Anh. Đến năm 41 tuổi, bà chính thức trở thành giáo viên tiếng Anh của Trường THPT Đa Phước, huyện Bình Chánh.

Con chữ đã thay đổi cuộc đời bà như vậy.

3. Năm 2010, bà tập hợp những tản văn, tạp bút về Sài Gòn, tự bỏ tiền xuất bản cuốn sách đầu tiên - Sài Gòn đi và nhớ. Cô giáo về hưu ôm từng chồng sách còn thơm mùi mực đi xe buýt hoặc lội bộ tới hệ thống nhà sách Nguyễn Văn Cừ, Fahasa, Nhân Văn… xin ký gửi, nêu rõ tâm nguyện dù phải chờ 5 hay 10 năm, chỉ cần có 1 bạn đọc mua sách là bà vui rồi.

Nhưng bà không phải đợi lâu. Chỉ 1 năm sau, 1.000 bản Sài Gòn đi và nhớ đã được bán hết. Những năm tiếp theo, bản thảo sách của bà được các nhà xuất bản, công ty sách chủ động đầu tư, phát hành rộng rãi. Riêng với 2 cuốn tiếng Anh là Saigon in my memories Tales of Saigon, bà trực tiếp đứng quầy để tiện giới thiệu, trao đổi với du khách nước ngoài.

Văn phong của bà nhẹ nhàng, dung dị như một người bạn cũ lâu ngày gặp lại, cùng rỉ rả chuyện xưa, chuyện tụi mình những năm 1960, 1970. Ở tuổi 68, mỗi ngày, bà vẫn cần mẫn viết.

Ngoài những con chữ loanh quanh miền thương Sài Gòn, bà bảo, những đầu sách ra mắt nay mai sẽ kể thêm chuyện phố rất mới với những tòa nhà chọc trời, tuyến tàu điện ngầm đầu tiên, con đường kèn hồng làm say lòng người, những chuyện tình, những giọt nước mắt và nụ cười của một TPHCM rất trẻ.

Thảo Nguyên

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024.

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.

- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.

- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.

- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI