Yêu phải cô nàng sòng phẳng!

17/04/2025 - 11:30

PNO - Sòng phẳng là cách để chị giữ vững tin vào bản thân. Chị không muốn nợ ai, không muốn lún sâu vào cảm xúc đến mức đánh mất sự độc lập.

Ảnh minh họa: Shutterstock
Ảnh minh họa: Shutterstock

Đã hơn 30 tuổi, có lẽ đây là lần đầu anh Hoàng Chương (TP Thủ Đức, TPHCM) gặp một cô gái có tính cách rạch ròi như Thái San (25 tuổi, quận 8, TPHCM). Thái San sống và yêu theo triết lý mà anh Chương hay đùa là “chủ nghĩa Mai An Tiêm”.

Xưa kia Mai An Tiêm là người tài giỏi, luôn tự đi lên bằng năng lực chứ không cậy thế con vua nên khiến vua nổi giận, đày chàng ra hoang đảo. Anh Chương nói vui: người yêu của anh có lẽ là... hậu nhân của Mai An Tiêm, bởi cô luôn không muốn nhận ân huệ của bất cứ ai, dù là thứ nhỏ nhất.

Thái San tin vào giá trị của lao động, thứ gì muốn giữ được thì phải tự tay tạo ra. Có lần chị nói: “Em không tin vào những thứ từ trên trời rơi xuống. Nợ tiền bạc còn dễ, nợ ân tình mới càng khó trả và có ai muốn mình mang nợ bao giờ đâu”.

Ấn tượng ban đầu của anh Chương về chị San là cái kiểu “không dễ rung rinh”. Lúc mới quen, cả 2 đi ăn cùng nhau, tuy ở quán chị không tranh trả tiền, nhưng khi về nhà anh Chương phát hiện chị đã kịp chuyển khoản nửa số tiền qua tài khoản anh từ lúc nào. Cách làm đó có thể khiến nhiều người đàn ông cụt hứng, riêng anh Chương lại thấy cô gái này thú vị.

Cứ như vậy, khi đi uống nước, chị sẵn sàng để anh trả tiền, nhưng đến buổi xem phim, trong lúc anh còn loay hoay ở hầm gửi xe thì chị đã chủ động chọn 2 ghế và thanh toán tiền vé. Đơn giản là vì chị muốn sòng phẳng, không muốn mang tiếng “dựa hơi” người yêu.

Anh Chương yêu chị San cũng một phần vì cái tính rõ ràng đó. Chị không dựa dẫm vào ai, không giỏi nịnh, cũng chẳng biết làm bộ dễ thương. Thay vào đó, chị độc lập, hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của bản thân. Anh trân trọng chị như 1 mẫu người cổ điển, rõ ràng và luôn giữ nguyên tắc.

Tình yêu giữa 2 người được xây dựng trên nền tảng văn minh, tôn trọng sự tự do, không kiểm soát nhau, nhưng chủ nghĩa “Mai An Tiêm” đôi khi khiến anh Chương dở khóc dở cười. Ví như lần được thưởng tết, anh hào hứng rủ người yêu đi ăn tại một nhà hàng ở toà nhà cao nhất thành phố và ấn định: “Hôm nay anh mời”. Vậy mà lúc gặp nhau, anh Chương lại nhận được phần quà là đôi giày cầu lông như một cách hồi trả. “Cho anh mời 1 bữa trọn vẹn không được hả?” - anh Chương than thở. Chị chỉ cười trừ và tiếp tục tận hưởng buổi hẹn hò.

Càng quen nhau lâu, anh Chương càng hiểu sòng phẳng là cách để chị Thái San vững tin vào bản thân. Chị không muốn nợ ai, không muốn lún sâu vào cảm xúc đến mức đánh mất sự độc lập. Có lần bạn bè hỏi: “Nếu có người cho bạn 1 thứ gì đó mà không đòi lại thì sao?”, chị San trả lời: “Ngoài cha mẹ ra, tôi nghĩ không ai cho không ai thứ gì”.

Là đàn ông, anh Chương cũng có chút... nghĩ ngợi. Tình yêu đâu phải lúc nào cũng là sự trao đổi. Có đôi lần, anh bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với việc mời chị đi ăn, vì lúc nào cũng phải “đàm phán” trước. Mỗi món quà tặng chị, chị đều “gửi lại” bằng 1 cách nào đó nếu thấy giá trị lớn. Điều này từng khiến anh thoáng nghĩ, mối quan hệ của họ chẳng khác nào 2 người bạn đang hùn hạp làm ăn. Nhưng bỏ qua những rắc rối đó, anh hiểu người yêu của mình không vô tâm, chỉ là trong chị luôn có nỗi sợ: sợ bị phụ thuộc, sợ những “đặc ân” hôm nay sẽ trở thành gánh nặng, trở thành sợi dây ràng buộc nặng nề cho mối quan hệ của họ.

Nhưng Chương không bỏ cuộc. Anh chọn cách gieo lại lòng tin cho chị từng chút một, như cái cách Mai An Tiêm thả dưa xuống biển. Anh không giành trả tiền, không khiến người yêu có cảm giác mang nợ nữa, chỉ cố gắng chủ động, nhỏ nhẹ. Anh không đòi hỏi chị “yếu đuối” hơn, mà chỉ kiên nhẫn chờ chị gỡ từng lớp phòng vệ.

Rồi chị San cũng đổi thay, dù rất... nhẹ. Có hôm, đi ăn xong, chị không tranh trả tiền. Nhận được quà của anh Chương, chị San “đáp lễ” bằng câu nói nhẹ nhàng: “Em cảm ơn anh”, chứ không tìm cách gửi lại tiền hay quà. Có lần, anh Chương bị đau nhức vì chơi thể thao, chị lùng sục mua chai dầu nóng loại tốt xoa bóp giúp người yêu.

“Tôi hiểu hạt dưa đã bắt đầu nảy mầm. Cô ấy đang dần học cách nhận về mà không nghĩ đó là “nợ” - anh Chương tâm đắc.

Có lẽ, ai trong chúng ta cũng nên như Mai An Tiêm - biết quý giá trị của lao động, sống độc lập, không dễ dãi với cảm xúc. Nhưng trong tình cảm, đôi khi chúng ta phải chấp nhận sự không sòng phẳng, bởi tình yêu cũng giống 1 cuộc đầu tư mà chẳng ai đòi lãi suất.

Cát Quân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI