Không phải đợi đến khi dịch giã Liên mới thường xuyên nấu nướng, bày biện, chia sẻ những món ăn và bí kíp chăm sóc gia đình. Ngày chưa dịch, cô cũng đã luôn lặng lẽ lui về phía sau, âm thầm làm hậu cần cho Hải.
Nhìn những bức ảnh món ăn, những dòng chữ yêu thương tận tụy của cô, người này ngưỡng mộ, người kia thả biểu tượng “thương thương”. Thế nhưng, chẳng thể biết trong lòng mọi người thật sự nghĩ gì.
Tôi vẫn nhớ không khí buổi ra mắt người yêu của Hải. Trong không gian khá sang trọng ở một nhà hàng, Hải dắt tay bạn gái từ cửa tiến vào. Liên trông quê kệch, gầy đen sánh bước bên anh chàng sáng láng. Nhiều người không dưng bật ra ý nghĩ: “Thật là một đôi đũa lệch!”.
Hải là dân Sài Gòn, nghề nghiệp ổn định lại cao ráo, đẹp trai. Chẳng hiểu sao anh lại bén duyên cùng Liên, cô gái quê xa tít, tận An Giang. Liên giới thiệu mình là cô giáo mầm non, lên thành phố lập nghiệp đã mấy năm nhưng chưa bắt nhịp được với lối sống hiện đại, cô rụt rè nhờ mọi người giúp đỡ.
|
Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy |
Sau bữa tiệc ra mắt vài tháng, họ kết hôn. Vài năm trôi qua, nhóm bạn gái của Hải vẫn không ngớt băn khoăn, thỉnh thoảng họ vẫn đặt câu hỏi tại sao Hải lại chọn Liên? Bây giờ, liệu Hải có còn dành cho Liên sự trân trọng như trong bữa tiệc ngày nào?
“Hội chị em” thắc mắc thế, nhưng với mấy anh chồng thì khác. Người bảo Hải tốt phước, người khác lại bảo Hải tỉnh táo, thông minh, biết cách chọn vợ.
Họ nhận xét, Liên vừa hiền thục, giản dị lại nấu ăn ngon, luôn êm vui dịu dàng, chẳng như những chị đẹp suốt ngày mè nheo, yêu cầu, đòi hỏi. Ngày thường, mấy chị đòi đi ăn quán, mua sắm, “chốt đơn”, lễ lạt chưa kịp tặng hoa tặng quà đã mặt nặng mày nhẹ, giận hờn, cách ly…
Tôi còn nghe cậu Minh bức xúc: “Phụ nữ như Liên ngày càng hiếm. Bởi xã hội càng cởi mở thì phe chị em càng không biết điểm dừng. Họ vị kỷ đến nỗi quên đi những thiên tính của phái nữ. Vợ tôi chẳng hạn, tôi chiều nàng hết mức, nhưng càng chiều, nàng càng không thấy đủ. Năm bữa nửa tháng lại thấy nàng làm mặt lạnh, hỏi thì nàng lại bảo đang nóng trong người. Thật chẳng biết làm sao”.
Tôi nhận thấy những lời của Minh rất nặng tính trói buộc. Tại sao các ông lúc nào cũng muốn được tìm vui, muốn tạo điều kiện để thành công, hơn thua và chứng tỏ, trong khi đó lại yêu cầu phụ nữ chúng tôi chỉ được mềm mại, kiên nhẫn, quẩn quanh, hỗ trợ chồng con trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tôi định một dịp nào đó sẽ “bật lại” Minh. Thế rồi sáng nay sau khi đọc được đôi dòng Liên viết, tôi phân vân mãi.
Cô viết: “Má thường dặn, người phụ nữ chỉ sung sướng khi nào họ thấy người mà họ yêu thương được sung sướng. Cũng như họ đau khổ khi nào thấy những kẻ họ yêu thương đau khổ. Tình yêu của má dành cho ba là thứ tình yêu tuyệt đối, má luôn bao dung và sẵn sàng hy sinh, chịu thiệt. Người ngoài nhìn vào bảo má đáng thương, nhưng thực tế má luôn vui. Má vui vì ba đã mang lại cho má những ân huệ quý giá. Đó là những đứa con, là một quê hương thứ hai đầy tình làng nghĩa xóm, là những buổi sáng được thức dậy, bận rộn bên bếp lửa gia đình. Tôi đã có lần nghi ngờ lời má dạy, cho đến khi soi chiếu vào các con mình…”.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Tôi cũng như Liên, có hai con, một trai một gái. Bé Bắp mới ba tuổi, nhưng khi nào con cũng ao ước có một trái banh, một cây kiếm, hay một bộ biến hình để chiến đấu, chứng minh sức mạnh, sự tài giỏi hơn thua. Còn chị Chim Sâu của bé nay sáu tuổi, vẫn say sưa chơi trò bác sĩ, mặc bộ đồ trắng rồi liên tục thăm khám, hỏi han, chăm sóc mọi người. Con cũng có một tủ búp bê để sểnh ra là chải tóc, âu yếm, ru ngủ nâng niu các em…
Có lẽ sau này khi lớn lên, những thiên tính ấy được gìn giữ y nguyên, cậu Bắp sẽ trở thành người đàn ông ưa xông pha, chứng tỏ, còn cô nàng Chim Sâu trở thành một người phụ nữ luôn hạnh phúc khi được chăm sóc người khác.
|
Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy |
Liên và mẹ cô có lẽ đã nói đúng, từ khi là một bé gái, trở thành một cô gái, rồi một người đàn bà, phái nữ chúng ta, ngoài yêu và mong chờ tình yêu, cũng luôn bao dung, giàu lòng vị tha, thích chăm sóc, nâng đỡ người bên cạnh. Đó là thiên tính cần thiết để duy trì những điều tốt đẹp cho gia đình, cho xã hội.
Và khi chúng ta trao đi, cũng là lúc mình nhận lại. Tôi khẳng định được điều đó, khi Hải vốn rất kiệm, cuối cùng cũng khoe trên mạng xã hội bức hình ngọt lịm. Ở đó, Hải nắm tay Liên thật chặt rồi bảo: “Yêu mến cuộc đời, và rất yêu em !”.
Diệu Thông