Một hôm, tôi đang làm việc thì điện thoại báo tin nhắn. Đó là tin nhắn của vợ tôi, nàng hỏi: “Anh đang làm gì đấy?”.
Tôi nhắn tin đáp: “Anh đang làm nốt báo cáo cho sếp, mai nộp”. Vợ tôi lại nhắn: “Anh đặt giúp em nồi nước, em về luộc rau”.
Tôi vừa “ok”, thì thấy vợ vừa đi vào nhà vừa nhắn tin. Tôi ngạc nhiên, hỏi:
- Ơ… em về đây rồi, sao không nói luôn cho nhanh còn bày đặt nhắn tin?
Vợ tôi nhăn mặt xua tay, nhắn tiếp: “Em khát nước, lấy em chai nước!”. Tôi mở tủ lạnh lấy cho nàng chai nước. Nàng mở nắp uống ừng ực.
Tôi vừa định hỏi, nàng lại xua tay quầy quậy, rồi chỉ vào điện thoại bảo tôi: “Nhắn tin đi!”.
- Em làm sao thế? Mất giọng à? - Tôi bực quá xẵng giọng hỏi, nàng vẫn không trả lời, tiếp tục nhắn tin. Tôi thấy tin nhắn “Em không sao” thì bực quá quát tiếp - Vậy em hâm à? Sao không nói mà cứ nhắn tin?
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Lúc này cô nàng mới lên tiếng, giọng cũng gắt gỏng:
- Anh đúng là đồ lạc hậu! Thời đại 4.0 rồi, ai nói trực tiếp nữa đâu, phải biết sử dụng phương tiện công nghệ chứ!
Tôi tròn mắt kinh ngạc, nàng tiếp tục giải thích:
- Em hỏi anh, giờ có ai ra đường vẫy tay rồi gọi taxi nữa không? Chỉ cần bấm điện thoại, xe đến đón, quãng đường và giá tiền đã hiện sẵn, ta chỉ việc ngồi lên xe đến nơi trả tiền không cần nói câu nào… và không chỉ taxi, dịch vụ nào cũng vậy, đều dùng công nghệ giao tiếp, các công ty cũng làm việc qua mạng, ngân hàng, mua bán… tất tật, có ai cần đến nơi nói trực tiếp nữa đâu… Thậm chí đến quán ăn, ta cũng check trên mạng, đặt chỗ đặt món ăn trước, đúng giờ đến nơi cửa hàng sẽ phục vụ, ta ăn xong trả tiền bằng quẹt thẻ là xong, hơi đâu cứ phải gọi món này món kia. Rất ồn ào mất trật tự…
Tôi ngây mặt lắng nghe, rồi thẽ thọt:
- Ý em là, từ nay chúng mình cũng giao tiếp bằng công nghệ?
- Đúng vậy, nếu từ nãy đến giờ anh biết dùng điện thoại thì mình vẫn hiểu nhau mà không phải nói, không gây ồn ào, không tốn sức lực, đúng không?
Tôi gật gù chấp nhận:
- Được, từ giờ anh sẽ thực hiện giao tiếp với em bằng công nghệ.
Và tôi bấm tin nhắn gửi cho nàng: “Anh muốn ôm em”. Vợ tôi đáp trả luôn: “Ok, ôm đi!”.
Vừa nói, nàng vừa hớn hở bước tới gần vẻ nũng nịu dang tay, nhưng tôi đẩy nàng ra, nghiêm mặt chỉ vào điện thoại: “Công nghệ, dùng phương tiện công nghệ”.
Rồi tôi bấm điện thoại gửi vào tin nhắn của nàng cái icon hai chú thỏ ôm nhau da diết. Nàng cau mày, nhưng vẫn nhấn icon trái tim đáp trả.
Tôi lại nhắn tiếp: “Anh muốn hôn em”.
Nàng nhắn trả lời: “Hôn đi”.
Tôi lại gửi icon hình hai người hôn nhau.
Nàng gửi lại icon mặt giận dữ.
Tôi lại nhắn tiếp: “Sao thế, đang hôn nhau mà”.
Lúc này thì đến lượt vợ tôi nổi quạu:
- Anh bị điên à? Hôn nhau bằng tin nhắn thôi à?
Tôi cứ tỉnh bơ, chỉ vào điện thoại:
- Công nghệ “bốn chấm không!”. Hôn “bốn chấm không!”.
***
Trong bữa cơm, vợ chồng tôi mỗi đứa một bên bàn. Tôi nhắn tin: “Ăn đi, sao em cứ cắm đầu vào điện thoại thế, đang nhắn tin cho anh nào à?”.
Nàng nhắn tin đáp: “Anh nào? Đang trả lời con bạn cùng văn phòng”.
Tôi cũng cắm đầu vào điện thoại, vừa xem Facebook và nhắn tin, thỉnh thoảng lại ngẩng lên gắp món ăn cho vào miệng nhai. Nàng cũng y như vậy. Bữa ăn khá yên ắng. Rồi nàng cũng nhắn tin cho tôi: “Ăn đi, hay bận nhắn tin cho cô nào?”.
Tôi cũng nhắn tin đáp trả: “Nhắn tin cho anh bạn cùng cơ quan thôi!”.
Cứ như vậy, bữa ăn kết thúc một cách bình yên
***
Ban đêm, trên giường ngủ, mỗi đứa một điện thoại xoay lưng lại với nhau. Cả hai đắm vào thế giới riêng, qua Facebook, comment và Messenger…
Tôi cũng hay nhận tin nhắn từ vợ: “Thức khuya thế, ngủ đi!”.
Tôi nhắn tin đáp trả: “Sắp ngủ đây! Em cũng ngủ đi!”. Tuy nhiên, thỉnh thoảng chúng tôi cũng rời bỏ điện thoại để “vui vẻ” với nhau. Buông nhau ra, cả hai lại ôm lấy điện thoại. Dường như, cái thế giới mà người ta gọi là “ảo” lại có sức cuốn hút và đầy cám dỗ hơn so với thế giới thực.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
***
Con người hiện đại ngày càng lệ thuộc vào các phương tiện công nghệ. Bạn không biết sử dụng công nghệ, bạn như kẻ mù lòa vậy. Công nghệ không chỉ là phương tiện trong công việc, nó còn là phương tiện giao tiếp.
Một phát ngôn bằng lời nói luôn gắn liền với cơ thể nào đó, gọi là chủ thể phát ngôn, nó chứa cảm xúc, thái độ, tâm trạng… của người phát ngôn và, người nghe đôi khi chỉ cần cảm nhận thái độ, cảm xúc, tâm trạng đó để hiểu được thông điệp của đối phương.
Nhưng khi phát ngôn chuyển sang cho công cụ điện thoại, nó chỉ còn là chuỗi ký tự phát ra từ một cỗ máy vô cảm. Người tiếp nhận nó cũng không cần cảm xúc. Chúng ta đang từ bỏ vai trò chủ thể để trở thành cái gì đó phụ thuộc.
Con người tiến bộ nhờ công nghệ, và đánh mất mình cũng vì công nghệ.
Biên kịch Đỗ Trí Hùng