Yêu nhau, lấy nhau, đâu biết ngày nào chiếc nhẫn cưới tuột ra...

06/12/2017 - 16:30

PNO - Chị nhớ, chính cô gái đó đã tìm đến tận nhà, chửi bới, nguyền rủa, rồi lao vào đánh chị. Cái tát của chị chỉ là phản ứng tự vệ trước sự hung hãn của tình địch.

Trong cái ngày khoác tay nhau đi giữa bao quan khách trong lễ cưới, cô dâu và chú rể nào biết trước cuộc hôn nhân của mình sẽ tồn tại bao lâu và liệu chiếc nhẫn cưới trên ngón tay áp út của họ có ngày nào đó tuột ra, kết thúc một cuộc trăm năm không là trăm năm như người ta hằng mong đợi và vẫn chúc tụng nhau.

Hình ảnh người đàn ông vụng về chăm con sau khi vợ bỏ đi khiến tôi nhớ những câu chuyện trái khoáy từng chứng kiến. Biết rằng mọi cái trên đời đều mang tính tương đối, và tình yêu cũng như hôn nhân không phải là ngoại lệ… nhưng không sao tránh khỏi cảm giác buồn khi bắt gặp đâu đó một câu chuyện tương tự. Câu “nhất dạ phu thê, bách dạ ân” nói ra mất chưa đến năm giây, nhưng để sống cho tròn đạo nghĩa với nhau thì phải mất cả đời nỗ lực.

Yeu nhau, lay nhau, dau biet ngay nao chiec nhan cuoi tuot ra...
 

Câu chuyện thứ nhất:

Người vợ đau khổ kể trong nước mắt rằng chồng chị, trước khi bỏ đi cùng người tình, đã làm một điều mà chị không thể ngờ: một sáng ra thăm vườn, chị ngỡ ngàng nhìn thấy tất cả những gốc điều đang mùa cho trái bị chặt đứt lìa. Chị mở tủ, số tiền, vàng dành dụm bấy lâu cũng đã biến mất. Có lẽ chưa đã cơn, anh chồng còn để lại một dòng chữ nhức nhối: “Cô phải trả giá vì dám tát cô ấy”.

Chị nhớ, chính cô gái đó đã tìm đến tận nhà, chửi bới, nguyền rủa, rồi lao vào đánh chị. Cái tát của chị chỉ là phản ứng tự vệ trước sự hung hãn của tình địch. Trong khi chị bị xây xát khắp người, chồng chị chẳng hề quan tâm. Anh ta chỉ thấy cái tát chị dành cho nhân tình và anh ta đã trả đũa bằng hành động mà bất kỳ ai biết chuyện cũng phải lắc đầu: chặt hết vườn cây - nguồn sống duy nhất của cả gia đình - những đứa con của anh ta.

Câu chuyện thứ hai:

Bà cụ đưa hai bàn tay chai cứng, chằng chịt những vết cắt do tre nứa lên quệt mồ hôi trên mặt, kể với tôi về công việc bà đang làm: đan giỏ tre gia công. Mỗi chiếc giỏ thành phẩm, bà được trả công 8.000 đồng.

Trung bình mỗi ngày bà đan được khoảng bốn cái giỏ, nhiều lắm cũng chỉ sáu cái, nghĩa là thu nhập cao nhất cũng chưa đến 50.000 đồng/ngày để xoay xở lo cho bốn miệng ăn, trong đó có người con trai bị tai nạn nằm một chỗ và hai đứa cháu nhỏ. Số tiền trợ cấp của xã cộng với thu nhập từ đan giỏ như gió vào nhà trống, bởi chỉ riêng tiền thuốc men cho con trai bà đã ngốn hết gần nửa số ấy.

Anh bị tai nạn lao động trên công trường xây dựng, không thể đi lại được nữa. Do nằm lâu ngày, da thịt anh bị lở loét nhiều nơi, vô cùng đau đớn. Thế nhưng cái đau thể xác ấy vẫn không sao sánh bằng nỗi đau tinh thần mà anh phải chịu. Vợ anh bỏ đi, lấy chồng khác, ngay sau tai nạn của anh chỉ một tháng, bỏ lại cả hai đứa con - đứa nhỏ chỉ mới vài tháng tuổi và còn đang bú mẹ.

Bà nói dối con trai, bảo với anh rằng vợ anh đi làm xa để kiếm tiền trang trải đời sống gia đình, nhưng trí não anh vẫn bình thường, nên anh biết. Bà kể, thỉnh thoảng, đêm ngủ, bà vẫn nhìn sang con trai. Trong ánh sáng leo lét, bà thấy anh cố đưa tay lau nước mắt, nhưng không thể nhấc nổi cả cánh tay. Bà cúi đầu, nói: “Cái nghĩa vợ chồng giờ sao mong manh quá”.  

Câu chuyện thứ ba:

Tại bệnh viện ung bướu - nơi rất nhiều bệnh nhân được xem như đã bước một chân vào cửa tử. Người vợ đang nuôi chồng nhanh chóng phải lòng một ông chồng cũng đang nuôi vợ bệnh. Tiếng sét ái tình giáng thẳng vào họ, đốt cháy cả lương tâm và tình người, vỡ vụn cả tình nghĩa vợ chồng.

Yeu nhau, lay nhau, dau biet ngay nao chiec nhan cuoi tuot ra...
 

Điều đáng nói là họ bỏ đi cùng với tất cả tiền mặt và cả số tiền trong tài khoản dùng để chạy chữa cho hai con người bất hạnh. Người vợ đang bị ung thư máu, không chịu nổi cú sốc quá lớn, đã mất chỉ vài ngày sau đó. Còn người chồng kia cũng xin ra viện vì không còn tiền để tiếp tục điều trị. Ừ thì tình yêu không có lỗi. Chỉ là cái nghĩa đã bị rẻ rúng, lãng quên.

Nhiều người khuyên rằng, yêu một người cũng giống như ra biển nhặt vỏ ốc - đừng chọn cái to nhất hay đẹp nhất mà hãy chọn cái mình thích nhất; sau đó thì đừng ra biển nữa. Nhưng, làm sao có thể buộc ai đó chỉ ngồi ở nhà. Vì cuộc mưu sinh, chúng ta vẫn phải ra biển mỗi ngày. Nhưng, hãy ra đi để trở về bên nhau, chứ không phải lóa mắt trước những chiếc vỏ ốc sắc màu và chực chờ cơ hội để thay thế chính thứ tay ta đã nhặt lên, trân trọng đưa về nhà. 

Phạm Thu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI