Yêu nghề dạy học hơn... mối tình đầu

24/03/2021 - 06:50

PNO - Như một ngọn lửa, có gió thổi qua thì sẽ bùng lên, còn không thì nó sẽ lụi dần. Và cô Nguyễn Bình Phương Thảo hình dung, việc dạy nghề của mình cũng như đang thổi lửa, lúc nào cũng phải thổi.

Giúp học trò tự lập từ trường nghề

Là người Stiêng, sinh ra trong một gia đình có đến sáu anh chị em, Lâm Đi ít nói, trầm tính như nương rẫy, cây rừng. Mỗi khi cô giáo gọi tên, Lâm Đi chỉ bẽn lẽn cười. Cũng không ai hình dung được, Lâm Đi sẽ làm gì khi hoàn thành chương trình học của ngành nhà hàng - khách sạn, chuyên ngành mà em đã lựa chọn và theo đuổi ở trường nghề.

Ấy vậy mà giờ đây, sau một năm tốt nghiệp, Lâm Đi khá thuần thục với công việc của mình tại một hệ thống nhà hàng có tên tuổi. Em được đồng nghiệp, cấp trên nhận xét là dễ thương và siêng năng.

“Siêng năng” chính là niềm tin mà cô Nguyễn Bình Phương Thảo, giảng viên Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng An (tỉnh Bình Dương) đã đặt để khi kết nối Lâm Đi với doanh nghiệp. “Tôi từng nghĩ với tính cách như em, theo học ngành nhà hàng - khách sạn thì sao đi làm được? Mãi cho đến khi em tốt nghiệp ra trường, bản tính ngại ngùng ít nói vẫn không thay đổi. Tôi thấy thương Lâm Đi, bởi đối với đồng bào, được học hết lớp 12 đã là một điều xa xỉ. Tuy ít nói, nhưng nếu giao đúng việc, tôi nghĩ em sẽ làm rất tốt. Thế là đích thân tôi đi xin việc cho em” - cô Thảo nhớ về cậu học trò người Stiêng. 

Cô Nguyễn Bình Phương Thảo (thứ hai từ trái sang) cùng sinh viên Khoa Du lịch - Nhà hàng khách sạn trong các tiết thực hành
Cô Nguyễn Bình Phương Thảo (thứ hai từ trái sang) cùng sinh viên Khoa Du lịch - Nhà hàng khách sạn trong các tiết thực hành

Nhưng cô Thảo có không ít học trò như Lâm Đi. Giải thích lý do khiến mình phải đi tìm kiếm cơ hội cho học trò, cô trăn trở: “Đành rằng “nghề sẽ dạy nghề”, nhưng nếu thiếu định hướng và thiếu sự hỗ trợ trong những tình huống cần thiết, tôi lo rằng các em sẽ bỏ cuộc”.

Có “những tình huống cần thiết” đã biến cô giáo thành người nuôi nấng ước mơ của sinh viên. Đó là câu chuyện được kể bởi Lê Hồng Trạng - cựu sinh viên ngành nhà hàng - khách sạn khóa 2017-2019. Từng có mơ ước trở thành giáo viên tiểu học nên việc vào học trường nghề chỉ là lựa chọn thứ yếu. Nhưng bây giờ, Trạng cảm nhận đó là con đường phù hợp với mình.

Tốt nghiệp thủ khoa, từ chối lời đề nghị ở lại trường, cũng không tìm việc ở những hệ thống nhà hàng khách sạn như các bạn, Trạng nung nấu ước mơ khởi nghiệp bằng việc trải nghiệm một mô hình kinh doanh không quá lớn từ những kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian học nghề. Mô hình kinh doanh cần nguồn vốn ban đầu vào khoảng 70-80 triệu đồng, nhưng với một sinh viên mới ra trường, số tiền ấy là không nhỏ. Nhìn thấy tiềm năng của học trò, cô Thảo đã hỗ trợ vốn và cố vấn cho em trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh. 

Hiện nay, quán cà phê Tinh Hoa ở TP.Biên Hòa đã vận hành được vài tháng với thực đơn hơn 40 món thức uống và các loại bánh ngọt đều do Trạng pha chế, chế biến và quản lý. “Tuy mới mẻ, nhưng em tin vào khả năng thành công ở mô hình kinh doanh của mình. Thu nhập hiện tại từ quán cà phê cao hơn so với mức lương em được trả khi đi làm tại các nhà hàng khách sạn. Sắp tới, em sẽ thêm vào menu một số món ăn vặt cũng như phục vụ các món ăn sáng cho khách” - Trạng phấn khởi chia sẻ dự định tiếp theo của mình.

Hơn mười năm đi dạy học, cô Thảo chứng kiến không ít học trò chọn học nghề để vào đời và vươn lên, trong đó có Nguyễn Thị Kiều Oanh. Ban đầu, Oanh chọn học nghề để rút ngắn thời gian học tập, chương trình học lại gắn với thực hành. Không ngờ lựa chọn đó đã cho cô nhiều cơ hội. Sau khi thực tập hai tháng tại khách sạn Rex, Oanh trở lại học tiếp chương trình đồng thời xin đi làm tại khách sạn Nhật Hạ thay cho đợt thực tập sáu tháng. “Nhờ được thực hành trong suốt quá trình học mà cơ hội xin việc không quá khó khăn. Tốt nghiệp xong, em chưa kịp xin việc thì các khách sạn đã mời đến phỏng vấn. Phỏng vấn xong rồi em đi làm cho đến nay” - Oanh cho biết. Hiện nay, Oanh đang là quản lý bộ phận lễ tân tại khách sạn Icon Sài Gòn Momi.  

Tình nguyện làm người giữ lửa

Năm 2008, tốt nghiệp ngành địa lý du lịch, cô Nguyễn Bình Phương Thảo về dạy học tại Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng An, rồi trở thành Trưởng khoa Du lịch sau sáu năm học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.

Hiện tại, ngoài công tác quản lý khoa, vận hành khách sạn bốn sao của trường cùng với nhiệm vụ của một nghiên cứu sinh ngành dân tộc học khiến cô Thảo bận bịu tối mặt, nhưng cô Thảo vẫn dành 30% thời gian cho dạy học nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với học trò. Cô xem đó là điều cần thiết ở một cô giáo dạy nghề, bởi cô nghĩ, nếu không có định hướng, để học trò đi chệch một chút thôi, các em sẽ biến thành con người khác với một tương lai khác. Các em như một ngọn lửa, có gió thổi qua thì sẽ bùng lên, còn không thì sẽ lụi tàn dần. Việc dạy nghề cũng như thổi lửa và lúc nào cũng phải thổi. “Ngoài những giờ dạy học trên lớp, cô thường tổ chức những chuyên đề ngoại khóa để truyền cảm hứng cho tụi em. Bất cứ lúc nào, dù là khi cô trò đang đi chơi hay cà phê với nhau, cô cũng dùng chính thực tế để dạy học” - Tô Văn Hai, sinh viên năm cuối - nói về cô trưởng khoa của mình. Và học trò cũng thường gọi cô bằng “má”, “chị đẹp”, “sư phụ” để thể hiện sự gần gũi, tin yêu.

Thầy Nguyễn Việt Phương - một đồng nghiệp của cô Thảo - cho rằng chính nhiệt huyết, lòng yêu nghề và khả năng “định vị” học trò để hướng các em theo những con đường phù hợp là đặc trưng của cô Thảo, để những lứa sinh viên Khoa Du lịch, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng An dù tiếp tục theo nghề hay rẽ sang nhánh khác vẫn nhắc đến cô giáo bằng thái độ trân trọng. 

“Nếu các em học nghề, xác định đúng nghề phù hợp và theo đuổi bằng đam mê, chắc chắn các em sẽ thành công. Thực tế, các em rẽ nhánh cũng nhiều, nhưng trong kỳ vọng của một người làm nghề, mình muốn các em theo nghề để phát triển. Còn nếu không có điều kiện để phát triển, các em cũng có được kinh nghiệm để làm công việc khác, bởi kỹ năng của các em sẽ cần thiết ở bất cứ ngành dịch vụ nào. Do đó, mình yêu việc dạy nghề hơn cả mối tình đầu của mình” - cô Thảo bộc bạch.

Và tâm sự ấy được học trò Kiều Oanh xác nhận: “Niềm đam mê của cô dành cho công việc cực kỳ mãnh liệt, mãnh liệt đến độ tình yêu, hạnh phúc cá nhân dường như chỉ được xếp phía sau. Để đặt lên bàn cân giữa một cuộc hẹn với người yêu và một vấn đề công việc, liên quan đến học trò, thì phần lớn, cô sẽ chọn học trò”. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI