Xoa dịu muộn phiền, cuốn trôi trầm cảm
Vài người bạn có con cùng lứa hỏi sao tôi không đưa tụi nhỏ vào các khu vui chơi trẻ em trong các trung tâm thương mại vừa sạch, vừa mát mà tuần nào cũng đi công viên “vừa nắng, vừa chán”. Tôi nghĩ cảm giác “nắng” và “chán” đó không hẳn là của mấy đứa trẻ mà là của người lớn. Đôi lần tôi thử đổi gió, nhưng sau đó nhận ra công viên vẫn là nơi dễ chịu, thoải mái nhất không chỉ với tôi mà với cả hai cô con gái.
Tôi là dân tỉnh lẻ, đến Sài Gòn học rồi ở lại kiếm sống, thấm thoát đã gần 20 năm. Thời sinh viên, công viên là nơi tôi dạo chơi, tụ tập bạn bè sau giờ học. Ra trường đi làm, công viên là nơi tôi tập thể dục mỗi chiều. Tới lúc lập gia đình, có con cái, công viên lại trở thành nơi để tôi “chăn” trẻ. Sau này khi nghỉ hưu, công viên sẽ là nơi tôi đi bộ, thư giãn sáng chiều.
Với tôi, công viên ở Sài Gòn còn là nơi chứng kiến mọi thăng trầm của hơn 20 năm tôi bon chen ở mảnh đất này. Công viên không chỉ là chốn vui chơi mà còn là bạn, bạn thân, thân tới mức cứ vui hay buồn, hay chẳng rõ tâm trạng gì cũng có thể đến chơi.
Năm 25 tuổi, chia tay mối tình đầu, tôi đi bộ quanh công viên Tao Đàn như vô thức. Đó là những chiều mùa mưa nên không gian lúc nào cũng như trĩu nặng. Tôi đi mà nghe sống lưng lạnh từng cơn, nghe chân như muốn quỵ, nhưng đứa em đồng nghiệp vẫn huyên thuyên, lúc chỉ mấy con sóc, lúc khoe vừa lượm được trái thị rụng. Bỗng nó kêu lên: “Chị xem cái cây kia hay chưa kìa, lúc nào cũng như mới ra chồi non”.
Cái cây đó hay thật. Đến giờ, tôi vẫn không rõ nó tên gì, nằm một góc khiêm tốn trong công viên nhưng màu lá cứ xanh như mạ non, luôn tươi tắn. Vậy là những ngày sau đó, tôi và nhỏ em cứ vừa đi bộ, vừa ngắm nghía cái cây, xem lá nó thẫm hơn chưa hay cứ mãi nhi đồng như thế. Nhờ cái cây ấy, không khí trong công viên dường như sáng hơn, ấm áp hơn… Rồi chúng tôi bắt đầu nhìn ngắm và nói về những cây khác ở Tao Đàn, nhặt những chiếc lá rụng, dõi theo lũ sóc, bước lần theo mấy con chim... Những chiều xanh mướt như vậy đã dần kéo tôi ra khỏi u ám của tình trường.
Năm 33 tuổi, tôi được chẩn đoán trầm cảm. Chiều, khi ánh nắng dần tắt, tôi bắt đầu nghe lồng ngực nặng trĩu, tim như đập nhanh hơn và tay bắt đầu run. Khi đó, tôi thường xuyên phải làm đêm. Thay vì đi ăn tối để chờ vào ca, tôi lại vào công viên Phú Lâm. Tôi không đi nổi mà phải ngồi trên ghế, trấn áp những cơn run rẩy đến nghẹt thở, nhưng rồi thua cuộc và bật khóc. Tôi không nhớ mình đã khóc bao nhiêu lần. Rồi một ngày, tôi không khóc nữa mà ngồi xếp bằng, nhắm mắt. Mắt chìm trong tối nhưng não tôi dần sáng ra, tôi thấy cuộc sống đang chuyển động trong tiếng rì rầm của xe cộ lúc tan tầm, tôi thấy cuộc đời thật náo nức trong tiếng bước chân chạy thình thịch, tiếng đếm nhịp 1, 2, 3… từ xa vọng lại của nhóm chị em tập aerobic.
|
Một góc công viên Tao Đàn trông như một khu rừng thu nhỏ |
Rồi tôi bắt đầu đi bộ, chạy bộ theo lời rủ rê của một vài người xa lạ, bởi “ngày nào cũng thấy em ngồi ủ ê, tập thể dục cho ra mồ hôi là hết buồn hà”. Những giọt mồ hôi ròng ròng chảy rồi rơi xuống công viên Phú Lâm năm đó đã cuốn trôi đi những rối loạn lo âu, những cơn trầm cảm, trả lại cho tôi một cơ thể dẻo dai, một tinh thần khỏe mạnh.
Ở công viên, cái gì cũng có
Lập gia đình rồi sinh con, cuộc sống hiện thực và trách nhiệm đã lôi tôi ra khỏi những mộng mơ tuổi trẻ. Giờ đây, ở tuổi 41, tôi vào công viên với một vai trò khác nhưng sự thoải mái, dịu dàng mà “người bạn” này mang lại vẫn trọn vẹn như xưa. Do 2 con còn nhỏ nên tôi chỉ thường đến công viên Lê Văn Tám gần nhà. Từ khi nằm trên xe đẩy hồi mấy tháng tuổi, giờ 2 đứa đã chạy tung tăng. So với nhà banh, thú nhún hay nhà búp bê, công viên Lê Văn Tám không màu sắc sặc sỡ nhưng đủ trò vui.
Hồi còn nhỏ xíu, 2 đứa tập bò, chập chững đi trên khoảng sân trung tâm rộng rãi. Lớn hơn một chút, chúng đòi đi sớm để xem cô chú khiêu vũ, xem đài phun nước. Khi tới tuổi biết chạy, biết chơi, chúng thường xuyên sà vào khu tập thể dục để leo trèo, qua hồ cát chơi xích đu, cầu trượt rồi sang khu trượt patin. Có hôm, chúng đi ngắm hoa, ngắm sóc, cho chim bồ câu ăn… Ở công viên, các con cũng gặp rồi làm bạn với nhiều bạn nhỏ trong khi tôi tám chuyện trên trời dưới đất với nhiều cô chú, anh chị tập thể dục, đánh bóng bàn ở đây.
Không tiếng nhạc ồn ào, không đèn màu nhấp nháy, công viên chỉ có màu xanh cây cỏ, nắng gió nhưng mỗi ngày, mỗi tuần, lại có cái gì đó rất mới để khám khá. Mẹ con tôi đặc biệt thích những ngày nhân viên dọn cỏ, tưới cây. Trong khi tụi nhỏ reo lên sung sướng khi nhìn máy cắt cỏ hay những tia nước vồng lên dưới nắng thì tôi hít lấy hít để mùi cỏ mới cắt ngai ngái đầy hương vị tuổi thơ. Nhìn 2 con gái chạy tung tăng dưới nắng, mồ hôi bết trên tóc, tôi mừng vì dù con sống ở thành thị mà vẫn được phơi mình cùng nắng gió để cứng cáp, khỏe mạnh từng ngày.
Mong cả thành phố là một công viên
Còn nhớ 20 năm trước, việc chính quyền TPHCM quyết định phá bỏ hàng rào để tạo không gian mở cho nhiều công viên như Tao Đàn, 23/9, Phú Lâm… đã nhận được sự đồng tình, tán thưởng của người dân. Công viên có thêm nhiều tiện ích, như thiết bị tập thể dục cho người lớn, dụng cụ vui chơi cho trẻ con. Quanh các công viên, nhà vệ sinh cũng mọc lên, sạch sẽ, miễn phí. Riêng ở công viên Lê Văn Tám, ngoài những tiện ích kể trên, còn có thêm khu đánh bóng bàn, chơi bóng rổ, bóng chuyền và trượt patin. Đặc biệt, ở đây còn có vòi nước rửa tay và vòi nước uống rất sạch sẽ.
|
Già, trẻ giao lưu trong công viên |
Trong 3 năm qua, TPHCM phát triển thêm 21,74ha công viên công cộng và 9,3ha mảng xanh. Dự kiến đến năm 2025, thành phố tăng tối thiểu 150ha đất công viên công cộng, đạt bình quân diện tích cây xanh trên đầu người không dưới 0,65m2 (hiện nay là 0,55m2). Thật ra, dù có đạt được mục tiêu này thì diện tích cây xanh của TPHCM vẫn còn kém hơn các thành phố khác trong nước như Hà Nội (2,06m2/người), Đà Nẵng (2,4m2/người), Hải Phòng (3,41m2/người) và kém xa chuẩn của quốc tế (10m2/người).
TPHCM đang trong giai đoạn phát triển vượt bậc với những cơ hội rộng mở từ cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98/2023/QH25. Đi cùng với phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, người dân như tôi mong mỏi chính quyền thành phố quan tâm phát triển mạnh các mảng xanh. Nếu quỹ đất dành cho công viên không còn nhiều, có thể trồng thêm cây ven đường, khuyến khích người dân dành khoảng nhỏ trước nhà để trồng cây. Thử tưởng tượng mỗi nhà có 1 cây xanh, mỗi con đường có hàng trăm, hàng vạn cây xanh thì thành phố này sẽ là đại công viên xanh mát.
Tống Thiên Kim
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây. |