|
Các thiết kế của thương hiệu Filip + Inna |
Thời trang bền vững như một cơn sốt quét qua thị trường và thói quen ăn mặc, mua sắm của người tiêu dùng. Theo thời gian, cùng sự tân tiến trong lối sống, con người ý thức hơn việc ăn mặc phải gắn với môi trường và nhiều yếu tố khác. Thế nhưng, không phải ai cũng tỏ tường về thời trang bền vững.
Nhà thiết kế thời trang Orsola de Castro, tác giả cuốn sách Loved clothes last, đồng thời là người đồng sáng lập của Fashion Revolution - phong trào hướng tới ngành công nghiệp thời trang bền vững - cho biết cô yêu quần áo vô cùng. Vì yêu, cô muốn mọi người hiểu được tác hại của việc mua sắm vô tội vạ, của ngành công nghiệp may mặc nhanh và hàng loạt tác động xấu từ thời trang đến môi trường.
Orsola de Castro không đơn độc. Xung quanh cô còn nhiều cá nhân, tập thể đang nỗ lực giúp cộng đồng hiểu thêm về thời trang bền vững. Nói một cách đơn giản, thời trang xanh hay thời trang hướng đến yếu tố bền vững không chỉ là mua sắm sản phẩm có chất liệu thân thiện với môi trường mà còn hơn thế: Chúng liên quan đến quá trình giặt giũ, tình cảm dành cho trang phục, nhận thức của người mặc…
Đắt tiền là bền vững?
|
Nhà thiết kế trẻ Fabiana Ávila thích thú với trang phục cô tự thực hiện từ vải tái chế |
Nhiều khách hàng vẫn thường mặc định rằng sản phẩm đắt tiền đồng nghĩa có chất lượng và độ bền cao, thân thiện hơn nhóm sản phẩm phân khúc giá thấp. Thật ra, không phải cứ đắt tiền hơn là bền hơn. Theo nhà thiết kế Orsola de Castro, rất khó để chứng minh được mối liên quan giữa sản phẩm đắt tiền và tính bền vững của chúng.
Nhà thiết kế trẻ Fabiana Ávila (Chile) thường mua sản phẩm sợi sinh thái từ Công ty Ecocitex - đơn vị chuyên thu gom đồ cũ để biến thành sợi vải. Giá một cuộn sợi khoảng 3,7 USD trong khi sản phẩm sợi ở chợ truyền thống có giá 1,25 USD. Giá cuộn sợi làm từ đồ cũ đắt hơn nhưng độ bền và mức độ thân thiện với môi trường cao hơn gấp nhiều lần.
Dù vậy, so với những thương hiệu cao cấp, giá nguyên liệu như Ecocitex chưa phải là quá cao. Có nhiều chất liệu đắt giá hơn nhưng không hề thân thiện môi trường.
Làm mới thời trang cá nhân
|
Một mẫu thiết kế từ vải tái chế của Bhaavya Goenka |
Nếu bạn là người mới tiếp cận khái niệm thời trang bền vững, chưa biết làm gì với tủ đồ của mình thì thay vì bỏ, hãy làm mới chúng. Việc may vá, thêm thắt phụ kiện vừa giúp trang phục trở nên mới mẻ vừa giúp người mặc trở nên đặc biệt, lại kéo dài tuổi thọ trang phục.
“Hầu hết mọi thứ chúng ta mua hiện đều được sản xuất hàng loạt. Vì vậy, việc tùy chỉnh và cá nhân hóa để chúng trở nên khác biệt là điều nên làm”, Orsola de Castro viết.
Tại Philippines, quốc gia chịu nhiều rủi ro nhất từ cuộc khủng hoảng khí hậu, nhiều nhà thiết kế thời trang xem thông điệp thời trang bền vững không phải là khẩu hiệu hô hào mà như giải pháp. Quốc gia này đang tạo ra hệ thống hoạt động giảm thiểu tác động của quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng.
Vào năm 2017, gần 1/3 người Philippines cam kết ngưng dùng quần áo chỉ sử dụng một lần. Ở Philippines hiện có ít nhất sáu thương hiệu thời trang đang theo đuổi tiêu chí bền vững.
Thương hiệu Filip + Inna tại quốc gia này đang tận dụng nguồn lực nghệ nhân địa phương để nhuộm, dệt, kết cườm thủ công. Nhà thiết kế Lenora Cabili của thương hiệu sinh ra và lớn lên ở Philippines, hiểu rằng nhân lực địa phương đủ sức làm ra những thiết kế độc đáo, có giá trị cao và giúp đời sống của họ tốt hơn.
Hay như thương hiệu Himaya do Mariton Villanueva thành lập, hoạt động như thái độ phản kháng thời trang nhanh. Ban đầu, cô thu gom những mảnh vụn bánh xe để làm thành mọi thứ, từ dụng cụ tập yoga đến dây buộc tóc nhưng sản phẩm làm ra chỉ giải quyết được một lượng chất thải rất nhỏ.
Đến năm 2016, Mariton Villanueva tìm hiểu về truyền thống nhuộm chàm của người Philippines và mở thương hiệu thời trang thủ công, nói không với sản xuất hàng loạt để cứu lấy môi trường.
Dừng việc vứt bỏ vô tâm
|
Rosario Hevia tại xưởng sản xuất sợi sinh thái ở Chile |
Một chiếc váy sợi polyester sẽ mất tối thiểu 200 năm để phân hủy sinh học trong bãi chôn lấp; một chiếc quần tất ni-lông sẽ mất 40 năm. Những tác động lớn từ trang phục đến môi trường cần được cảnh báo rộng khắp để mọi người ý thức rằng mỗi chiếc quần/áo bỏ đi sẽ không biến mất mà tồn tại thêm hàng chục, hàng trăm năm.
Tại Chile, Công ty sản xuất sợi sinh thái Ecocitex là sáng kiến của bà mẹ hai con Rosario Hevia.
Khi mang thai lần hai, Rosario Hevia cảm thấy tiếc vì quần áo của con gái đầu lòng dù còn rất mới nhưng không thể sử dụng cho cậu con trai sắp chào đời. Rosario Hevia tập trung nghiên cứu, tìm giải pháp xử lý ngay từ lượng phế thải dệt may khổng lồ tại quê nhà.
Ban đầu, cô lập Travieso - một kênh trao đổi mua bán quần áo trẻ em đã qua sử dụng và đồ gia dụng. Thời điểm mới hoạt động, mỗi tháng, cô nhận được 400kg quần áo đã qua sử dụng và con số này tăng lên nhanh chóng. Có khoảng 20% trong số đó là quần áo không thể bán vì quá cũ hoặc vì các vấn đề khác.
Từ đó, Rosario Hevia mua lại một nhà máy sợi cũ và bắt đầu hành trình làm ra sợi sinh thái. Đơn vị đang làm việc với 67 đối tác khác trong việc tiêu thụ rác thải thời trang, tránh việc vứt bỏ vô tâm.
Đừng giặt quá nhiều
Có lẽ nhiều người không biết, việc giặt giũ quần áo tác động lớn đến môi trường. Mỗi lần giặt, nước giặt cùng những sợi vải nhỏ đi vào hệ thống nước gây tắc nghẽn, làm bẩn nguồn nước sinh hoạt. Đặc biệt, đối với những nhà máy may mặc công nghiệp, công đoạn giặt quần áo sinh ra nguồn nước thải vô cùng lớn, nhất là các đơn vị sản xuất sản phẩm jeans.
Nhà thiết kế Carl Jan Cruz, chủ thương hiệu cùng tên ở Philippines, cho biết những cải tiến nhỏ của trang phục như quần dây rút, áo sơ mi sử dụng chất liệu vải mỏng nhẹ để giảm thời gian giặt, tiết kiệm nước… cũng được anh nghĩ tới.
Carl Jan Cruz dùng vải tái chế, chủ động thiết kế quần áo mặc được nhiều cách, có tính đa năng để tăng tuổi thọ. “Bởi vì tôi yêu quần áo, tôi thật sự nghĩ về việc tôi có thể mặc cái này bao nhiêu lần”, Carl Jan Cruz chia sẻ.
Ý thức của người tiêu dùng
|
Những mẫu thiết kế của thương hiệu Himaya |
Sản phẩm thời trang bền vững có tuổi thọ lâu bền và thân thiện với môi trường hay không còn phụ thuộc vào ý thức của người tiêu dùng. Nếu bạn biết bảo quản, giặt giũ đúng cách và sử dụng trong điều kiện môi trường phù hợp thì tuổi thọ của sản phẩm mới kéo dài như mong muốn.
“Cách duy nhất để giảm thiểu, tiến tới loại bỏ chất thải dệt may là giáo dục và thu hút sự tham gia của người tiêu dùng”, nhà thiết kế Fabiana Ávila nói.
Tại Ấn Độ, nhà thiết kế Bhaavya Goenka thành lập Iro Iro và xem việc giải quyết lượng rác thải khổng lồ trong ngành may mặc là sứ mệnh. Cô lập ra dịch vụ cho phép các đơn vị tạo ra chất thải may mặc có thể tái chế phế phẩm của chính mình. Đến nay, đơn vị đã chuyển được 5 tấn chất thải may mặc thành sản phẩm mới.
Theo cô, nếu người tiêu dùng hạn chế mua sản phẩm thời trang nhanh thì môi trường sẽ giảm được sức ép lớn từ phế phẩm may mặc. Bởi, dù cô và đội ngũ của mình có dốc toàn lực vẫn khó hạn chế chất thải thời trang nếu người tiêu dùng không chủ động thay đổi.
Minh Tú