Yêu khi chân đã mỏi, mắt đã mờ, sao phải ngăn mình tỏa sáng?

13/12/2017 - 09:43

PNO - Tại sao mình lại ngăn mình làm lại? Có sự bắt đầu nào là quá muộn đâu.

Chị rón rén rút thiệp đưa cho bạn bè, không giấu được vẻ bẽn lẽn: “Chỉ là tiệc tuyên hôn thôi, không có gì rình rang”. Tự nhiên tôi thấy thương cho chị. Thương cho cái cúi mặt, thương ánh mắt ngổn ngang trăm mối, nụ cười gượng gạo như có lỗi. Đi dự đám cưới chị mà cứ suy nghĩ mãi về sợi dây vô hình đáng sợ chúng ta tự buộc mình, để rồi những vòng dây ấy thít chặt, mình làm mình đau.

Yeu khi chan da moi, mat da mo, sao phai ngan minh toa sang?
Ảnh minh họa

Lấy nhau khi cả hai vừa 18 tuổi - tình yêu, nếu có, cũng không đủ sức để nuôi một cuộc hôn nhân, bởi hôn nhân đâu chỉ là những buổi hẹn hò ngoài phố, những nụ hôn vội vàng, những cảm xúc nhớ nhung hay lời hay ý đẹp mà còn hai bên gia đình với nghĩa vụ của con dâu, chàng rể.

Hôn nhân còn có những đứa con không phải như búp bê - sinh ra rồi muốn chơi thì bế, muốn ngủ thì để xuống. Hôn nhân cần kỹ năng sống, biết chấp nhận cá tính của người khác, biết giao tiếp, biết hoàn thiện bản thân từng ngày… Như nhạc công và ca sĩ trong một tiết mục biểu diễn, hôn nhân không cho phép hai người trong cuộc lỡ một nhịp nào.

Khi chị ôm con trong nỗi lo không biết lấy đâu ra tiền để mua sữa mua tã, anh vẫn mải mê ngồi cà phê hay chơi bida với bạn suốt từ ngày đến đêm, thậm chí là qua đêm. Khi chị khát khao có một không gian riêng để vun vén gia đình nhỏ, anh vẫn thấy ổn khi ở với cha mẹ, anh chị em trong căn nhà đông đúc.

Khi chị cần cái ôm, cái nắm tay chia sẻ, anh cho là “bày đặt”, “sến sẩm”. Chị nói với tôi, tình yêu rơi đi mỗi ngày một ít, đến khi anh có người đàn bà khác thì chút nghĩa tình èo uột cũng gãy vụn.

42 tuổi, sau mười năm một mình nuôi con, đám cưới lần nữa, cho mình cơ hội được hạnh phúc - có gì mà phải cúi mặt hả chị? Tôi ước gì có thể nói được với chị ngay trong hôm chị cưới: đâu phải cứ té ngã là đáng thương, đâu phải cứ khóc là tội nghiệp.

Tôi vẫn còn nhớ nụ cười bối rối như cố giải thích, cố phân bua với mọi người về bữa tiệc mà bác mặc bộ vest màu xám tro thật chỉn chu, phong độ và cô mặc chiếc váy dạ hội xinh như tất cả các cô dâu trong ngày cưới. Cô và bác vốn là bạn thanh mai trúc mã. Lớn lên, bác lấy vợ và cô cũng lấy chồng.

Bác đi xuất cảnh, gần 20 năm trở về, chỉ còn một thân một mình. Bác gái qua xứ người được vài năm là hai người li hôn. Hai con ở với mẹ, bác dọn ra một mình, nhiều năm lạnh lẽo đơn côi, vùi mình trong công xưởng mệt nhoài rồi về ngủ.

Bác gặp lại cô trong chuyến về quê xây mộ ông bà. Cô ở góa cũng gần 30 năm, một mình nuôi con gái lớn khôn. Về hưu, cô luẩn quẩn trong nhà chăm cháu ngoại. Không ai, kể cả bác và cô, nghĩ rằng mình sẽ cưới lần nữa, nhất là ở tuổi ngoài 60, nên buổi tiệc chỉ mời thân tộc. Bác không dám gọi là cưới, chỉ cười cười: “Họp mặt gia đình thôi” khi đám cháu trẻ ngỡ ngàng chúc bác hạnh phúc.

Lẽ đúng sai trên đời đâu đơn giản. Đôi khi phải trả giá bằng tuổi thanh xuân hay cả một đời người mới thảng thốt nhận ra mình đã đi sai đường. Chấp nhận bỏ 10, 20 năm, thậm chí 30 năm để bắt đầu lại, khi chân đã mỏi, khi trái tim đã ít nhiều rạn vỡ đáng lý ra phải nhận được nhiều sẻ chia, thông cảm, thậm chí ngưỡng mộ chứ.

Trong những bàn tay nắm lấy bàn tay ngoài kia, có ai dám chắc rằng tay ta đang rất ấm; hay chúng ta cũng chỉ mặc chiếc áo lành lặn, đẹp đẽ để hài lòng mọi người; đôi tay có đan vào nhau vẫn lạnh toát, bước chân có cạnh nhau mỗi ngày vẫn chông chênh?

Tại sao mình lại ngăn mình làm lại? Có sự bắt đầu nào là quá muộn đâu. 

Dạo gần đây, dư luận chú tâm đến chuyện tình của hoàng tử Harry và công nương tương lai Meghan Markle tận trời Tây. Người ta bàn về tình yêu không rào cản, về nàng Lọ Lem có thật… Riêng tôi lại ấn tượng sâu sắc nụ cười của cô ấy - nụ cười khi chào người dân Anh. Cô có thể không phải là người phụ nữ trẻ nhất, đẹp nhất trong số vô vàn cô gái có thể được xem là ứng viên công nương. Cô thậm chí từng gãy đổ hôn nhân, nhưng cô đã ngẩng cao đầu, tự tin, rạng rỡ và vì thế cô tỏa sáng.

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI