Là phương thuốc để chữa lành vết thương tinh thần của con người, trong những ngày dịch bệnh khó khăn này, âm nhạc có thể xoa dịu những buồn thương của thực tại.
Gia đình ca sĩ Cẩm Vân, Khắc Triệu và CeCe Trương hòa giọng trong Sài Gòn mùa thương. Ca khúc do đạo diễn xuân Phước viết lời, Quốc Vũ sáng tác nhạc và hòa âm. Ca sĩ Cẩm Vân cho biết gia đình chị thực hiện ca khúc này vừa để dành tặng mọi người trong thời gian ở nhà chống dịch, vừa để đỡ nhớ nghề sau nhiều tháng không thể xuất hiện trên sân khấu.
Sài Gòn mùa thương mang âm hưởng pop, nhưng lại kết hợp với những tiếng guitar nhẹ nhàng tạo nên màu sắc vô cùng thú vị. Bài hát mở đầu với hình ảnh Sài Gòn những ngày giãn cách vắng vẻ qua những ca từ đậm chất thơ, từ ngữ giàu tính tượng hình: “con đường nhỏ uốn quanh đời hiu quạnh”, “con đường vắng, quán quen thành xa lạ", "chiếc lá rơi nghe hơi thở mệt nhoài”…
Dẫu thực tại có khó khăn ra sao thì tình người và niềm hy vọng sẽ giúp con người vượt qua. Điều đó thể hiện rõ trong phần điệp khúc, với những từ ngữ mang đến năng lượng tươi vui, tích cực: “Sài Gòn mùa thương nghe đau từng con phố/ Giữa nhọc nhằn vẫn tìm cách thương nhau/ Mẹ ơi đừng lo, em ơi đừng sợ/ Nép vào lòng thành phố bao dung/.../ Sài Gòn ơi, bao trái tim ở lại/ Có mùa thương nghe câu hát ân tình”.
|
Gia đình ca sĩ Cẩm Vân, Khắc Triệu, CeCe Trương hòa giọng cổ vũ Sài Gòn chống dịch |
Đạo diễn Xuân Phước cho biết anh mất 15 ngày sáng tác phần lời, là cảm xúc của anh được góp nhặt khi chứng kiến rất nhiều hình ảnh xúc động về Sài Gòn trong những ngày dịch bệnh. Sau tất cả, tình người, sự yêu thương vẫn là điều lớn nhất đọng lại.
“Mấy mươi năm sống ở thành phố, lần đầu tiên, tôi không thấy được những cơn gió mang theo cánh hoa sao của hàng cổ thụ, báo hiệu mùa mưa Sài Gòn sắp bắt đầu, hay cảnh người ta chen chúc nhau trong cái nắng oi ả... Tôi cảm nhận được Sài Gòn chỉ có mùa duy nhất, đó là mùa thương”, đạo diễn Xuân Phước chia sẻ.
Sài Gòn mùa thương - Cẩm Vân, Khắc Triệu, CeCe Trương:
Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thương nhau gây ấn tượng cho người nghe ngay từ tựa đề. Từ hình ảnh món ăn đường phố giản dị, vốn gắn liền với Sài Gòn, tác giả gợi nhớ đến Sài Gòn trước đây, những ngày nhộn nhịp, huyên náo. Cũng với bánh mì, tác giả lại gợi nên tình thương giữa con người dành cho nhau thông qua những ổ bánh mì 0 đồng.
Ca khúc có giai điệu và ca từ tươi vui, khơi gợi năng lượng tích cực, niềm hy vọng của mỗi người. Khi thể hiện ca khúc, Phú Hiển đã pha thêm chút rock nhẹ nhàng vào những giai điệu của dòng nhạc pop càng gia tăng sự sôi nổi.
Lời bài hát có những ca từ ý nghĩa nhưng vẫn rất dễ thương, gần gũi: “Bon bon trên những phố phường/ Đi sâu vào những hẻm đường/ Với bánh mì giá 0 đồng/ Trao tay cho người khó người cần/ Anh Huy cùng với anh Bình/ Trao đi bằng những nghĩa tình/ Thương sao hai tiếng đồng bào/ Ôi yêu thương Sài Gòn làm sao”, “Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thương nhau/ Bánh mì Sài Gòn 0 đồng 1 ổ/ Bánh mì Sài Gòn, chẳng còn thương đau/ Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thương nhau”.
Tác giả Lương Kim Long (Long X) cho biết sau khi đọc được bài báo có tiêu đề Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thương nhau nói về nhóm người phát bánh mì miễn phí cho người dân, anh đã sáng tác nên ca khúc này. Anh mong sáng tác này sẽ giúp mọi người bớt căng thẳng, đồng thời lạc quan hơn trước những khó khăn của hiện tại.
Bài hát nhận nhiều lời khen của khán giả, trong đó có cả nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong. Anh khen ca khúc có giai điệu hay, ca từ đẹp.
|
Long X mượn hình ảnh bánh mì để nói về tình người, tình thương Sài Gòn trong mùa dịch |
Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thương nhau - Long X, Phú Hiển:
Sài Gòn ơi của Châu Khải Phong lại mang giai điệu nhẹ nhàng, da diết của nhạc ballad. Đây cũng là thế mạnh trong âm nhạc của nam ca sĩ. Bài hát gợi cảm giác yêu thương ấm áp qua những lời cảm ơn mà tác giả Phan Việt dành cho những chuyến xe hỗ trợ Sài Gòn chống dịch từ khắp mọi nơi, sự hy sinh vất vả của y, bác sĩ và các tình nguyện viên…
Bài hát cũng nêu lên hy vọng của tác giả về tương lai tươi sáng khi dịch bệnh qua đi: “Sài Gòn cố lên nhé, chung tay cùng nhau vượt qua bão giông này/ Mọi người cố lên nhé chúng ta sẽ trở về như trước một ngày không xa/ Rồi nắng sẽ lên qua mái nhà/ Đường phố sẽ thênh thang đầy hoa khắp lối”.
Châu Khải Phong cho biết toàn bộ doanh thu của MV sẽ được gửi về quỹ phòng chống dịch COVID-19 TPHCM. “Tôi và ê-kíp mong muốn tiếp một phần nhỏ cả về tinh thần và vật chất cho Sài Gòn yêu dấu trong cuộc chiến này. Con đường này tuy dài và trắc trở, thế nhưng càng chứng tỏ chúng ta đã kiên cường, mạnh mẽ và đoàn kết thế nào, đó là điều đáng quý. Chúng ta chắc chắn sẽ ổn sớm thôi”, nam ca sĩ bộc bạch.
|
Châu Khải Phong dành hết nguồn thu từ MV đóng góp cho quỹ phòng, chống dịch COVID-19 |
Sài Gòn ơi - Châu Khải Phong:
Sài Gòn ta thương của Tú và Văn Quân khơi gợi tình cảm của mọi người với thành phố qua những điều giản dị nhưng sâu đậm. Ca khúc là sự đan xen của quá khứ và hiện tại, của thực tại và những hy vọng về tương lai. Giai điệu nhẹ nhàng, đậm chất trữ tình càng giúp tác phẩm trở nên da diết.
Tú cho biết bài hát được sáng tác dựa trên bài thơ Sài Gòn ơi của tác giả Tùng Leo. Có lẽ, cũng vì thế những câu hát được sắp xếp khéo léo tựa như bài thơ: “Sài Gòn ơi bao lâu em chưa ngủ/ Đêm quá dài đêm thôi ồn ào/ Ngày mai lên rực rỡ trong lành/ Cỏ cây chim vui reo ta lắng nghe”, “Có những ngày chất chơi Sài Gòn thế/ Nghêu ngao Trịnh, dang rộng nối vòng tay/ Nuôi nhau bằng tình và bữa cơm san sẻ/ Sài Gòn không gục ngã”.
Ca khúc được ví von tựa như một bức tranh với những gam màu buồn, nhưng được điểm xuyết thêm một số tông tươi sáng. Nhiều khán giả cho biết họ đã khóc khi nghe ca khúc vì những hình ảnh giản dị, cảm xúc yêu thương trong veo dành cho thành phố.
Sài Gòn ta thương - Tú, Văn Quân:
Trung Sơn