Yêu đôi bàn tay gân xanh

15/09/2015 - 16:13

PNO - Tôi yêu sự mỏng manh, những khiếm khuyết vì tôi biết rằng phía sau một bàn tay gân xanh là cả khối cố gắng lớn, sự cao cả của thiên tính nữ.

Yeu doi ban tay gan xanh
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn Internet

“Một tay Từ trật ra ngoài mép võng, sã xuống, cái bàn tay hơi xòe ra lỏng lẻo… Cái bàn tay lủng củng rặt những xương! Trên mu bàn tay, những đường gân xanh bóng ra, làn da mỏng và xanh trong, xanh lọc. Cái cổ tay mỏng manh. Tất cả lộ một cái gì mềm yếu…”.

Đoạn văn trên nằm trong truyện ngắn Đời thừa của nhà văn Nam Cao. Truyện buồn và đẹp, cái đẹp nhiều xót xa, nhầm lẫn, xung đột luân lý và cả sự bao dung.

Thật ra, đoạn văn miêu tả không có gì xuất sắc, chỉ mang tính chất minh họa khi dùng để nói về một người phụ nữ truân chuyên, lưu lạc trên chính nỗi khổ và vòng vây đạo đức do chính cô tạo ra.

Thế nhưng đây là đoạn văn ám ảnh tôi rất sâu và rất dài. Người ta có thể quên nhiều chuyện trọng đại trong đời, nhưng luôn nhớ một câu nói đùa của đứa bạn hồi năm tuổi. Ký ức và cảm xúc là con ngựa bất kham không phải lúc nào cũng tuân theo đường chạy logic.

Có lẽ trước đó rất lâu, đôi bàn tay gầy, trắng với gân xanh như những con đường hun hút chạy đã ám ảnh tôi. Từ đâu nhỉ? Bàn tay của mẹ lam lũ những công việc đồng áng nặng nhọc làm nổi gân xanh chăng?

Hay bàn tay của cô bé học chung tiểu học, thường hay bệnh phải ở nhà, lúc nào cũng ho khúc khắc và co mình lại mỗi khi gió lùa qua cửa sổ lớp học? Hay bàn tay của người đàn bà hàng xóm, người cao gầy, lưỡng quyền cao, sống lầm lũi trong khu vườn tối ám một lần đã nắm vai tôi khi tôi qua vườn ấy chơi?

Các nhà nghiên cứu tâm lý tin rằng nỗi ám ảnh hay yêu thích đặc biệt của một người với một bộ phận cơ thể nào đó, với các đặc tính riêng biệt hình thành có sự dự phần của những sang chấn tâm lý tuổi thơ. Nỗi ám ảnh hay yêu thích chìm trong vô thức mà người đó khó kiểm soát.

Vì thế, một phần nào đấy, niềm xúc cảm của tôi đã được hình thành từ trước với đoạn văn của Nam Cao, với bàn tay gầy ngoằn ngoèo những đường gân xanh như chở một thứ chất lỏng xanh nào đó tưới tắm cho cơ thể chứ không phải là máu đỏ.

Tôi hay sững người khi bất chợt một bàn tay nào đưa qua trước mặt, nhất là khi đó là một bàn tay suôn. Một bàn tay suôn là bàn tay không bị những bạc, vàng, đá quý hay rất nhiều thứ được mệnh danh là trang sức phủ lên, che kín.

Một bàn tay trơn, một bàn tay suôn được lộ ra vẻ lấp lánh trước gió trời, trước ánh sáng, đẹp hơn bất kỳ thứ trang sức nào đối với tôi. Tự thân bàn tay ấy đã là thứ trang sức rạng ngời nhất.

Đáng tiếc, hầu hết các bàn tay được gọi là nuột nà, là búp măng, các ngón tay dài như một tiếng ngân ấy thường bị cố gắng phủ lên những món trang sức. Cái nhìn của người khác nếu bị các bàn tay đó thu hút cũng là từ các thứ lấp lánh giả tạo kia choán hết tầm nhìn.

Phải chăng tôi thích các bàn tay lỏng lẻo, nhiều gân xanh vì thường chúng không cần trang sức. Các đường gân ấy đã là thứ vòng đeo rạng rỡ, làn da mỏng tang rõ đến từng chân lông nhỏ đã là một thức kim loại quý giá nhất?

Bàn tay gầy lỏng lẻo như Nam Cao nói, cứ nhìn thấy chúng, tôi lại nghĩ đến những gì siết chặt nhất một trái tim đàn ông, sự dịu dàng, những chở che, điều bao dung.

“Lộ ra một cái gì mềm yếu”, sự mềm yếu ấy là thứ thiên tính tạo nên bệ đỡ cho một người đàn ông phấn đấu, giúp người đàn ông biết được mình cần phải đi và sống thế nào, thứ mềm yếu quấn chặt, phủ lấy bằng một tình cảm yêu thương vô lượng.

Tôi yêu sự mỏng manh, những khiếm khuyết, điều bất toàn, vì tôi biết rằng phía sau một bàn tay gân xanh là cả khối cố gắng lớn, sự cao cả của thiên tính nữ. Và hầu hết đàn ông đều có một đứa trẻ bên trong mình. Đứa trẻ đó mong chờ sự chở che và cũ ng muốn là người che chở.

Phan Thành 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI