Luật Trẻ em được thông qua vào ngày 5/4/2016, có hiệu lực từ ngày 1/6/2017. Để các bậc cha mẹ hiểu rõ hơn những quy định của luật này, báo Phụ Nữ phỏng vấn luật sư - thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Liên (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM), người có quá trình gắn bó với công tác bảo vệ trẻ em tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Xin luật sư cho biết Luật Trẻ em năm 2016 có những nét mới gì so với luật cũ?
Luật Trẻ em cũng quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi. Nhưng, đối tượng của luật được mở rộng hơn: trẻ em không chỉ là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi mà còn bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài, trẻ em không có quốc tịch cư trú tại Việt Nam.- Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên: Luật Trẻ em năm 2016 được ban hành, thay thế cho Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (ban hành năm 1991, được sửa đổi, bổ sung năm 2004). Luật Trẻ em đã bổ sung nhiều quy định mới cụ thể hóa Hiến pháp 2013 và Công ước quốc tế về quyền trẻ em, nội dung và phạm vi của luật được mở rộng, đầy đủ và toàn diện hơn nhằm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tốt hơn trong điều kiện nền kinh tế xã hội nước ta đã có nhiều
phát triển.
Luật Trẻ em gồm bảy chương với 106 điều, quy định 25 nhóm quyền của trẻ em và năm bổn phận của trẻ em đối với gia đình, nhà trường, cộng đồng, đất nước và chính bản thân trẻ em. Luật Trẻ em quy định 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, luật quy định bổ sung các nhóm mới so với luật cũ: trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực, bị bóc lột, bị mua bán; trẻ em di cư, lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc…
Theo luật sư, cần làm gì để Luật Trẻ em đi vào cuộc sống, nâng cao nhận thức của người dân, cụ thể là trong phạm vi nhỏ nhất - gia đình?
Luật Trẻ em quy định các biện pháp bảo vệ trẻ em, có ba cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp. Theo tôi, cha mẹ trẻ em là nhân tố vô cùng quan trọng, là lá chắn đầu tiên bảo vệ con em mình một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, khi luật chưa được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, nhất là nhận thức chung của người dân chưa được nâng tầm nên còn không ít phụ huynh vẫn duy trì thói quen trong chăm sóc, dạy dỗ con cái, trong xử lý các vấn đề liên quan đến con; bao gồm cả những thói quen tưởng vô thưởng vô phạt nhưng chính là hành vi bị nghiêm cấm. Dễ thấy nhất là cha mẹ tự cho mình quyền “dạy con” bằng roi vọt, gây tổn hại sức khỏe, thể chất, tinh thần trẻ em. Thậm chí trong nhiều vụ án đau lòng, trẻ bị chính cha mẹ bạo hành gây thương tích nặng, thậm chí tước đi mạng sống; cha mẹ tự tử và đưa con theo cùng…
Do đó theo tôi, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng để nâng cao ý thức pháp luật của người dân là vô cùng quan trọng.
Trước khi luật có hiệu lực, những thói quen nào các bậc cha mẹ thường mắc phải cần sớm thay đổi, xóa bỏ?
Khi thiên thần nhỏ mũm mĩm, xinh xắn chào đời, ông bà, cha mẹ bé tha hồ ôm ấp, cưng nựng bé, không ngại sờ nghịch vùng nhạy cảm của bé. Việc này theo thời gian tạo nên sự kích thích, gây cho bé tò mò về cơ thể của mình và người khác, có thể đưa đến tật xấu của trẻ là nhìn trộm, thủ dâm… Thậm chí, đưa đến nguy cơ bị xâm hại tình dục vì bé nhận thấy việc người khác “sờ mó” vùng kín của mình là chuyện bình thường, là cách biểu lộ tình thương của người lớn. Nhiều cha mẹ mất cảnh giác đến mức khi có người lạ chọc ghẹo con mình theo kiểu “cho chú sờ “trái ớt”, chú sẽ lì xì tiền cho cháu…”, cha mẹ vẫn không phản đối, có khi lại còn thúc ép con mình đồng ý, như thế cha mẹ trẻ đã vi phạm luật.
Điều 25 Luật Trẻ em quy định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục”. Trong thực tế, để rảnh tay, cha mẹ có thể nhờ đến chiếc điện thoại thông minh như một “bảo mẫu” trông giữ con mình. Bé có thể tha hồ chạm tay vào màn hình, mở ra vô vàn hình ảnh, có cả những clip bạo lực, cảnh nóng “không mời mà đến”. Cha mẹ đã gián tiếp tạo điều kiện cho con trẻ có thể tiếp cận những sản phẩm có nội dung đồi trụy, phản giáo dục... ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường, lành mạnh của trẻ.
Tại khoản 11, điều 6 Luật Trẻ em, nghiêm cấm “việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ bảy tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”. Với quy định này, các bậc phụ huynh có thể đang từng ngày, từng giờ... vi phạm luật. Đối với trẻ trên bảy tuổi, cha mẹ phải hỏi ý kiến trước khi đưa thông tin về trẻ và giải thích, phân tích cho trẻ hiểu mục đích của việc đưa thông tin này. Nếu trẻ không đồng ý mà cha mẹ vẫn cố tình thực hiện là vi phạm.
Chẳng hạn như việc tự ý tung hình con từ đủ bảy tuổi lên mạng xã hội mà không có ý kiến của trẻ cốt để con của mình được tán dương, cha mẹ được hãnh diện. Cha mẹ muốn khoe con xinh xắn, học giỏi, làm những điều tốt như phụ giúp việc nhà, đàn hay, hát giỏi, vẽ đẹp; nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất, đạt thành tích vượt trội sau một cuộc thi... Có thể những nội dung, hình ảnh của con trẻ khi được đăng trên mạng xã hội được nhiều người thích, bình luận, khen tặng, cháu bé cũng hồ hởi, nhưng theo luật, cha mẹ bé đã vi phạm quyền “Bí mật đời sống riêng tư” của trẻ quy định tại Điều 21 Luật Trẻ em.
Lại có những cha mẹ cố tình đưa những hình ảnh, nội dung phản ánh thói tật xấu của con như: ngủ dậy trưa, lười biếng, bừa bộn... trên mạng xã hội để con xấu hổ mà chừa tật, nhưng việc làm của cha mẹ có thể gây những phản ứng tâm lý tiêu cực và những hành động chống đối khó lường ở trẻ. Vì vậy theo tôi, các bậc cha mẹ cần có ý thức và hết sức thận trọng, cân nhắc trước khi thực hiện những việc trên.
Điều 34 Luật Trẻ em quy định quyền bày tỏ ý kiến và hội họp: “Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng”.
Lắng nghe điều trẻ nói và giải thích cho trẻ hiểu, tạo điều kiện để con mạnh dạn phát biểu những suy nghĩ của riêng mình và giúp con thực hiện những nguyện vọng chính đáng theo đúng Luật Trẻ em là phương pháp dạy con tích cực, đã được luật định. Nhưng trong thực tế, các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng “con nít biết gì mà nói” nên không tạo điều kiện cho trẻ có cơ hội bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình. Các bậc phụ huynh có thói quen áp đặt con cái từ việc học hành, ăn uống, mặc quần áo, trò chơi đến chọn bạn...
Khi phụ huynh vi phạm Luật Trẻ em đối với con em mình thì sẽ chịu chế tài ra sao, có đủ sức răn đe để phát huy tính hiệu quả của luật không, thưa luật sư?
Điều 16 Luật Trẻ em quy định 15 hành vi bị nghiêm cấm nhưng không có quy định về chế tài để xử lý vi phạm. Tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm đối với trẻ em, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính, bị xử lý theo Bộ luật Hình sự hay theo các luật khác. Vì vậy, Luật Trẻ em cần được tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến người dân, nhất là các bậc cha mẹ nhằm nâng cao ý thức của họ.
Các bậc cha mẹ cần tránh những thói quen xấu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm, sinh lý bình thường, lành mạnh của trẻ hoặc có thể gây tác hại đối với trẻ em; trong phạm vi gia đình cha mẹ cần bảo đảm những quyền trẻ em mà pháp luật quy định được thực thi trong cuộc sống.
Thực hiện nghiêm túc theo luật định, đòi hỏi các bậc cha mẹ nỗ lực “chiến thắng bản thân” để làm những điều tốt đẹp, hữu ích cho con em mình, tránh những hành vi có thể gây tác hại cho trẻ.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.