Yêu cầu trường đại học có định hướng tuyển sinh năm 2025 khi thí sinh tốt nghiệp chương trình mới

30/11/2022 - 18:59

PNO - Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học có định hướng tuyển sinh cho năm 2025 khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tại báo cáo giao ban tuyển sinh quý IV giữa Bộ GD-ĐT với các trường đại học, cao đẳng được tổ chức ngày 30/11, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Bộ GD-ĐT đang đề nghị các trường đại học xem xét giảm phương thức tuyển sinh, theo hướng ít tác động đến thí sinh.

Năm 2023 dự kiến thí sinh chỉ chọn ngành không phải chọn phương thức. Hệ thống chung sẽ lọc tự động và gợi ý phương thức phù hợp, đạt điều kiện tốt nhất cho thí sinh, tránh việc phải lựa chọn nhiều cách xét tuyển.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn các trường rà soát, loại bỏ phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.

Thí sinh tốt nghiệp chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ có định hướng tuyển sinh mới - Ảnh: Đại Minh
Thí sinh tốt nghiệp chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ có định hướng tuyển sinh mới - Ảnh: Đại Minh

Bộ cũng đang rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh 2023, trong đó có thể xem xét không xét tuyển sớm như năm 2022, thực hiện xét tuyển chung 1 đợt, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.

Đại diện Bộ GD-ĐT đề nghị các trường sớm hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023, hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh đưa ra phương thức tuyển sinh phức tạp, rắc rối với thí sinh.

Về phần mềm xét tuyển chung, Bộ đang tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp, bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm xét tuyển chung nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn, đại diện Bộ GD-ĐT chia sẻ thêm.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học có định hướng tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các phương thức xét tuyển đại học chiếm tỉ lệ nhập học cao

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2022, có 20 phương thức tuyển sinh đại học, trong đó có 2 phương thức chiếm tỉ lệ cao nhập học/chỉ tiêu và tỉ lệ nhập học theo các phương thức. Đó là phương thức thi tốt nghiệp và xét học bạ. 

Cụ thể, phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT có 261.190 chỉ tiêu, có 245.040 thí sinh nhập học, tỉ lệ nhập học/chỉ tiêu là 93,82% và tỉ lệ nhập học theo các phương thức là 52,38%. Phương thức thứ 2 có tỉ lệ cao là xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ). Năm 2022 có 224.042 chỉ tiêu, có 169.537 thí sinh nhập học, tỉ lệ nhập học/chỉ tiêu là 75,67% và chiếm 36,24% so với các phương thức khác. Phương thức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do cơ sở đào tạo tự tổ chức để xét tuyển có tỉ lệ nhập học là 60,45%, chiếm 1,34% các phương thức khác.

Bộ GD-ĐT cũng đánh giá, công tác tuyển sinh vẫn còn một số hạn chế như thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; khó khăn trong truy nhập hệ thống thanh toán lệ phí trực tuyến. Một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; gần 100.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học; một số cơ sở đào tạo xét tuyển bổ sung nhưng không báo cáo kết quả lên Hệ thống theo quy định.

Khó khăn trong tuyển sinh của một số ngành đào tạo; một số cơ sở đào tạo xét tuyển sớm chưa hiệu quả; thí sinh phải đăng ký xét tuyển nhập học trên cả hệ thống chung và tại cơ sở đào tạo; giải quyết các vấn đề phát sinh trong xét tuyển ở một số nơi còn chưa kịp thời gây bức xúc cho thí sinh và xã hội.

Năm 2023, Bộ GD-ĐT lưu ý các trường hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI