Yêu cầu không bán kèm sách tham khảo khi bán sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới

22/07/2021 - 16:43

PNO - Thanh Hóa và nhiều địa phương khác đã yêu cầu nhà trường không nhập nhèm giữa sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo khiến phụ huynh hiểu lầm.

Từ năm học tới, học sinh lớp 2 và lớp 6 sẽ học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Không ít trường học khi bán SGK thường kèm thêm sách tham khảo, dẫn đến giá bộ sách bị đẩy lên cao, gây khó khăn cho người học và bức xúc dư luận. Để tránh tình trạng bán SGK theo kiểu “bia kèm lạc”, nhiều địa phương đã chủ động yêu cầu các trường không bán kèm sách tham khảo cho phụ huynh.

Cụ thể, theo ông Lê Huy Nhị - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), để chuẩn bị cho năm học mới, lãnh đạo Phòng đã yêu cầu hiệu trưởng các trường rà soát, đảm bảo điều kiện tối thiểu để thực hiện các hoạt động giáo dục, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2 và lớp 6.

“Để tránh tình trạng mua phải sách giả, sách in lậu hoặc mua không đúng chủng loại sách, lãnh đạo Phòng yêu cầu các trường chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cho phụ huynh học sinh trong việc mua SGK.

Các nhà trường không được vận động phụ huynh học sinh mua thêm sách tham khảo, hoặc tham gia bán sách tham khảo. Nếu Phòng GD-ĐT phát hiện trường nào thực hiện việc này, sẽ xử lý nghiêm theo quy định”, ông Nhị nói.

Nhiều địa phương yêu cầu các trường không bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo
Nhiều địa phương yêu cầu các trường không bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo

Còn tại Hà Tĩnh, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, tại địa phương việc lựa chọn sách giáo khoa phải đáp ứng các tiêu chí phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục, phù hợp với yêu cầu và trình độ học sinh.

 “Ngoài sách giáo khoa, các học liệu điện tử đi kèm đa dạng, phong phú, dễ khai thác, sử dụng có thể đưa vào làm phương tiện giảng dạy nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên xây dựng được các bài học hấp dẫn, thu hút, lôi cuốn học sinh để cuối năm học, học sinh đạt được nhiều kỹ năng vượt trội như: kỹ năng đọc, giao tiếp, tự chủ, tự học, tư duy phản biện; học sinh năng động, tự tin hơn nhiều.

Năm nay, địa phương cũng quán triệt và yêu cầu nhà trường phải nêu rõ những SGK bắt buộc phải có để đảm bảo việc học tập của học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông; tài liệu nào là tham khảo để phụ huynh có thể lựa chọn mua sắm chứ không nhập nhèm giữa SGK và sách tham khảo”, ông Nguyễn Quốc Anh cho hay.

Tại Cần Thơ,  ông Huỳnh Văn Tây - Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Cái Răng cho biết đến thời điểm hiện tại đơn vị đã tổng hợp danh mục, số lượng SGK mới lớp 1, lớp 2 và lớp 6 mới báo cáo về Sở GD-ĐT.

Ngoài ra, Phòng cũng chỉ đạo các trường học trên địa bàn chủ động thông tin về chương trình và bộ SGK mà nhà trường lựa chọn đến phụ huynh học sinh bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện thực tế tại trường, đảm bảo tất cả học sinh đều có SGK khi đến trường trong năm học mới.

Phòng GD-ĐT quận Cái Răng cũng chỉ đạo các trường phải lên phương án dự trù SGK với mục tiêu “không để bất kỳ học sinh có hoàn cảnh khó khăn nào mà không có SGK đến trường”.

Trước đó, Bộ GD-ĐT có văn bản đề nghị xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng bán tài liệu bổ trợ kèm SGK, tuy nhiên, tình trạng bán sách kiểu "combo bia kèm lạc" vẫn diễn ra. Theo các chuyên gia, nhà trường cần rạch ròi, minh bạch không bán sách kiểu "nhập nhèm"; phụ huynh cần tỉnh táo khi lựa chọn.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI