Yêu cầu hủy bản án sai lầm với trẻ vị thành niên

25/05/2017 - 10:13

PNO - Một vụ án đơn giản nhưng các cơ quan tố tụng lại làm vấn đề trở nên phức tạp, vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Ngày 25/5, VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho biết đã Kháng nghị Giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy toàn bộ hai bản án của TAND huyện Lâm Hà và bản án phúc thẩm trong vụ án “Cướp tài sản” đối với 7 bị cáo.

Theo đso, chiều 20/8/2015, tại một tiệm game ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), Doãn Đức Mạnh (SN 1998), Trần Văn Năm (SN 2000) và Trần Quang Hiệp (SN 1998) nhìn thấy anh Hoàng Văn Lai có điện thoại (giám định trị giá 3 triệu đồng) nên nảy sinh ý định cướp.

Sau đó, Đỗ Văn Sơn (SN 1997), Nguyễn Hữu Nam (SN 1999), Trịnh Tấn Vĩnh (SN 1999) và Nguyễn Tiến Nguyên (SN 1999) cũng đến quán internet nên rủ cùng tham gia

Đến tối, anh Lai trên đường về thì nhóm này chặn đường gây chuyện. Hiệp và Năm gọi anh Lai ra chỗ khác cách đó khoảng 2 mét hỏi mượn điện thoại của anh Lai gọi cho bạn rồi chiếm đoạt, bỏ đi.

Hôm sau, Mạnh chở Hiệp và Nam  mang ra tiệm cầm đồ cầm được chiếc điện thoại 700.000 đồng. Hiệp đưa cho Mạnh 35.000 đồng đổ xăng, cho Sơn 200.000 đồng, số tiền còn lại Hiệp cùng Năm đón xe buýt lên Đà Lạt tiêu xài hết. Công an vào cuộc, gia đình Mạnh đi chuộc điện thoại trả cho Lai.

TAND huyện Lâm Hà tuyên phạt Vĩnh và Nguyên 15 tháng tù, Năm 18 tháng tù, Mạnh và Nam 24 tháng tù, Sơn và Hiệp 30 tháng tù về tội “Cướp tài sản”. Các bị cáo vị thành niên Vĩnh, Nam, Nguyên và đại diện của 3 bị cáo này kháng cáo xin giảm án nhưng TAND tỉnh Lâm Đồng bác đơn, tuyên y án sơ thẩm.

VKSND Cấp cao tại TP HCM nhận định quá trình điều tra, truy tố và xét xử vi phạm nghiêm trọng về tố tụng hình sự và sai lầm trong việc áp dụng luật khi giải quyết vụ án.

Nhiền tài liệu được cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm sử dụng làm chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo nhưng những tài liệu này khi thu thập không đảm bảo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Cụ thể vụ án được phân công cho điều tra viên (ĐTV) này nhưng ĐTV khác không được phân công để lấy cung.

Ngoài ra, khi lập biên bản giao nhận Quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn khởi tố bị can và biên bản giao nhận kết luận điều tra, ĐTV không gửi cho người bào chữa thậm chí còn tự ý ghi và đánh máy vào phần “Ý kiến bị can” là “Đồng ý” mà không cho người bào chữa hoặc bị can nêu ý kiến của mình khi nhận các quyết định này.

Trong vụ án này các bị cáo đều là người chưa thành niên phạm tội nhưng trong quá trình điều tra, CQĐT đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật. Không tạo điều kiện để bị cáo lựa chọn người bào chữa hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cử người bào chữa.

Các bị cáo Nam, Vĩnh và Nguyên là người chưa thành niên bị rủ rê, lôi kéo, chỉ hưởng ứng đi theo bạn bè, không trực tiếp tấn công uy hiếp cướp tài sản của bị hại. Các bị cáo này chỉ đứng bên ngoài nhìn, không hưởng lợi, vai trò không đáng kể, giá trị tài sản không lớn, đã thu hồi và trả cho bị hại.

Các bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối ải, chưa có tiền án tiền sự, nhân thân tốt…Các bị cáo này còn quá nhỏ để nhận thức đầy đủ hành vi phạm tội của mình. Chính vì vậy VKSND Cấp cao tại TP HCM đã kháng nghị, yêu cầu xử giám đốc thẩm theo hướng hủy án để xét xử lại cho đúng quy định của pháp luật.

Minh Quân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI