Tận hưởng thời gian bên nhau
Hãy tận hưởng một buổi sáng, chiều hoặc tối ít nhất 1 lần/tuần với bạn đời, khi không có con cái. Hãy sắp xếp thời gian để giữ cho ngọn lửa tôn trọng và yêu thương luôn nồng cháy. Có thể cùng nhau đi dạo ở một nơi ưa thích, đến một điểm hẹn mới hoặc đưa nhau đi khiêu vũ. Các bạn có thể cùng nhau đạp xe, leo núi, vui đùa cùng nhau.
Giao tiếp tích cực
Nghiên cứu của tiến sĩ tâm lý John Gottman (Mỹ) cho thấy, các cặp vợ chồng hạnh phúc có số lần tương tác tích cực nhiều gấp 5 lần so với tương tác tiêu cực. Khi các tương tác tiêu cực nhiều hơn, kết quả thường là ly hôn. Bạn có thể dừng công việc và vui vẻ chào hỏi khi bạn đời trở về nhà; nở nụ cười, luôn quan tâm và cảm ơn nhau vì những việc nhỏ mà cả hai dành cho nhau. Hãy luôn trìu mến và khen ngợi bạn đời của bạn.
Đừng sửa sai liên tục
Tôi đã rất ngạc nhiên khi nghe về sự thay đổi bất ngờ trong cuộc hôn nhân của người bạn. Vài năm sau khi đứa con thứ ba chào đời, người chồng bắt đầu sử dụng kiểu nói “gia trưởng” với vợ, sửa sai vợ cả những việc nhỏ nhặt. Vài tháng sau, chị vợ bắt đầu nghĩ và nói đến việc ly hôn. Tình yêu thương, sự trìu mến, tôn trọng và quan tâm là quan trọng đối với mọi thành viên trong gia đình, không chỉ đối với trẻ em.
Không gian an toàn và yêu thương để chia sẻ
Hãy thử từ bỏ thói quen đưa ra các giải pháp, nếu bạn thường làm như thế. Đôi khi, cái bạn đời cần là sự đồng cảm, lắng nghe và thấu hiểu của bạn. Chỉ khi bạn đời yêu cầu bạn giúp ý kiến, bạn mới nên làm điều đó. Khi ta chấp nhận bạn đời như anh/cô ấy vốn thế, chấp nhận tất cả những gì đang xảy ra, tức là bạn đang giúp họ chấp nhận bản thân, đồng thời tìm ra giải pháp một cách sáng suốt nhất.
Một số người không yên tâm khi bạn đời có ý kiến khác mình. Nếu bạn có xu hướng này, hãy nghĩ rằng, quan điểm khác nhau là chuyện bình thường. Các bạn đều là những cá nhân độc đáo và không ai giống hệt bạn. Hãy quan tâm hơn là phòng thủ. Nếu muốn, bạn có thể chia sẻ vài suy nghĩ của bản thân: “Đôi khi anh/em cũng cảm thấy như em/anh về… nhưng anh/em cũng nghĩ rằng…”. Những quan điểm khác nhau có thể vẫn cùng một giá trị nền tảng. Hứng thú với việc thấu hiểu chồng/vợ sẽ giúp cả hai chín chắn và ở đời với nhau.
|
Ảnh minh họa |
Quản lý cơn giận
Sự nóng giận luôn có hại về cảm xúc, tinh thần lẫn cơ thể. Một đứa trẻ có thể mất tự tin khi cha/mẹ thường xuyên nổi nóng. Vợ hay chồng, khi bị trút giận, có thể căng thẳng, bất an, đau buồn và/hoặc tức giận về việc mình là nạn nhân của cơn giận đó. Cảm giác đó có thể kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng. Việc bị trút giận thường xuyên sẽ dẫn bạn đời đến tình trạng bất an, vì cơn giận có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Điều này sẽ làm hạnh phúc gia đình giảm đáng kể.
Nếu bạn bị bạo hành, hãy nhớ, điều đó là không thể chấp nhận. Bạn và các con có quyền được tôn trọng và có phẩm giá, được yêu thương và an toàn, được ở trong một ngôi nhà không có bạo lực bằng lời nói hoặc hành vi. Chứng kiến sự bạo hành của cha hay mẹ, trẻ sẽ khốn khổ không kém việc bị bạo hành. Hãy biết rằng, bạn là vô giá. Không phải bạn bị bạo hành do không đủ tốt hoặc bạn đời sẽ không còn bạo hành nếu bạn đủ tốt. Mọi người đều xứng đáng được đối xử bình đẳng và tôn trọng, đều xứng đáng được sống mà không có bạo lực. Hãy tìm một nơi an toàn cho bản thân và con cái của bạn.
“Chiến đấu” một cách công bằng và tử tế
Để nói ra cảm xúc của mình một cách lành mạnh, bạn cần phải can đảm và sẵn lòng thực hành. Khi bực tức, hãy cố nhận biết cảm xúc của mình và chia sẻ với chồng/vợ khi bạn đã bình tĩnh. Có thể mất vài giờ hoặc vài ngày để bình tĩnh lại. Có thể bạn vẫn còn chút bực tức khi nhắc lại những cảm xúc đó, nhưng đừng để bị ảnh hưởng. Hãy cam kết lắng nghe khi một trong hai người nổi nóng và cướp lời. Hãy cam kết nói cho nhau những cảm xúc chủ yếu ẩn sâu trong mỗi người, như tổn thương hay sợ hãi. Khi bạn đời chia sẻ, bạn có thể hỏi: “Anh/em có thể làm gì để giúp không?” hoặc “có tốt hơn không nếu anh/em đã làm (điều gì đó) khác đi?”.
Nói ra những gì bạn cần
Một số người tin rằng, nếu chồng/vợ yêu thương mình, họ sẽ biết mình cần gì. Thật ra không phải vậy. Hãy nói cho chồng/vợ biết bạn cần gì. Ví dụ bạn có thể nói: “Anh/em muốn em/anh chắc rằng, em/anh sẽ ở nhà vào sinh nhật của con gái. Sự có mặt của em/anh là quan trọng với con và với anh/em”.
Đừng cãi nhau trước mặt con
Xin đừng cãi nhau trước mặt con, nhất là cãi nhau về con. Tốt nhất, vợ chồng nên trao đổi và cùng nhau quyết định những việc liên quan đến con thay vì mỗi người tự quyết một kiểu. Nếu cha hoặc mẹ đã nói “không” thì quyết định chung nên là “con không được phép”.
Tiến sĩ tâm lý Diane Tillman