Yên tâm, Sài Gòn dễ sống lắm!

12/04/2024 - 15:15

PNO - 20 năm đi qua, nhưng ký ức về TPHCM ngày ấy với chị vẫn còn vẹn nguyên. Thành phố ngày một phát triển hơn. Nhưng trong bất kỳ thời điểm nào, chị cũng luôn tin vào cơ hội đến từ vùng đất này, khi chúng ta cố gắng.

Người dân mưu sinh về đêm tại Sài Gòn
Người dân mưu sinh về đêm tại TPHCM

1. Nói về Sài Gòn - TPHCM, người ta dễ hình dung ngay đến một bức tranh đa sắc. Ở đó, có sự náo nhiệt, sôi động, hào nhoáng và cũng không thiếu những khoảng trời bình yên.

TPHCM với tác giả Hoàng Hiền (người đạt giải tháng 2/2024 của cuộc thi Thành phố của tôi) là nơi đã “cưu mang” chị hơn 20 năm qua. Đi đâu chị cũng nhớ về con hẻm nhỏ ven sông Sài Gòn với những tiếng gọi thân thương “Hiền ơi, cá nè”, “Hiền ơi, bánh bông lan nè”…

Không cần biết bạn là ai, đến từ đâu, TPHCM cũng sẵn sàng mở lòng đón nhận. Trong con hẻm nhỏ đó, 50 hộ dân nhưng phần lớn là người nhập cư, đến từ nhiều tỉnh thành trên khắp mảnh đất hình chữ S: Phú Thọ, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Bình Dương, Long An, Cà Mau. Dù khác biệt về văn hóa, nhưng khi ở TPHCM, họ là một, với những đặc tính hết sức dễ thương.

Mùa dịch COVID-19, cả xóm cùng nhau vượt qua. Đến ngày hàng rào trước xóm được dỡ bỏ, cả xóm đứng trên ban công vỗ tay vì biết TPHCM đã ổn, và chính họ đã ổn. Hình ảnh những đứa trẻ chào ông bà đi học mỗi sáng luôn gợi sự bình an trong lòng mọi người. Tết đến, họ lại cùng nhau ngồi canh nấu bánh chưng.

Không khí yên bình, sự hòa nhã nơi đây cũng khiến những vị khách phải lòng. Họ hỏi có ai bán nhà không, để dọn đến đây ở “cho vui”. Hướng đến sự bình yên, hy vọng vào những điều tốt đẹp, đã trở thành đặc tính của những con người nơi đây nói riêng và TPHCM nói chung.

Tác giả Hoàng Hiền chia sẻ trong lễ trao giải tháng lần 1 của cuộc thi Thành phố của tôi
Tác giả Hoàng Hiền chia sẻ trong lễ trao giải tháng lần 1 của cuộc thi Thành phố của tôi vào sáng 12/4 tại Báo Phụ nữ TPHCM

Trong bài viết của chị có chi tiết được chú ý: “Chỉ cần bỏ công sức ra, thì Sài Gòn sẽ không để cho chúng ta thiếu thốn”.

Tác giả nhớ lại 20 năm trước khi mới vào TPHCM, chị cùng cha đi trên chiếc xe cà tàng, nhìn những tòa nhà cao chọc trời một cách lạ lẫm. TPHCM với chị khi ấy vô cùng hào nhoáng. Thậm chí, có lúc chị tưởng không thể trụ lại nơi đây, chỉ từ một lần xin đi phát tờ rơi nhưng vẫn bị đánh trượt. Nhưng một người nói với chị rằng, cứ yên tâm vì “Sài Gòn dễ sống lắm”.

20 năm qua, chị đã trải nghiệm để biết đây là sự thật. Chị cười bảo người lơ ngơ như mình còn sống được ở TPHCM, thì bất cứ ai cũng có cơ hội. Những ký ức về xóm trọ nghèo, căn phòng ọp ẹp có đến 5 đứa con gái cùng ở vẫn còn nguyên vẹn đó. Nhưng tình người đã thắp lên trong những khó khăn niềm tin, hy vọng, sự ấm áp.

Để rồi sau này, khi có thời gian rảnh, chị lại trở về chốn cũ. Ở đó, có người con sắp tốt nghiệp làm công an, giáo viên. Cô bán gạo ngày trước hay cho chị và sinh viên mua thiếu cũng sắp “nghỉ hưu” để cơ hội cho người khác buôn bán.

Điều đó càng khiến chị tin rằng, khi có sự cố gắng, sẽ sống được ở mảnh đất này. Những người lao động không bao giờ yếu thế, khi hết lòng hết dạ vì ngày mai tốt đẹp hơn.

Từ trái qua: tác giả Ray Kuschert, tác giả Hoàng Mai và tác giả Hoàng Hiền
Từ trái qua: tác giả Ray Kuschert, tác giả Hoàng Mai, tác giả Hoàng Hiền và MC Thanh Huyền chia sẻ những kỷ niệm, ký ức về TPHCM

2. TPHCM không chỉ có vậy. Đó là công viên Bách Tùng Diệp tọa lạc ngay trung tâm thành phố với lịch sử hết sức thú vị. Nó không chỉ mang đến bầu không khí trong lành cho người dân, mà còn che chở những phận đời lao động.

Chị chọn đề tài viết như cách Báo Phụ nữ TPHCM tiếp cận trước nay, bắt nguồn từ những câu chuyện nhỏ trong đời sống. Tác giả Hoàng Mai cho rằng sự phân hóa giàu nghèo, khoảng cách ở đâu cũng có. Nhưng ở TPHCM, điều này nhẹ nhàng hơn, vì mọi người sẵn sàng chia sẻ với nhau. Người cho đi cũng thấy vui, bình an như người nhận. Vì thế, khoảng cách cũng không còn đáng kể. Người ta thương TPHCM cũng vì vậy, chẳng nề hà, mà luôn rộng lòng đón nhận tất cả.

Sẽ còn hàng trăm câu chuyện nữa nối tiếp nhau để cùng khắc họa hình ảnh Sài Gòn - TPHCM trong chặng đường kế tiếp của Thành phố của tôi. Đó có thể là những hình ảnh lộng lẫy, cũng có thể là những lát cắt bình dị. Nhưng có thể tin rằng, chữ tình sẽ còn vương lại, để thấy đây là nơi đáng sống, cho cả cuộc đời dài, hay chỉ là một đoạn đời của mỗi chúng ta.

Công viên Bách Tùng Diệp
Công viên Bách Tùng Diệp

“Tôi rất tự hào khi có thể chia sẻ câu chuyện với mọi người. Khi tôi đến Việt Nam vào năm 2012, tôi yêu TPHCM. Khi sống ở đây, tôi nhận ra đó là nơi tốt nhất cho tôi. Tôi có nhiều bạn bè ở đây và tôi yêu văn hóa TPHCM” - tác giả Ray Kuschert chia sẻ trong buổi lễ trao giải tháng đợt 1 của cuộc thi Thành phố của tôi.

Tác giả Ray Kuschert chia sẻ trong lễ trao giải sáng 12/4
Tác giả Ray Kuschert chia sẻ trong lễ trao giải sáng 12/4

Trung Sơn

Ảnh: Nguyễn Quang - Phùng Huy - Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI