Cùng trong một ngày, thái cực của người hâm mộ bóng đá đi theo hai hướng khác nhau. Thất vọng não nề và vui sướng tràn trề. Chẳng biết ban tổ chức SEA Games có tính toán gì không mà sắp xếp cho hai đội tuyển bóng đá nam và nữ Việt Nam đá cùng ngày để rồi, yếm hồng phủ mặt mày râu. Chiến thắng tưng bừng của các cô gái đã giúp đội tuyển bóng đá nam bớt tủi.
Làm gì có chuyện bình đẳng giới trong bóng đá, đó là không phải là sự khích bác, mà là sự thật đang diễn ra ở môn thể thao vua này. Cũng chẳng phải chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước châu Á. Nó xuất phát từ chuyện, các nhà tài trợ tìm đến với bóng đá nam nhiều hơn, nguồn tiền tài trợ cho World Cup nữ được thống kê, chỉ bằng 1/5 mà World Cup nam có được. Và hẳn nhiên, chuyện bóng đá nam có khán giả nhiều hơn nên thu hút tài trợ tốt hơn, nó cũng xuất phát phần nào từ chuyện, phân biệt trong bình đẳng giới.
Tất nhiên, chuyện thể thao hay kinh doanh, mỗi phân khúc có đối tượng khách hàng khác nhau. Bóng đá nữ, tuy ít tài trợ, ít khán giả nhưng vẫn có những người yêu thích. Bóng đá nam cũng vậy.
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn, nếu thể thao chỉ là thể thao mà nó không phải mang trên vai gánh nặng thành tích, chuyện thắng thua không ảnh hưởng đến chức danh, ghế hoặc lồng cả vào đấy tinh thần dân tộc hay nhiệm vụ chính trị cao siêu. Hẳn, mọi chuyện sẽ chỉ là niềm vui, khi những người đứng đầu các hiệp hội, ngành thể thao cố gắng hết sức để dẫu là đội tuyển bóng đá nam hay bóng đá nữ cũng cảm thấy mình được chăm lo.
Hình ảnh các cầu thủ Mỹ đang làm mẹ, được tài trợ để dẫn theo gia đình cùng tham dự Olympic đầy nhân văn của đội tuyển bóng đá nữ Mỹ khi tham dự Olympic đã khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ. Dẫu tiền thưởng cho chuyện thắng thua của họ, thậm chí còn thua cả vận động viên điền kinh.
Ở Việt Nam không vậy, sau mỗi kỳ SEA Games là một kỳ “đại hội” theo nhiều nghĩa. Từ chuyện lấy thành tích để báo công, để chia thưởng, để có cái mà xin ngân sách đầu tư vào năm sau.
Chính vì vậy, chuyện phân bổ ngân sách đầu tư, dồn lực vào những nội dung được nhiều người quan tâm, có khả năng thu hút dư luận bởi tranh chấp huy chương được coi là một chiến lược cần được tính toán kỹ.
Hẳn nhiên, với tính toán đó, bóng đá nữ sẽ chẳng bao giờ được đầu tư, đãi ngộ bì cho bằng bóng đá nam. Mà chuyện này, chẳng phải bây giờ mới diễn ra.
Ngày SEA Games diễn ra ở Korat – Thái Lan. Đội tuyển các môn ở tất cả các nước đều phải vào làng vận động viên ở. Các cầu thủ nam trước đó theo kế hoạch được ở khách sạn 5 sao nên vào làng vận động viên rên như bộng. Họ than buồn chán, than giường nệm khó ngủ, than nhà ăn nấu không vừa khẩu vị. Trong khi các cô gái đá bóng cười tươi như hoa, nói, lâu lắm bọn em mới được ăn uống thoải mái thế này. Năm đó, bóng đá nam bị loại thê thảm, ông A.Riedl phải từ chức khi SEA Games chưa kết thúc, còn lại một trận gặp Singapore.
Ở lần này, các cầu thủ nữ cũng chẳng được chăm sóc là mấy, họ ăn gì, nơi ở tốt không, sức khỏe thế nào, việc huấn luyện viên nước ngoài ức chế với VFF phải từ chức ngay trước khi SEA Games diễn ra, có ảnh hưởng ra sao, dường như không được lưu tâm. Tất cả dồn lực vào đội tuyển U22 Việt Nam với lứa cầu thủ “vàng” đầy kỳ vọng mà bầu Đức chắt chiu bấy lâu.
May mắn duy nhất, là vì sự quan tâm khá ít nên chức danh trưởng đoàn bóng đá nữ được giao cho ông Dương Vũ Lâm. Ông Lâm là quan chức VFF nhưng ở Sài Gòn, ông này được tiếng là tử tế vì chẳng bao giờ đòi chia thưởng với các cầu thủ nữ, lại là người có khả năng đối đáp trôi chảy bằng tiếng Anh, vì đã từng là quan chức AFF nên BTC không “ăn hiếp” được bằng cách phân lịch tập, lịch thi đấu loạn xạ.
Và còn gì cay đắng bằng, khi mà đội tuyển U22 Việt Nam được đánh giá là vào bảng đấu nhẹ nhất, khả năng vào bán kết chỉ là chuyện nhỏ bởi mục tiêu là tranh chấp huy chương vàng, lại bị loại ngay từ vòng bảng.
Còn các cầu thủ nữ, nhiệm vụ phải thắng đội chủ nhà Malaysia cách biệt 5 bàn để vô địch đã nhẹ nhàng thắng đến tận 6 bàn để đăng quang, vượt qua người Thái đứng đầu khu vực.
Trận đấu chỉ cách sau đó vài tiếng đồng hồ, giúp người hâm mộ Việt Nam chợt giật mình khi nhận ra sự vô tâm của họ với những cô gái đá bóng.
Cái cách mà những cô gái, trước giải đấu phải bán rau phụ mẹ nuôi gia đình, người thì ra đồng gặt lúa khi vụ tới, bởi đá bóng mãi chẳng đủ tiền trả công thợ. Cái cách mà các cô gái vàng, nhiều lần vàng là khác, an nhiên giành chiến thắng ở một cuộc chơi để rồi, sau đó họ lại trở về với thực tế vất vả đời thường. Như Đào Thị Miện từng reo lên, có huy chương vàng rồi, bố em sẽ có cái tủ lạnh chờ đợi sau 2 năm ngày nào đó thôi.
Quả thật, chuyện hy vọng bình đẳng giới ở bóng đá Việt là quá xa xỉ. Nhưng, sự vô tâm với các cô gái và kỳ vọng quá nhiều vào các chàng trai đá bóng đúng là quả đắng.
Ngày mai, kiểu gì các cô gái cũng sẽ được chính những người ít quan tâm mình tung hô, đứng cùng, chụp hình và dùng những công trạng ấy để báo cáo thành tích như những lần trước mà bóng đá nam thất bại toàn tập. Họ, hẳn nhiên vẫn là quan chức ngành thể thao, vẫn là quan chức liên đoàn sáng suốt vì ít nhất, chúng ta vẫn đứng đầu khu vực ở môn bóng đá... nữ.
Nhà có tiệc, tiếc gì chung vui. Nhưng giá mà, ngay từ đầu, các cô gái được quan tâm hơn, à mà không, chỉ cần gần bằng đội tuyển nam thôi.
Thì giờ, ăn nói cũng dễ trơn tru hơn.
Nhỉ.
Thảo Du
Ảnh: VFF