Ỷ Vân Hiên ra mắt tháng 8/2018 tại Hà Nội trong nỗi vui mừng thoáng chút lo lắng của chính những người trẻ. Bởi, đường đi phía trước còn dài với mơ ước được “làm gì đó” cho văn hoá truyền thống, đặc biệt với cổ phục như các nước Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc đã làm.
Sau 2 năm thành lập, không ngoa khi nói Ỷ Vân Hiên là đơn vị phỏng dựng cổ phục được biết đến nhiều ở thời điểm hiện tại. Từ điện ảnh, các sản phẩm âm nhạc, sân khấu, sàn diễn thời trang... sự xuất hiện của Ỷ Vân Hiên minh chứng cho khát khao giữ cốt cách Việt, được xây dựng trên nền tảng bài bản, có chiến lược rõ ràng.
Mới nhất, khi dự án cung đấu đầu tiên của Việt Nam - Phượng khấu, ra mắt, phần phục trang do Ỷ Vân Hiên thực hiện nhận được nhiều lời khen. Nguyễn Đức Lộc, một người trẻ 9x, sáng lập ra Ỷ Vân Hiên đã có cuộc trò chuyện với Báo Phụ nữ TPHCM.
Lựa chọn ngược dòng
Phóng viên: Giới trẻ hiện tại có xu hướng quay về tìm hiểu, nghiên cứu văn hoá truyền thống, từ góc nhìn của một người trẻ đang trong xu hướng đó, anh nhận định như thế nào về lựa chọn này?
Nguyễn Đức Lộc: Khi xã hội đã ở một mức độ phát triển nhất định, con người sẽ có xu hướng quay trở lại tìm hiểu văn hoá truyền thống. Những nước như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc đều đã trải qua giai đoạn này. Ở Việt Nam, chúng ta không còn lo lắng về cái ăn, cái mặc mỗi ngày thì câu chuyện "phú quý sinh lễ nghĩa" sẽ trở lại.
Những người trẻ lớn lên trong thế giới hiện đại từ Trung, Hàn, Đông Âu... cũng có nhu cầu "trở về quá khứ" để biết "mình là ai?". Xu hướng tìm hiểu về văn hoá xưa đang rất phổ biến trong nhiều năm gần đây, và chắc chắn sẽ còn đi xa hơn nữa trong thời gian tới.
|
Từ nhỏ, Nguyễn Đức Lộc đã dành tình yêu cho văn hoá, lịch sử Việt |
* Nhiều người trẻ tìm về văn hoá nguồn cội là tín hiệu vui, nhưng cũng có nỗi lo họ tiếp cận sai nguồn tư liệu?
- Tôi cho đây không phải là vấn đề phải lo lắng. Người trẻ với tư duy cởi mở, phóng khoáng, có cơ hội tiếp xúc với nguồn tư liệu phong phú từ các nhà sử gia, học giả, các hội nhóm nghiên cứu nên có thể tự trang bị kiến thức cho mình.
Có những cuộc tranh luận xảy ra nhưng đó là điều tất yếu để làm rõ một vấn đề. Trong cuộc tranh luận, những kiến thức chuẩn xác sẽ được ủng hộ và đương nhiên, không ai nghe theo những điều chưa được xác tín. Ở một góc độ nào đó, những nguồn tư liệu vẫn còn tranh cãi nhưng tôi tin, mọi thứ sẽ đi theo đúng hướng của nó. Theo thời gian, những gì có giá trị sẽ được chứng minh.
|
Hình ảnh trang phục trong phim Phượng khấu do Ỷ Vân Hiên thực hiện |
* Ý định thành lập Ỷ Vân Hiên, có phải do anh nhìn thấy những khoảng trống lớn trên thị trường thời trang cổ phục?
- Từ nhỏ, tôi luôn thích thú tìm hiểu lịch sử và thời trang. Do vậy, tôi muốn kết hợp 2 niềm đam mê để làm nên một điều gì đó. Từ 3-4 năm nay, tôi bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về cổ phục. Tôi tham gia nhiều hội nhóm văn hoá, các câu lạc bộ, toạ đàm về văn hoá, lịch sử. Cho đến một ngày, tôi nhận ra rằng nếu muốn phát triển, nhân rộng văn hoá truyền thống, đặc biệt là cổ phục thì phải có định hướng, chiến lược rõ ràng.
Nhiều người khi nhìn về các mô hình hội nhóm nghiên cứu sử, họ khẳng định “tuổi thọ” không dài vì các nhóm này hoạt động không có đường hướng cụ thể. Tôi muốn chứng minh điều ngược lại bằng việc thành lập Ỷ Vân Hiên - một công ty làm về cổ phục có tư cách pháp nhân, có kế hoạch phát triển theo từng giai đoạn cụ thể.
Nhìn sang thị trường thời trang cổ phục các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, tôi nhận ra Việt Nam vẫn còn khoảng trống lớn. Khi các quốc gia khác đã khai thác, ứng dụng trang phục trong đời sống, thậm chí xuất khẩu cổ phục thì tại Việt Nam, xu hướng quay về cổ phục chỉ mới xuất hiện vài năm. Nên chăng, chúng ta cần đẩy mạnh khai thác, quảng bá cổ phục bằng những cách thức hiệu quả hơn.
* Quá trình tìm kiếm cộng sự để cùng thực hiện các dự án có quá khó?
- Tôi tham gia nhiều hội nhóm cổ phong và tìm thấy những cá nhân có kiến thức rất tốt, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Sau 2 năm thành lập, Ỷ Vân Hiên có hơn 20 nhân sự, tính thêm cộng tác viên thì khoảng 30 thành viên. Để có được số thành viên này, chúng tôi chào đón và chia tay nhiều người. Chúng tôi cũng từng liên tục tranh cãi để thống nhất được con đường đi.
|
Hình ảnh áo dài 5 thân do Ỷ Vân Hiên thực hiện |
* Hiện có nhiều nhóm cũng thực hiện việc phỏng dựng trang phục truyền thống, đâu là điểm đặc biệt của Ỷ Vân Hiên so với các nhóm khác?
- Suốt 2 năm qua, chúng tôi đã nỗ lực hoạt động liên tục và ghi dấu tên tuổi thông qua nhiều sự kiện. Sở dĩ Ỷ Vân Hiên được biết đến nhiều vì chúng tôi là công ty làm về cổ phục đầu tiên tại Việt Nam. Chúng tôi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp so với các hội nhóm đơn lẻ khác. Ỷ Vân Hiên có chiến lược quảng bá thương hiệu, chú trọng hình ảnh khi ra mắt công chúng từ phim ảnh, ca nhạc và nhiều kênh truyền thông khác.
Ngoài ra, chúng tôi đầu tư nghiên cứu chuyên sâu về cổ phục, liên tục cập nhật kiến thức. Các bạn tham vấn với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực như giáo sư Sử học Lê Văn Lan, học giả Trần Quang Đức – tác giả cuốn Ngàn năm áo mũ, nhà nghiên cứu – phục chế áo mũ Vũ Kim Lộc, hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức... Chúng tôi muốn đưa ra sản phẩm không chỉ thuần thời trang mà còn có độ chính xác cao về lịch sử.
Hành trình sẽ còn tiếp tục
* Trong thời gian đầu, những khó khăn của Ỷ Vân Hiên là gì?
- Chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong năm đầu tiên: về tài chính, nhân sự, ý kiến trái chiều, về hiện vật, tư liệu nghiên cứu. Từng có lúc, tôi không biết ngày mai lấy tiền đâu để trả lương cho từng ấy người. Nhiều người thiếu niềm tin về đường hướng và rời đi. Sau khi vượt qua, chúng tôi cứng cáp hơn và luôn nhìn về phía trước để cố gắng.
* Cuộc chơi của Ỷ Vân Hiên không chỉ liên quan đến kiến thức mà còn là câu chuyện tài chính. Nếu không đủ tài chính, liệu trang phục lịch sử có được xuất hiện đúng như nó đã từng tồn tại trong lịch sử?
- Nếu muốn phục chế đúng một bộ trang phục phải tốn hàng trăm cho đến vài tỉ đồng. Đây là con số không hề nhỏ. Còn để phỏng dựng, số tiền chi cho nguyên vật liệu cũng không đơn giản. Điều quan trọng là chúng tôi phải tìm cách để giảm giá thành.
* Khi phải giảm giá thành, yếu tố lịch sử có được tôn trọng và với phỏng dựng, có chỗ cho khái niệm sáng tạo hay không?
- Ỷ Vân Hiên nghiên cứu, phục dựng những giá trị văn hoá truyền thống, đưa chúng trở lại đời sống hiện đại trong hơi thở mới, sức sống mới nhưng vẫn giữ nguyên bản giá trị lịch sử. Chúng tôi đã làm và đã thành công vì hướng đi đúng.
Chúng tôi không cách tân những giá trị truyền thống một cách bừa bãi mà đi theo hướng gần với nghiên cứu, lý luận, tôn trọng giá trị lịch sử. Tuy nhiên, cách làm của chúng tôi cũng có sự uyển chuyển.
Hỏi có chỗ cho sáng tạo thì đương nhiên, phải có. Tuy nhiên, chúng tôi sáng tạo dựa trên nền tảng, lấy những nguyên liệu khác để thay thế nhằm giảm giá thành. Chúng tôi giản lược một số công nghệ may, thay vì ngày xưa thêu tay toàn bộ thì bây giờ, chúng tôi may thêu khoảng 50-60%. Về mặt hoạ tiết, hoa văn, các cụ ngày xưa vẽ bằng tay thì chúng tôi vẽ trên máy bằng công nghệ vẽ 3D.
* Đã từng có những người trẻ tâm huyết với văn hoá truyền thống nhưng không được bao lâu thì dừng lại; để đi đường dài, Ỷ Vân Hiên chú trọng điều gì?
- Chúng tôi không phỏng dựng một trang phục nào đó để rồi mang vào bảo tàng hay chỉ để trưng bày mà muốn giới thiệu sản phẩm của mình với công chúng. Chúng tôi đưa trang phục lên sân khấu, vào MV, phim điện ảnh, các bộ hình của giới trẻ, may cho lãnh sự quán một số nước... Đây là hình thức của thời đại, và chúng tôi muốn phát triển theo hướng hiện đại nhất.
Tôi có một tham vọng phục hưng văn hoá truyền thống, đưa cổ phục trở lại với đời sống hiện đại. Bạn phải có ước mơ trong cuộc đời này để biết mình là ai và phải có tham vọng để khẳng định mình.
Tôi sẽ cố gắng hết sức thực hiện mơ ước, tham vọng của mình nhưng làm đến đâu thì do duyên, do năng lực của bản thân. Nhưng, tôi ý thức được mình đang đi về phía trước, và sẽ không dừng lại.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Diễm Mi (thực hiện)