Thiên đường mây thứ hai
Thông thường, khi nói đến thiên đường mây, dân phượt thường nghĩ ngay đến Tà Xùa ở Bắc Yên, Sơn La. Nhưng còn một chốn tiên bồng khác nữa nằm ở xã Ngải Thầu, giáp xã Y Tý, chốn mà cư dân phượt sẵn sàng “ăn dầm nằm dề” tại Y Tý cả tuần đợi chờ thời điểm thích hợp để “săn mây”.
Trước đây, cung đường lên Ngải Thầu chỉ toàn đá sỏi. Sau này, nó đã được đổ bê tông để giúp cho bà con thôn bản nơi đây thuận tiện đi lại, cũng nhờ vậy mà điểm ngắm mây này bớt thách thức và thu hút du khách hơn.
Thời điểm “săn mây” tuyệt vời nhất ở Y Tý là từ tháng Chín đến tháng Tư. Khoảng thời gian trải rộng này rất thuận tiện để làm một hành trình kết hợp với mùa hoa, mùa nước đổ hoặc mùa lúa chín...
Tôi thường đến Y Tý vào hai mùa: mùa xuân và mùa thu vàng sắc lúa. Vào mùa xuân, những lần tôi đến, chưa lần nào nhiệt độ Y Tý cao hơn 100C. Có đợt tôi đi vào dịp mưa lất phất, sương mù dày đặc, hơi nước đọng thành lớp trắng bên trên những chiếc lá ven đường, trên những mạng nhện phơi sương. Dừng chân tại đồn biên phòng, tôi chỉ muốn náu mình trong chiếc chăn êm. Đợt khác, vào đầu năm nay, tôi ghé lại Y Tý đúng ngày tiết trời tuyệt đẹp, sáng sớm mở cửa ra thấy cảnh, bèn hấp tấp chuẩn bị đồ đạc để đến Ngải Thầu.
|
|
Thời điểm “săn mây” tuyệt vời nhất là lúc sáng sớm, khi mặt trời đang dần lên cao, mây từ thung lũng kéo lên. Nếu đi đúng thời điểm, bạn sẽ cuống cuồng như tôi, đi được dăm ba mét lại dừng xe chụp ảnh, bởi bạn đang đứng giữa mây ngàn, giữa cái nắng sớm chiếu rọi vào mây làm cung đường thêm huyền ảo. Thông thường, dân phượt sẽ dừng ngay khúc cua gần cây táo mèo, rồi leo lên đồi cao bằng cách băng qua những bụi cây rậm rạp - mãi rồi cũng thành lối mòn cho những kẻ “săn mây”. Ở góc này, bạn có thể thỏa thích ngắm nhìn toàn cảnh mây lên.
Vào mùa xuân, có thể bạn sẽ được ngắm hoa mận, hoa đào bên đường, ven đồi hay trong sân nhà dân bản. Đôi khi bạn còn được ngắm hoa táo mèo bung nở trắng xóa trên đường đi đến điểm “săn mây” và nếu đi từ hướng TP.Lào Cai lên Y Tý, bạn sẽ gặp hoa gạo thắm đỏ nở dọc đường đi...
Ngút ngàn thang bậc
Mây Y Tý làm tôi cuồng chân, ruộng bậc thang Y Tý làm tôi choáng ngợp với vẻ đẹp tự nhiên, có phần hoang dại, nhất là khi vào mùa lúa chín. Nó không ngay ngắn, thẳng thớm hoặc trông như được “bố trí” thêm mái chòi ở vị trí rất hợp lý để chụp ảnh như ở Mù Cang Chải. Nó cũng không cách xa một dòng sông, con suối, quả đồi hay khe vực để rồi du khách đa phần chỉ có thể nhìn ngắm từ xa mà nằm ngay sát ven đường, “đập” cận cảnh vào mắt du khách, để hương thơm từ những bó lúa vừa gặt, từ những đống rạ đang cháy quyện hòa vào từng hơi thở, bấy nhiêu đủ làm du khách nao lòng, nán lại.
|
|
Những ruộng bậc thang lúa chín vàng ngợp, trải dài, đẹp nhất có lẽ là ở xã A Lù, xã Ngải Thầu trên đường từ TP.Lào Cai lên Y Tý. Ngoài ra, những thửa ruộng bậc thang trên đường xuống cầu Thiên Sinh cũng rất đẹp. Tuy nhiên, đường khá dốc và nhiều đoạn sạt lở khó đi, không dành cho tay lái yếu. Vào mùa, bạn sẽ thường thấy cảnh du khách dừng xe, bỏ mặc chúng bên đường rồi lôi máy ảnh, flycam hoặc đôi khi tìm đường, len lỏi quanh những khúc ruộng bậc thang để chọn góc đẹp, chìa máy ra...
Ở A Lù, vào một buổi trưa khi tôi đang trên đường lên Y Tý, mùa gặt đang dần qua. Bên dưới là những cánh đồng lúa đã gần gặt xong, xa xa là những cuộn khói đốt rạ sau thu hoạch, mùi còn vương, tro tàn theo gió bay tận tới đây. Đâu đó tiếng gà gáy muộn, tiếng nước bên kênh róc rách, tiếng gõ đục phát ra từ ngôi nhà nào đó, tiếng ong bay vò vò lượn lờ trước mặt, hòa quyện cho một buổi trưa yên ả, thanh bình...
Du lịch vẫn đơn sơ
Yếu tố làm du lịch dường như chưa tác động nhiều ở nơi đây. Đường lên Ngải Thầu, đường xuống cầu Thiên Sinh… đã được sửa sang khá tốt. Tuy nhiên cung đường lên Y Tý ngày càng xấu đi ở cả hai hướng, nhất là khoảng 10km cuối cùng để đến Y Tý. Có lẽ vào mùa lũ, lượng nước mưa lớn nên một số nơi sạt lở rất nặng. Đây cũng là yếu tố quan trọng làm giảm lượng du khách đến tham quan địa điểm này.
Chừng hai năm trước, Y Tý chỉ có vài điểm để nghỉ ngơi. Khi đó, trên các trang hướng dẫn du lịch chỉ gợi ý đôi nơi và rất ít homestay nhưng đến nay đã xuất hiện nhiều điểm để dừng chân hơn, nhất là homestay do người dân thôn bản tự mở làm du lịch, với các phòng ở chung giá khoảng 50.000 đồng/người.
Quanh khu vực chợ Y Tý có chừng 5-6 quán ăn, dường như chỉ đủ đáp ứng lượng du khách hiện tại. Dĩ nhiên vào mùa cao điểm như tháng Chín, Mười, một số tiệm ăn không nhận khách lẻ như tôi vì làm không kịp. Họ chỉ đáp ứng cho khách đoàn, với mức giá chung mỗi phần ăn chừng 50.000 đồng. Trong chuyến đi vào giữa tháng Chín vừa rồi, tôi ghé quán quen thường ăn và phải tới buổi thứ ba, khi vắng khách hơn vài ngày trước đó, chị chủ mới nhận và có vẻ do vội nên thức ăn không ngon như những đợt trước.
Đang chờ khám phá
Vì đường sá đi lại chưa thuận tiện nên du khách không đông, đa phần là dân phượt. Ngoài những bản tương đối dễ vào nằm trên đường đi như Choản Thèn, Ngải Thầu Thượng thì Y Tý còn nhiều bản có đường vào rất khó khăn như thôn Phan Cán Sử, Hồng Ngài, Lao Chải. Ngoài ra, do du lịch và dịch vụ còn chưa phát triển nên nếp sống, văn hóa, phong tục của các dân tộc, nhất là ở những thôn bản xa xôi vẫn được giữ vẹn nguyên.
Khi đặt chân đến mảnh đất này, ngoài mây, ruộng, cỏ cây, những ngôi nhà trình tường tuyệt đẹp trong bản của người Hà Nhì, người Mông là những thứ làm du khách trầm trồ không ngớt. Đặc biệt người dân địa phương rất nhiệt tình và thân thiện. Tôi tình cờ quen được một số người H’Mông nơi đây, trong đó một anh khi biết khách đến liền đi bắt tổ ong làm món ngon thết đãi, để rồi bị ong đốt sưng vù. Những đôi mắt trong sáng, vô tư cùng vẻ e dè, ngại ngùng của những đứa trẻ nơi này khi gặp khách phương xa cũng khiến tôi nhớ mãi.
Y Tý gần như đẹp quanh năm. Tuy nhiên, dân du lịch thường khám phá Y Tý vào ba mùa. Mùa săn mây: từ tháng Chín đến tháng Tư năm sau, mùa nước đổ: tháng Tư và Năm, mùa lúa chín: từ cuối tháng Tám đến đầu tháng Mười.
Từ Hà Nội di chuyển bằng xe khách, xe lửa hoặc ô tô đến TP.Lào Cai. Tại TP.Lào Cai, bạn có thể thuê xe máy (khoảng 200.000 đồng/ngày) hoặc di chuyển bằng ô tô để đi Y Tý bằng cách chạy dọc theo sông Nậm Thi hay đi từ Sa pa hướng ra đèo Quy Hồ và rẽ vào tỉnh lộ 155 ngang qua Mường Hum, Dền Sáng. Ngoài ra, bạn còn có thể đem theo xe máy từ Hà Nội đến Lào Cai để đi một cung đường dài từ Lào Cai, qua Y Tý, tới Mù Cang Chải rồi về Hà Nội. Chợ phiên được họp vào thứ Bảy hằng tuần là một trong những nét sinh hoạt đặc trưng của Y Tý. Chợ phiên bán đầy đủ các mặt hàng từ quần áo, hàng gia dụng, thức ăn, rau củ, bánh trái… và nổi tiếng với các loại rau củ địa phương. Đặc sản Y Tý: rau cải mèo, thịt lợn rang, lạp xưởng lợn đen, nấm ương, củ hà sin cô, rượu táo mèo, bia Hà Nhì. Bạn có thể nghỉ tại đồn biên phòng, các nhà nghỉ/homestay gần chợ hoặc trong bản Choản Thèn (hướng rẽ xuống cầu Thiên Sinh) với mức giá chỉ từ 50.000 đồng/người. |
Bài: Nguyễn Võ Lâm
Ảnh: Nguyễn Võ Lâm, Quang Tú