Điều này càng được minh chứng bởi kỳ họp bất thường của HĐND TP.HCM vào ngày Chủ nhật 11/6 đã tập trung chủ đề nóng hổi “Công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư, quản lý chất thải trên địa bàn TP.HCM”.
|
Theo đại biểu HĐND TP.HCM Trần Quang Thắng, môi trường là yếu tố căn bản để phát triển du lịch. Ngành công nghiệp mũi nhọn của TP này sẽ đi về đâu với hình ảnh thành phố đầy rác? Ảnh: Quốc Ngọc |
Thích gom rác lúc nào thì gom
Trước khi kỳ họp này diễn ra, chúng tôi đã nhận được khá nhiều phản ánh của bạn đọc liên quan đến xử lý, thu gom rác sinh hoạt. Một cư dân tại khu dân cư Bình Hưng (ấp 2, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) than thở, mỗi hộ dân ở đây phải đóng tiền rác hàng tháng 30.000đ nhưng đơn vị thu gom lại ba ngày mới lấy rác một lần.
Tương tự, các cư dân ngụ trên đường HT22, P.Hiệp Thành, Q.12) phản ánh, hai - ba ngày mới có đội vệ sinh đến lấy rác khiến rác ùn ứ đầy đường. Khi có người dân than phiền, nhắc nhở, các công nhân thu gom trừng mắt đáp: “Muốn lấy lúc nào thì lấy”(?). Trong khi đó, họ vẫn thu từ 25.000-30.000đ/tháng đối với hộ dân bình thường, còn hộ kinh doanh phải đóng trên 50.000đ/tháng.
Người dân Q.Bình Thạnh phản ánh, hai bên đường Bạch Đằng, đoạn từ đường Đinh Bộ Lĩnh đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, các hố ga thường xuyên ngập rác, khi có cơn mưa nước không thể thoát được. Chúng tôi cũng ghi nhận được tình trạng người bán hàng rong trên cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Rạch Ông, cầu Chữ Y vô tư quẳng rác xuống dạ cầu, khiến rác tụ đầy ven sông.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), mỗi ngày, TP.HCM thải ra khoảng 8.300 tấn rác sinh hoạt, chưa kể hơn 3.000 tấn rác công nghiệp, y tế và xây dựng. Ngoài hệ thống công lập (do các công ty môi trường đô thị, dịch vụ công ích quận huyện thực hiện) chỉ chiếm 40%, thì hệ thống thu gom rác dân lập (cá nhân, nghiệp đoàn, hợp tác xã vệ sinh môi trường) thực hiện đến 60% khối lượng chất thải rắn tại các hộ gia đình.
Công tác quản lý lực lượng thu gom này với 4.000 công nhân và hơn 2.000 phương tiện thô sơ (xe ba gác kéo, xe lam, xe tải nhẹ, thùng 660 lít, xe tự chế…) được giao cho UBND phường xã.
Tại kỳ họp bất thường của HĐND TP.HCM, sở nhìn nhận chưa quản lý được lực lượng thu gom rác dân lập. Họ hoạt động mang tính tự phát, nhỏ lẻ, ý thức chưa cao, dẫn đến có khi không hợp tác với chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách quản lý, như việc không thu gom đúng tần suất dẫn đến rác tồn đọng trên đường phố. Chưa kể, phương tiện thu gom dân lập cũ, không đồng bộ, cơi nới làm rơi vãi, rò rỉ nước, rác trong lúc vận chuyển gây mất mỹ quan.
Sự phân chia địa bàn của lực lượng dân lập không đồng đều, dẫn đến tình trạng thu gom “da beo”. Quản lý nhà nước kém còn thể hiện qua việc hầu như quận huyện chưa xử lý vi phạm hành chính.
Dẹp một trạm trung chuyển, mọc lên hàng loạt “điểm hẹn”
Một hộ kinh doanh tại chợ Phú Lâm (Q.6) cho biết, sau chiến dịch dọn dẹp lòng lề đường, Công ty Công ích Q.6 lại “chọn” bên hông chợ (đường Tân Hòa Đông, P.14, Q.6) một điểm làm nơi trung chuyển rác từ trong chợ thải ra. Bà con xung quanh không thể nào chịu đựng được mùi hôi thối bốc ra từ khu vực này.
Người dân xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè tiếp tục kêu về mùi hôi “tái phát” từ bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh). Theo người dân, mùi nặng hơn trước; khi gió thổi từ hướng Đa Phước thì không ai có thể chịu được.
Vẫn theo Sở TN-MT, công tác vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cũng tồn tại những “vấn đề”. Việc kết nối giữa thu gom tại nguồn và vận chuyển không đồng bộ dẫn đến kéo dài hoạt động tại các điểm hẹn quá quy định 1 giờ hoặc để rác tồn đọng gây ô nhiễm.
Có đến 70% trạm trung chuyển không được đầu tư công nghệ ép rác tươi, 30% trạm chưa được đầu tư hệ thống xử lý môi trường ảnh hưởng lớn đến dân cư xung quanh. Nhưng cứ bỏ một trạm trung chuyển thì lại phát sinh hàng loạt điểm hẹn khác. Những điểm hẹn này lại thường xuyên bị di dời do dân kêu than và ảnh hưởng giao thông.
Tại kỳ họp, đại biểu HĐND TP.HCM đã biểu quyết xây dựng lộ trình cụ thể để đến năm 2025 phải giảm tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng chôn lấp xuống còn 20-25%; các trạm trung chuyển phải sử dụng công nghệ khép kín, đạt chuẩn; đến 2020, chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.
Theo đại biểu Vương Đức Hoàng Quân, cần thay đổi nhận thức người dân bằng tuyên truyền, vận động đi đôi với biện pháp chế tài. Trong khi đó, đại biểu Trần Quang Thắng cho rằng, cần phải tiếp tục kiên trì thực hiện việc phân loại rác tại nguồn đồng thời, đưa ý thức bảo vệ môi trường, cách thức phân loại rác vào nội dung chương trình học đường.
Tại TP.HCM, hiện có hai khu xử lý chất thải rắn: Khu liên hợp Tây Bắc (huyện Củ Chi) có diện tích 687ha với tổng công suất xử lý 4.200 tấn rác sinh hoạt/ngày và Khu liên hợp Đa Phước (huyện Bình Chánh) diện tích 614ha, công suất 5.000 tấn/ngày. Công nghệ tại các khu xử lý này chủ yếu là chôn lấp (chiếm 76%), dẫn đến phát sinh mùi hôi và nước rỉ rác ra môi trường.
|
Quốc Ngọc