Ý thức mỗi người làm nên giá trị của lễ hội

11/01/2023 - 06:17

PNO - Từ thời xa xưa, mỗi cộng đồng cư dân, tộc người đều có riêng những lễ hội của cộng đồng mình. Lễ hội xuất hiện trước cả khi có chữ viết và các loại hình nghệ thuật khác. Nói như thế để thấy rằng, lễ hội xuất phát từ nhu cầu cuộc sống và là hoạt động văn hóa không thể thiếu của cộng đồng.

Những lễ hội dịp đầu năm mới không chỉ có ý nghĩa tâm linh, hướng về nguồn cội mà còn để vui chơi, giải trí, gắn kết cộng đồng. Ở Việt Nam, các lễ hội lớn thường được tổ chức vào tháng Giêng, như hội chùa Hương, lễ hội Gióng, lễ hội Gò Đống Đa (TP Hà Nội), hội phết Hiền Quan, lễ hội đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), hội Lim, lễ hội Bà Chúa Kho (tỉnh Bắc Ninh) lễ Khai ấn đền Trần, lễ hội Phủ Dầy, lễ hội chợ Viềng (tỉnh Nam Định), lễ hội Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh)…

Lễ khao quân ở hội Gióng đền Phù Đổng
Lễ khao quân ở hội Gióng đền Phù Đổng

Những năm gần đây, bên cạnh niềm vui, lễ hội còn phơi bày tình trạng bát nháo, chụp giật,  bạo lực. Xưa, các lễ hội chỉ diễn ra trong một làng hay một cộng đồng cư dân. Còn hiện nay, nhiều lễ hội đã được đại chúng hóa, trở thành lễ hội văn hóa lớn của cả nước, được khai thác và quảng bá nhằm thu hút du khách. Điều này giúp lễ hội được duy trì, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế của các địa phương, nhưng mặt khác cũng khiến ý nghĩa thật sự của các lễ hội dần phai nhạt. 

Lượng người tham dự quá đông đã dẫn đến cảnh cãi vã, xô đẩy, chen lấn, thậm chí đánh nhau, giẫm đạp nhau gây thương tích để cướp ấn, cướp lộc, cảnh đốt vàng mã, rải, nhét tiền lẻ khắp nơi trong khuôn viên đền, chùa.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; các địa phương, ban tổ chức lễ hội đều có các hoạt động tuyên truyền cũng như ban hành quy định xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm. Thế nhưng, nhiều năm qua, mọi việc vẫn đâu vào đấy. 

Việc xử lý các vi phạm, các vấn đề phát sinh, biến tướng từ lễ hội chỉ mới là giải quyết phần ngọn. Gốc rễ của vấn đề nằm ở sự thiếu hiểu biết, việc thực hành tín ngưỡng sai lệch của một bộ phận người dân. 

Tục cướp lộc, cướp phết xưa vốn là nghi thức văn hóa trong các lễ hội truyền thống của một làng, một cộng đồng cư dân. Vật thiêng được “cướp” ấy có giá trị riêng với cộng đồng thực hành tín ngưỡng và chỉ mang tính biểu trưng. Thế nhưng ngày nay, khi lễ hội được đại chúng hóa, vật thiêng trở thành vật để số đông tham gia muốn sở hữu, với niềm tin “được lộc”. Thậm chí, hoa, bánh cũng bị tranh giành, cướp đoạt chỉ vì người dự lễ hội cho đó là “lộc thiêng”. Việc rải tiền lẻ cầu may cũng xuất phát từ niềm tin mù quáng rằng mình sẽ được “chứng”. 

Chính những sai lầm trong nhận thức đã dẫn đến sự lệch lạc trong cách hành xử, ứng xử. Một điều rất đáng lên án nữa là tình trạng rác thải tràn ngập khắp nơi mỗi khi lễ hội kết thúc. Điều này chứng tỏ ý thức rất kém của đại bộ phận người dân. 

Chế tài, xử phạt là điều cần thiết khi người dân chưa thể có nhận thức tốt. Vai trò quản lý, điều tiết của ban tổ chức lễ hội, các cơ quan quản lý địa phương cũng vô cùng quan trọng. Họ có thể cân nhắc, điều chỉnh chương trình để những nghi thức thực hành tín ngưỡng vẫn giữ được bản sắc, lan tỏa giá trị truyền thống mà không bị biến tướng, gây phản cảm. 

Trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, lễ hội đền Trần đã không diễn ra phần hội và ban quản lý đền đã bố trí khu vực riêng để phát ấn cho người dân trong trật tự. Đó là một hình ảnh đẹp và gần như chưa từng có tiền lệ của lễ hội Khai ấn đền Trần. 

Hy vọng rằng, trong dịp đầu năm mới này, người dân sẽ bước vào mùa lễ hội với tâm thế mới, có hiểu biết và ý thức hơn. Ứng xử văn hóa, văn minh của cộng đồng góp phần làm nên giá trị, linh hồn của lễ hội. Điều đó cũng thể hiện văn hóa của cả cộng đồng, quốc gia, dân tộc.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI