PNO - PN - Gia đình - thiết chế cơ bản và bền vững nhất của xã hội loài người, có phải đang đứng trước những thử thách? Những giá trị của gia đình có được gìn giữ bền vững? Có hay không một tương lai “không gia đình” cho một...
Nhiễu loạn vì tiền?
Một người thầy đi tư vấn cho học trò chọn ngành chọn nghề, trả lời mãi một câu hỏi: “Thầy ơi, nghề nào mau nổi tiếng nhứt/ kiếm được nhiều tiền nhứt?”, đã ngao ngán mà than thở rằng, mười mấy năm đi làm hướng nghiệp, chưa bao giờ gặp một lớp trẻ khao khát tiền bạc và danh vọng như bây giờ! Không chỉ một góc, một mảng nào đó, mà gần như cả xã hội đang nhiễu loạn vì những giá trị kim tiền, từ trẻ đến già, từ nông thôn đến thành thị. Một khi sự nhiễu loạn đã lan đến tận mỗi gia đình, là đã đến mức sâu rộng, cần lên tiếng, cần báo động, cần phải điều chỉnh kịp thời, để còn lưu giữ được nếp nhà, và cũng để cái nếp nhà ấy được phát triển, hiện đại, phù hợp hơn.
Đồng tiền đã thành một thế lực đáng sợ. Song đây không phải là điều mới mẻ. Sự băng hoại vì tiền của nền tảng đạo đức nói chung đã diễn ra từ thời… đồng tiền xuất hiện, và vẫn luôn là một mối lo thường trực của xã hội. Cuộc đấu tranh giàu nghèo, thiện ác bao đời nay vẫn ở trong thế bất phân thắng bại tuyệt đối. Vì vậy, nếu chỉ nhìn vào những câu chuyện, những nhân vật, để kết luận gia đình nhiễu loạn vì tiền, vì vật chất, thì chắc rằng không có thêm được gì mới, cũng sẽ không có biện pháp nào mới để cải thiện tình trạng này.
Đúng hơn, đồng tiền chỉ là một chất xúc tác làm cho phản ứng tan rã, nhiễu loạn các giá trị gia đình trở nên mạnh hơn, nhanh hơn. Gốc rễ sâu xa của sự nhiễu loạn này nằm ở sự thay đổi các bậc thang giá trị - điều mà một bạn đọc đã chỉ ra khi nói về một xu hướng sống, khi những giá trị tính bằng đô la, bằng tỷ đồng… dán trên người những nhân vật nổi tiếng “càng thúc đẩy người ta nhăm nhăm kiếm tiền, nhiều lúc không vì túng thiếu, mà nhằm khẳng định bản thân, mà đôi khi trước hết là để không bị chính những người thân yêu nhất trong gia đình khinh bỉ”. Trước những thay đổi trong các bậc thang giá trị đó, có lẽ, nên trở về xem xét giá trị cốt yếu nhất, cơ bản nhất của gia đình, để từ đó có một nền tảng cơ bản, bền vững hơn - khởi đầu của những bậc thang giá trị phù hợp hơn.
“Tái sản xuất con người” - giá trị cơ bản và bất biến của gia đình
Gia đình tồn tại từ thời nguyên thủy cho tới nay, không phụ thuộc vào cách kiếm sống: một gia đình săn bắt hái lượm sống trong hang động và một gia đình nghiên cứu khoa học sống ở căn hộ cao ốc về cơ bản đều có chung cấu trúc (vợ chồng, cha mẹ, con cái) và chức năng.
Các nhà xã hội học có nhiều định nghĩa khá thú vị về gia đình, các định nghĩa đều có một điểm chung: gia đình là một tổ chức thực hiện tính tất yếu của xã hội về tái sản xuất con người. Điều này cũng có nghĩa là con người được “sản xuất” từ gia đình, về cả nghĩa sinh học lẫn nghĩa xã hội. Muốn “tái sản xuất” tốt, cần có những khuôn mẫu tốt, những quy trình phù hợp. Cha mẹ, ông bà… chính là khuôn mẫu ấy, thực hiện quy trình ấy. Một đứa trẻ sinh ra cần được dạy lòng kính trọng, lòng hiếu thảo, tình yêu thương… Khi tách thế hệ ông bà ra khỏi gia đình, hình thành những gia đình hạt nhân chỉ có hai thế hệ, cũng đồng nghĩa với việc cái khuôn sẽ mỏng đi, yếu đi một chút. Mặt khác, khi gia đình chỉ có một hoặc hai con, cũng đồng nghĩa với việc nguyên liệu trong khuôn và cả quy trình đều được thực hiện ít nghiêm ngặt hơn. Từ đó, sản phẩm hình thành có thể sẽ khác đi, không như hình dung, không như mong muốn. Đến lượt những sản phẩm này trở thành khuôn mẫu, những thế hệ tiếp theo ra đời lại càng khác biệt nhiều hơn…
Vậy nên, xét cho cùng, nỗ lực xây dựng những giá trị của gia đình chính là nỗ lực của cha mẹ. Nỗ lực đó thể hiện trong từng hành động, suy nghĩ, từng ngày trong đời sống gia đình. Tất nhiên, cuộc sống luôn có những ngoại lệ, luôn có vài sản phẩm cá biệt dù “quy trình sản xuất” chặt chẽ đến mức nào.
Nếu nhận thức được giá trị tái sản xuất con người của gia đình, sẽ bớt hoang mang hơn trước những hiện tượng xảy ra trước mắt. Giá trị gia đình nằm trong mỗi cá nhân và nằm trong những giềng mối ràng buộc những cá nhân đó. Mỗi cá nhân đều giữ một phần giá trị của gia đình, nhiều ít, nông sâu có khác nhau, nhưng nếu ai cũng ý thức về điều đó, những giá trị sẽ không dễ dàng bị mai một hay bị nhiễu loạn. Không bao giờ là quá muộn trong việc xây dựng và củng cố các giá trị này. Bởi lẽ, con người trưởng thành trong suốt cuộc đời dài của mình, và sự trưởng thành của mỗi cá nhân cũng ảnh hưởng đến các giá trị mà gia đình họ đang có, sẽ có.
Để những cánh cửa luôn luôn mở rộng
Cần nhìn nhận sự thay đổi của xã hội như một nguồn lực tác động đến các giá trị gia đình. Ví dụ, trong các gia đình truyền thống nông nghiệp, tuổi tác, kinh nghiệm, nếp nhà là những giá trị được coi trọng, vì quần thể cư dân sống ổn định ở một địa phương, sản xuất nông nghiệp đòi hỏi sự am tường cặn kẽ về ruộng đồng giống má… - những thứ mà tuổi tác và kinh nghiệm mang lại cho con người. Vì vậy, sự nghe lời, sự tuân thủ là một trong những yêu cầu đầu tiên của “nếp nhà”. Nhưng trong một gia đình thành thị, gia đình đa quốc gia như hiện nay, không gian sống thay đổi thường xuyên hơn, chính sự năng động, sáng tạo, không thành kiến, chấp nhận sự khác biệt… lại là những yêu cầu của một “nếp nhà” hiện đại.
Gia đình vốn được đặt nền tảng trên tình yêu thương và chia sẻ trách nhiệm giữa hai con người, nếu giữ được vững bền nền tảng đó, những giá trị gia đình sẽ được gìn giữ tốt hơn: người trong một nhà có thể chia sẻ tình yêu thương, lòng kính trọng, hiếu thảo với mẹ cha, chia sẻ thành bại, rộng lượng cảm thông với những thành viên mới, và bao dung đón về những kẻ lạc lòng… Thực tế, khi người ta vượt qua những khó khăn về kinh tế, nhu cầu vật chất được thỏa mãn, nguyên nhân “nhiễu loạn vì tiền” sẽ không còn là nguyên nhân chính nữa.
Tầm quan trọng của gia đình, giá trị của gia đình… là những điều đã được khẳng định qua diễn đàn này. Xã hội, pháp luật có những tổ chức, những quy định nhằm điều chỉnh mối quan hệ gia đình và giữ vững truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Nhưng trên tất cả, vẫn là ý thức của mỗi cá nhân.
“Trên thương trường có mệt mỏi gì thì tìm về thiên nhiên, gia đình sẽ được chữa lành hết”, anh Nguyễn Văn Mết, Tổng giám đốc Công ty Met Foods nói.