Ý thành ổ dịch, du học sinh Việt tiến thoái lưỡng nan

11/03/2020 - 07:15

PNO - Ý đang trở thành “ổ dịch mới” của thế giới với số ca nhiễm cũng như số ca tử vong tăng lên mỗi ngày. Ngoài một số du học sinh đã kịp về nước trước thời điểm bùng phát dịch, đa số du học sinh Việt Nam tại Ý hiện trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Xôn xao về hay ở

Ngay khi COVID-19 thâm nhập vào lãnh thổ Ý, cũng như người dân trong nước, du học sinh Việt Nam ở Ý cũng bắt đầu xôn xao chuyện về hay ở lại. Trên nhóm Hội Sinh viên Việt Nam tại Ý, các sinh viên thường xuyên có những chia sẻ, trao đổi với nhau về tình hình dịch bệnh. 

Người thì tặng khẩu trang, người thì thú nhận “có trữ đồ vì sợ đói”… Lại cũng có người chia sẻ kinh nghiệm về nước vì “cảm thấy bất an khi ở đây”, “về nước, khai báo y tế rồi cách ly, vẫn an toàn hơn”. Nhiều nhất vẫn là những câu hỏi nên về hay ở lại vào lúc này; thậm chí có bạn đang ở trong “vùng đỏ” còn… đặt cược, chấp nhận làm mọi giấy tờ liên quan để được về nước. 

Khử trùng tại khu vực tòa nhà ở Rome ngày 8/3 - Ảnh: AP
Khử trùng tại khu vực tòa nhà ở Rome ngày 8/3 - Ảnh: AP

Từ Ý, Mai Trang (27 tuổi, Trường đại học Unimore, TP.Modena) cho biết: “Hai ngày đầu bùng dịch, ba mẹ gọi điện sang liên tục, giục về nước. Tôi khá hoang mang không biết nên quyết định ra sao. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tình hình, thấy rằng trên chuyến bay về đó, rất có khả năng lây nhiễm cao nên ở lại vẫn hơn. Sau sắc lệnh đóng cửa ngày 8/3, bây giờ tôi có muốn về cũng không được nữa rồi”.

Ngọc Ánh (25 tuổi, Đại học Uniurb, TP.Urbino) kể lúc đầu, cô bị các bạn trong lớp phản đối về việc phòng bệnh. Họ bảo “làm quá lên”. Đến khi nước Ý “toang thật rồi” (theo cách nói của các bạn trẻ đối với một sự việc trầm trọng - PV), các bạn lại nói: “Biết sao bây giờ, tự cách ly ở nhà thôi”.

May mắn, Ánh kịp tốt nghiệp trước khi dịch bùng phát. Giờ đây, cô chỉ phải hoàn tất một số thủ tục, giấy tờ, thẻ lưu trú; tuy nhiên, hiện tại, trường học đóng cửa. Ngay ngày đầu tiên Ý bùng dịch, gia đình Ánh gọi điện sang; bàn đi bàn lại rồi thống nhất không về. Dù thế, với diễn biến như hiện nay, Ánh cũng không tránh khỏi lo lắng.

Ánh nói thêm, với sinh viên có đợt tốt nghiệp vào tháng Tư tới, vừa có thông tin nhà trường sẽ cho sinh viên bảo vệ bằng hình thức online; song, tới nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Biết lịch tốt nghiệp, có những sinh viên đã lên kế hoạch đặt vé về nước, giờ lại lưỡng lự không biết phải làm sao.

Tự cứu lấy mình trước

Q.C., đang theo học thạc sĩ một trường đại học tại TP.Modena lại “tạm thở phào” khi ngày 21/2, TP.Modena “thất thủ” vì dịch thì ngày 20/2, cô theo chồng đi công tác. Hiện tại, cô vẫn “không dám về trường”.

“Ý chia thành hai vùng. Càng xuống miền Nam càng nghèo, càng lên miền Bắc càng giàu. Dân Ý lên miền Bắc lập nghiệp rất nhiều. Khi dịch bệnh bùng phát, cộng thêm sắc lệnh phong tỏa mới, có nhiều thanh niên miền Nam đang sinh sống ở miền Bắc tháo chạy về nhà, tốc độ lây lan dịch sẽ nhanh hơn”, Q.C. nói về điều khiến cô sợ hãi nhất.

Cô cho biết, có những du học sinh chọn ở lại, cũng có người chọn về nước trong một hoặc hai ngày tới. Tuy nhiên, hoang mang nhất là các du học sinh đang ở trong “vùng đỏ”. Không ít bạn chỉ biết tiếng Anh, không biết tiếng Ý, độ hoang mang càng cao.

Ngoài ra, có một số sinh viên chủ quan tháng Ba, tháng Tư tốt nghiệp nên không mua bảo hiểm y tế của năm, giờ có phát sinh gì về sức khỏe sẽ rất… mệt mỏi. 

Mai Trang ở trong phòng đơn ký túc xá của trường nên cũng tiện cho việc tự cách ly. Khu vực Trang sống có ba bạn du học sinh Việt. Những lúc ở một mình, lo lắng quá, cần người tâm sự; cũng đành “video call” (gọi trực tuyến) với nhau. 

Phương châm của Ánh cũng là: “Không di chuyển, không đi bất cứ đâu, dù có là tâm dịch đi chăng nữa; vì càng đi càng lây lan”. Ánh hạn chế ra đường, 7-10 ngày mới ra ngoài mua đồ một lần.

Cả Ánh và Trang đều thống nhất rằng: “Trước khi ai cứu mình thì phải tự cứu. Đó cũng là cách bảo vệ sức khỏe cộng đồng”. 

Ông Phạm Hùng Vương, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Ý:

Chưa có công dân Việt Nam nào ở Ý nhiễm COVID-19

Theo cập nhật mới cuối tháng 12/2019, ở Ý có khoảng 900 sinh viên Việt Nam đang theo học ở các cấp, cũng như sinh viên trao đổi ngắn. Từ hai tuần trước, sinh viên đã được nghỉ học tại nhà, được học bù bằng các hình thức trực tyến. Lúc đầu, tâm lý của mọi người có chút xáo trộn, có người đã đặt vé về Việt Nam ngay. Một số trường có sinh viên qua đây liên kết, trao đổi với trường bên này cũng đã khuyến khích và kêu gọi sinh viên về nước.

Hiện tại, Ý đã bị phong tỏa trên toàn quốc nên việc bay về Việt Nam là bất khả; các bạn cũng không có ý định về nước nữa. Thêm vào đó, sinh viên còn phải suy nghĩ do liên quan đến những vấn đề như: hợp đồng nhà còn dang dở, thẻ cư trú sắp hết hạn hoặc đang trong quá trình làm mới.

Trong tình cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hội Sinh viên Việt Nam tại Ý cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Ý đã có phương án hỗ trợ và bảo hộ công dân của mình. Ngay từ ngày đầu tiên có dịch, Ban chấp hành Hội Sinh viên đã có những thông báo chính thức trên group Facebook để khuyến cáo sinh viên cũng như đề xuất những biện pháp phòng tránh. Đại sứ quán cũng đã thành lập đường dây nóng để hỗ trợ công dân Việt Nam tại Ý. Hội Sinh viên cập nhật thường xuyên các bản tin của Đại sứ quán để phổ biến tới sinh viên và các chi hội sinh viên. Thêm vào đó, cũng dịch những văn bản hướng dẫn bằng tiếng Ý sang tiếng Việt để phổ biến cho anh chị em. 

Hiện công dân Việt Nam tại Ý cũng như sinh viên Việt Nam chưa có ai bị nhiễm. 

 Cốc Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI