Dịch COVID-19 đợt 4, TPHCM chịu ảnh hưởng nặng nề, tính đến nay, đã có hơn 100.000 ca nhiễm. Để đẩy lùi dịch bệnh, nhiều bệnh viện thu dung được xây dựng cấp tốc, lực lượng y tế cũng tăng dần, kể cả y, bác sĩ về hưu, giảng viên, sinh viên các trường đại học… đều tham gia chống dịch. Trong bối cảnh đó, nhiều bệnh viện tư nhân đã chuyển đổi công năng để cùng chung lưng đấu cật.
Từ tham gia tư vấn, hỗ trợ bệnh nhân…
Q.Gò Vấp đánh dấu cho đợt dịch COVID-19 lần thứ tư tại TPHCM. Dịch bệnh nhanh chóng lan rộng, có thời điểm địa bàn này phải thực hiện Chỉ thị 16 làm người dân lo lắng. Đặc biệt, khi tại đây có ca tử vong, ai cũng thấy bất ổn. Quận có hơn 500.000 người, đa số là dân lao động ở các tỉnh, thành đến tạm trú, nếu hoảng loạn, dịch càng khó kiểm soát. Trước tình huống này, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế Quận Gò Vấp, nhanh chóng lên phương án khống chế dịch bệnh trên mọi mặt trận. Tùy theo tính chất dịch COVID-19 tại các phường, kế hoạch được xây dựng một cách khoa học, sát thực tiễn, nhất là giai đoạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
|
Bệnh viện Điều trị COVID-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức đã tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: Thu Hiền |
Thời điểm đó, đội ngũ y, bác sĩ gặp áp lực vô cùng lớn, nhất là khu cách ly, nơi phong tỏa. Song song với kiểm soát dịch, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 thì giải tỏa tâm lý cho người dân cũng rất cấp thiết. Bác sĩ Nguyễn Trung Hòa triển khai ngay các tổ tâm lý ở tất cả 17 phường, trực tiếp trấn an người dân cũng như bệnh nhân đang điều trị. Để nhanh chóng thành lập tổ tư vấn, ngành y tế địa phương linh hoạt huy động cả y tế tư nhân và chuyên gia tâm lý vào cuộc. Mỗi phường có ít nhất 2 - 3 số điện thoại của bác sĩ, lương y; hoặc bác sĩ đông y ở các phòng khám tư nhân tham gia cùng một bác sĩ của trạm y tế để thiết lập thành một tổ kịp thời lắng nghe, phân tích về dịch bệnh cho người dân.
“Cứ sau mỗi lần bác sĩ khám bệnh xong, chuyên gia tâm lý sẽ đến từng phòng bệnh giải đáp thắc mắc cho người dân. Tất cả chuyên gia tâm lý, bác sĩ đều được tập huấn kỹ về phòng, chống dịch và trang bị bảo hộ đầy đủ khi vào phòng bệnh”, bác sĩ Nguyễn Trung Hòa nói thêm. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, người dân đã bớt sợ hãi dù sống trong “tâm dịch”. Lực lượng y tế, cơ quan chức năng cũng mau chóng khoanh vùng, kiểm soát dịch.
Ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình trạng sức khỏe nhiều người tiến triển nặng do ngại đến bệnh viện khám bệnh. Các bác sĩ cả bệnh viện công lập và tư nhân cùng chung tay, góp sức tư vấn sức khỏe bệnh thông thường cho mọi người. Danh sách bác sĩ tình nguyện tham gia tư vấn lên đến hơn 200 người với số điện thoại cá nhân để kịp thời trả lời khi người dân cần. Các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tư vấn đều cho rằng hầu hết bệnh nhân, người dân bị căng thẳng, áp lực, sợ hãi… có người hoảng hốt và có dấu hiệu sang chấn tâm lý vì cảm giác không an toàn, lo lắng không biết bản thân mình và gia đình có bị dương tính hay không. Nhất là những người phải cách ly tập trung hoặc chờ kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2.
Ngoài ra, người cao tuổi có bệnh nền càng bị vấn đề tâm lý nhiều hơn, thậm chí rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, luôn nghĩ bản thân đã mắc bệnh. Một số người có hoàn cảnh khó khăn, mặc cảm, áp lực không được đi làm, nhiều chi phí như tiền trọ, tiền cơm, sữa cho con… gây ra cảm giác bất lực, thu người… nếu không được giải tỏa sớm sẽ rất nguy hiểm.
… Đến chuyển đổi công năng điều trị bệnh nhân COVID-19
Nhận thấy vai trò của y tế tư nhân cũng như nhu cầu điều trị của bệnh nhân COVID-19 ngày càng tăng, Sở Y tế TPHCM đã huy động các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch; tiếp nhận, cấp cứu và điều trị người bệnh COVID-19 phù hợp với năng lực chuyên môn.
Trước lời kêu gọi của Sở Y tế, nhiều cơ sở y tế tư nhân đã lập tức đăng ký tham gia như: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, Bệnh viện Quốc tế City, Bệnh viện Xuyên Á, Bệnh viện Triều An… với hình thức chuyển đổi công năng toàn bộ hoặc một phần bệnh viện. Tuy gặp một số khó khăn nhưng hầu hết bệnh viện đều thần tốc lên kế hoạch, sớm đáp ứng nhu cầu điều trị COVID-19 của người dân.
Ngày 26/7, ngay khi được Sở Y tế TPHCM cho phép chuyển đổi hoàn toàn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức thành Bệnh viện Điều trị COVID-19 với quy mô 100 giường bệnh, trong đó có 10 giường hồi sức cấp cứu ở giai đoạn 1, lãnh đạo bệnh viện chạy đua với thời gian, chỉ trong năm ngày đã sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, về nhân lực, có hơn 100 bác sĩ của hệ thống y khoa Hoàn Mỹ đã viết đơn tình nguyện tham gia chống dịch, sẵn sàng chi viện cho Bệnh viện Điều trị COVID-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức đáp ứng về chăm sóc người bệnh.
Dù có sự chuẩn bị kỹ càng về nhân lực, thiết bị, lãnh đạo bệnh viện cũng cho rằng chuyển đổi công năng hoàn toàn bệnh viện là một quyết định táo bạo, bởi không thể lường trước được những thiệt hại, cả về nhân lực và tài chính. Lãnh đạo Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ cho biết: “Điều chúng tôi lo lắng nhất chính là trách nhiệm với ngành y tế, với hàng ngàn bệnh nhân sẽ được điều trị tại đây và đặc biệt là sự an nguy của hơn 300 nhân viên bệnh viện và gia đình của họ. Vì vậy, chúng tôi tha thiết đề nghị UBND và Sở Y tế TPHCM dành cho Bệnh viện Điều trị COVID-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời trong công tác chuyên môn, đặc biệt là công tác hội chẩn, tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao, diễn biến phức tạp, nhằm hạn chế tối đa rủi ro đáng tiếc”.
Tính đến nay, các bệnh viện tư nhân đăng ký tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 đã có sự chuẩn bị sẵn sàng và đi vào hoạt động. Trong thời gian này, tùy theo hình thức chuyển đổi, vị trí địa lý, mỗi bệnh viện có sự hỗ trợ chuyên môn, điều phối bệnh nhân… từ các bệnh viện do Sở Y tế TPHCM chỉ đạo. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng, sở hoan nghênh và trân trọng các bệnh viện tư nhân đã chủ động đăng ký tham gia theo mô hình bệnh viện tách đôi hoặc chuyển đổi công năng thành Bệnh viện Điều trị COVID-19.
Trong số các bệnh viện tư nhân đăng ký cùng thành phố chống dịch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức chuyển đổi công năng hoàn toàn thành Bệnh viện Điều trị COVID-19 với giai đoạn 1 là 100 giường bệnh, trong đó có 10 giường hồi sức cấp cứu; ở giai đoạn 2, quy mô được nâng lên 200 giường, trong đó có 20 giường hồi sức. Ngoài ra, Bệnh viện Quốc tế City đăng ký tách một phần bệnh viện với 250 giường. Hiện tại, bệnh viện tách tầng 5 với 50 giường đi vào hoạt động, tầng 6 đang gấp rút xây dựng để nâng số giường bệnh.
Bệnh viện Triều An “tách đôi” dành quy mô 100 giường dành cho bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị một số trường hợp COVID-19 có triệu chứng tại khu cách ly của bệnh viện. Bệnh viện Xuyên Á đăng ký 125 giường, thành lập khu điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện Nam Sài Gòn sau thời gian tạm ngưng hoạt động cũng đăng ký hoạt động trở lại để tham gia công tác điều trị COVID-19 của thành phố.
Sở Y tế TPHCM chia sẻ khó khăn của bệnh viện tư nhân dù chuyển đổi công năng hoàn toàn hay “tách đôi” để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, lãnh đạo các bệnh viện “tách đôi” phải thiết kế và triển khai xây dựng theo mô hình bệnh viện dã chiến tách rời hẳn khỏi cơ sở hiện nay của bệnh viện, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân điều trị bệnh thông thường đang ở nội trú cũng như công tác khám chữa bệnh tại đây.
Ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết: “Tất cả bệnh viện tư nhân đăng ký tham gia công tác phòng, chống dịch đều đủ năng lực để tham gia ở tầng 3 trong hệ thống 5 tầng của thành phố, góp phần chi viện, giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến đầu trong việc chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19. Sở Y tế TPHCM mong và tin rằng sẽ còn nhiều bệnh viện tư nhân khác tiếp tục đăng ký đồng hành với hệ thống các cơ sở y tế của thành phố trong một quyết tâm cao nhất, sớm khống chế được dịch bệnh, góp phần giảm tỷ lệ chuyển nặng và giảm tử vong”. |
Phạm An