Y tế trường học không biết sơ cứu

03/12/2016 - 06:30

PNO - Học trò hiếu động, hay nghịch giỡn nên chuyện bị chấn thương, trầy xước xảy ra như cơm bữa. Tuy nhiên, hệ thống y tế học đường ở TP.HCM hiện nay có như… không.

Khi thủ thư, bảo mẫu thành… nhân viên y tế

Tại một trường tiểu học của H.Bình Chánh, một học sinh nam chạy giỡn bị té gãy tay. Trong lúc cậu học trò kêu khóc vì đau đớn thì nhân viên y tế - vốn là thủ thư kiêm nhiệm, đứng như trời trồng vì… không biết xử lý. May mắn, thầy tổng phụ trách đội đi ngang qua đã giúp băng nẹp, chuyển cậu học trò đi bệnh viện…

Y tế học đường mờ nhạt đến mức đôi khi giáo viên, ban giám hiệu của trường quên luôn sự tồn tại của phòng y tế. Mới đây, em Y.N. lớp 2, Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, bị sốt bỏ suất ăn trưa vì mệt.

Bé báo với bảo mẫu hai lần và nhờ bạn báo thêm hai lần, nhưng bảo mẫu chỉ nói bé nằm nghỉ, không đưa xuống phòng y tế. Bé bị sốt nặng hơn, lừ đừ nên tiếp tục báo với cô, lúc này cô bảo mẫu mới gọi điện thoại cho người nhà đến đón. Bà Y. - bà ngoại của bé đến trường, nhờ cô bảo mẫu đưa bé xuống phòng y tế.

Nhân viên y tế nói với bà: “Bé sốt 380 C, nhưng em không dám cho uống thuốc, chị đưa về nhà xử lý đi”. Bà Y. rất bực, nhưng không cãi vì ngay lúc đó, có một học sinh lớp 3 lên cơn suyễn, ngồi trước cửa, mà nhân viên y tế chỉ biết đưa tay… vuốt ngực bé để bé dễ thở.

Lại có chuyện xử lý, sơ cứu ban đầu không đúng cách không phải lỗi của nhân viên y tế, mà do làm theo lệnh cấp trên. Chị Nguyễn P. - nhân viên y tế một trường tiểu học ở Q.11 bức xúc: “Có một học sinh lớp 4 trong giờ ra chơi đùa giỡn với bạn bị ngã va đầu vào tường chảy máu. Tôi rửa vết thương rồi băng ép quấn băng quanh đầu bé. Khi chuẩn bị chuyển bé đến bệnh viện, cô hiệu phó bắt tôi phải gỡ băng ép ra thay bằng bông gòn, gạc dán băng keo, vì “quấn một cục trông ghê quá, ai nhìn cũng tưởng bị nặng”. Khi vừa gỡ băng ép thì máu phụt ra, bông gòn, gạc và băng keo không giữ được, phải dùng tay giữ. Tôi bị bác sĩ la vì nhân viên y tế mà không biết băng vết thương”.

Học sinh chịu thiệt

Hầu hết trường học đều có phòng y tế, nhưng phần lớn chỉ để đối phó với quy định. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.10 thẳng thắn: “Tuyển một nhân viên y tế có nghề với mức lương nhân viên trường học hai-ba triệu đồng/tháng là bất khả thi. Người thạo việc, giỏi chuyên môn đã đi làm bệnh viện lương cao hoặc có cơ hội phát triển nghề nghiệp”.

Vị này dẫn chứng Thông tư liên tịch của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Y tế năm 2011 quy định nhân viên làm công tác y tế trường học có trình độ từ trung cấp y trở lên thuộc biên chế chính thức của nhà trường. Thực tế nếu có trình độ trung cấp y trở lên thì mấy ai chịu an phận làm ở trường học? "Không tiếng, cũng chẳng được miếng" nên rất khó tuyển những người có chuyên môn, trình độ.

Con số mà Vụ Công tác HSSV, Bộ GD-ĐT đưa ra trong báo cáo công tác y tế trường học, gây ngỡ ngàng: chỉ 30% trường học có nhân viên y tế chuyên ngành, gần 70% còn lại là giáo viên, nhân viên kiêm nhiệm, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Gần đây có quy định về việc tạm ngưng tuyển viên chức y tế trường học, nên y tế học đường vốn đã khó, càng èo uột.

Y te truong hoc khong biet so cuu
Học sinh bị sốt, mệt được chăm sóc ở phòng y tế trường THCS Bình Đông, Q8, TP.HCM

Thầy Nguyễn Văn Tiếng - Hiệu trưởng trường THCS Bình Đông, Q.8 chia sẻ: “Sau khi cô nhân viên y tế của trường nghỉ việc vào tháng 8/2015, chúng tôi rấ t cần nhân viên để chăm sóc y tế, sơ cứu cho học sinh. Nhưng trường không có biên chế mới để tuyển nên đành phải cho nhân viên kế toán kiêm nhiệm. Mãi gần đây mới tuyển được người phù hợp”.

Không có biên chế nhân viên y tế, các trường buộc phải duy trì phòng y tế bằng thủ thư, kế toán, bảo mẫu… làm nhân viên y tế. Khá hơn thì tuyển nhân viên có trình độ sơ cấp dược, nữ hộ sinh, hay những y sĩ đã về hưu làm theo hợp đồng lao động thời vụ. Nhân viên tay ngang nên sơ cấp cứu, xử trí chậm chạp, không đúng cách.

Một bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 2 chia sẻ: “Khi đi tập huấn kiến thức về suyễn cho nhân viên y tế trường học, có nhiều nhân viên còn không biết cách cầm bình xịt cắt cơn suyễn thì làm sao sơ cứu cho học sinh trong trường hợp khẩn cấp”. Chưa kể, nhiều tủ thuốc trường học chỉ có thuốc hạ sốt, giảm đau, bông băng, thuốc đỏ…

Với những người kiêm nhiệm, việc phải gánh trọng trách của nhân viên y tế theo quy định là quá sức. Nhiều trường hợp nhân viên y tế đứng chôn chân tại chỗ khi thấy học trò chảy máu, lên cơn suyễn…

Một bác sĩ nhận định, chuyện người không có chuyên môn y tế phải phụ trách những việc theo quy định y tế học đường như: khám và điều trị một số bệnh thông thường (tiêu chảy, nhiễm trùng ngoài da…); sơ cấp cứu ban đầu, xử lý ngay tại chỗ sớm nhất các tai nạn, biến chứng do tai nạn (chảy máu, gãy xương, ngừng tim, ngừng thở, điện giật, đuối nước, bỏng, ngộ độc, súc vật cắn, dị vật rơi vào mắt, dị ứng, động kinh); khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe học sinh; quản lý hồ sơ sức khỏe học sinh… thì việc không làm tròn, vấp sai sót là chuyện sớm muộn.

Công tác y tế học đường vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Hậu quả là học sinh không được đảm bảo quyền lợi về chăm sóc sức khỏe trong khi tiền bảo hiểm y tế vẫn phải đóng đủ.

Khánh Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI