PNO - Với sự năng động, sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh về nghiệp vụ, ứng xử, lực lượng bác sĩ trẻ tại TPHCM đang được kỳ vọng có nhiều năng lượng mới, định hình, phát triển tốt chuyên môn, đáp ứng nhanh với “y tế thông minh” trong chăm sóc sức khỏe người dân.
Bác sĩ Lý Tú Uyên thực hiện đề án tại Phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Nhi Đồng 1
Sau ngày hội việc làm do Sở Y tế TPHCM tổ chức ngày 15/8, đã có 203/244 bác sĩ trẻ tham dự chọn được nơi làm việc thích hợp. Đây là những bác sĩ đã hoàn thành chương trình đào tạo thực hành 18 tháng tại bệnh viện gắn liền trạm y tế, được cấp chứng chỉ bác sĩ đa khoa.
Trải nghiệm thử thách mới
Là bác sĩ duy nhất trúng tuyển vào Bệnh viện Nhi Đồng 2, bác sĩ Chiêm Tuyết Nhi - Khoa Gây mê hồi sức - chia sẻ: “Tôi chọn Khoa Gây mê hồi sức nhằm thực hiện hóa ước mơ là một phần của ê kíp bác sĩ ngoại khoa”. Nữ bác sĩ tâm niệm, khi bước vào phòng mổ, đứng ở vị trí gây mê, ngoài ý nghĩa được làm nghề thì trách nhiệm rất lớn. Vị trí của bác sĩ gây mê hồi sức là bên trên, hướng phía đầu bệnh nhân. Cũng có ý nghĩa gây mê như đầu vào quan trọng của một ca phẫu thuật. Muốn có một cuộc mổ tốt thì ê kíp gây mê phải chính xác từ khám tiền mê cho đến khởi mê, giúp bệnh nhân ngủ tốt để các bác sĩ phẫu thuật thực hiện. Sau đó, việc người bệnh tỉnh mê cũng phải thật ổn định.
Bác sĩ Chiêm Tuyết Nhi cho biết trong quá trình học, chị được đi thực hành ở nhiều bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Nhi Đồng 2. “Bệnh viện rất chuyên nghiệp từ khâu tổ chức đến khám lâm sàng. Các thầy cô, bác sĩ đàn anh cũng tận tâm, nhiệt tình trong chỉ dẫn, nên tôi thấy mình rất may mắn khi trúng tuyển vào đây”, bác sĩ trẻ nói.
Bác sĩ Lý Tú Uyên cũng đang có những khởi đầu mới mẻ trong sự nghiệp của mình khi chị là 1 trong 2 bác sĩ trẻ vừa trúng tuyển vào Phòng Quản lý chất lượng của Bệnh viện Nhi Đồng 1. Bác sĩ Lý Tú Uyên nhớ lại, gần đến kỳ thi tốt nghiệp tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chị đã nghĩ mình sẽ trở thành bác sĩ cận lâm sàng. Nhất là sau thời gian thực hành 18 tháng tại Bệnh viện Nhân dân 115 và Trạm y tế phường 1, quận 3 vào giai đoạn dịch COVID-19.
Trước khi tham dự ngày hội việc làm, chị tìm hiểu về các lĩnh vực mà bệnh viện cần tuyển dụng. Cô bác sĩ trẻ bị thu hút bởi lĩnh vực liên quan đến đào tạo, quản lý hành chính. “Tại quầy tuyển dụng của Bệnh viện Nhi Đồng 1, thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Văn Niệm - Trưởng phòng Quản lý chất lượng - đã trực tiếp phỏng vấn tôi và cho biết có một số đề án nghiên cứu khoa học đang chờ đợi những bác sĩ trẻ. Nghe đến đây, tôi hơi lo lắng, nhưng bác sĩ Niệm nói rằng nếu thăm khám, chữa trị trực tiếp cho bệnh nhân, thì chỉ có thể giúp đỡ cho một số bệnh nhân. Còn khi tôi làm tốt về quản lý chất lượng, sẽ cải tiến được bệnh viện, giúp đỡ cho nhiều bệnh nhân hơn nữa. Tôi đồng ý ngay” - bác sĩ Lý Tú Uyên kể.
Ngay khi đi làm, cô đã được giao ngay đề án Cải tiến chất lượng thông tin giao tiếp của bác sĩ phòng khám, thời hạn hoàn thành là 10 ngày. “Tôi thật sự bối rối, mặc dù có một người hướng dẫn trực tiếp. May mắn, các anh chị khác cũng rất giỏi, có nhiều tài liệu sát thực tiễn để tôi có thể tìm hiểu, trau dồi. Đến ngày thứ bảy, tôi đã hoàn tất đề án và được nghiệm thu. Giờ đây, tôi đã chính thức được ký hợp đồng thử việc 2 tháng tại bệnh viện”.
Bệnh viện sẵn sàng tạo mọi điều kiện
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Đình Nguyên - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết, Phòng Quản lý chất lượng sẽ tham mưu cho ban giám đốc về công tác quản lý, cải tiến chất lượng trong bệnh viện bao gồm dịch vụ khám chữa bệnh, thủ thuật an toàn, sự hài long của người bệnh… Để làm được điều đó, đòi hỏi nhân sự phải am hiểu về y khoa, hiểu rõ về quy trình. Như vậy, khi tuyển được bác sĩ đã qua đào tạo đa khoa qua 18 tháng thực hành thì kiến thức của bác sĩ được đầy đủ hơn. Từ đó, bác sĩ mới sẽ hiểu rõ hơn việc mình cần làm, rất thuận lợi trong đào tạo.
Bên cạnh đó, đối với ngành y, kinh nghiệm tích lũy từ quá trình học tập, công việc và cuộc sống. Bác sĩ trẻ sẽ mang đến sự năng động, sáng tạo… cho bệnh viện. Các bạn “thế hệ 4.0” còn có thêm nhiều kỹ năng mềm, kiến thức xã hội, giúp định hình và phát hiện tốt hơn trong chuyên môn, ứng xử. Từ đó, việc truyền đạt thông tin cho người nhà, bệnh nhân phù hợp, dễ hiểu hơn.
“Hơn hết, hiện nay ngành y tế đang tích cực triển khai đề án “y tế thông minh”, rất cần sức trẻ. Với khả năng thích ứng nhanh, bác sĩ trẻ cũng có nhiều thuận lợi trong việc cập nhật kiến thức mới. Nhất là khi bác sĩ trẻ đã có kiến thức vững vàng, việc định hướng, đào tạo chuyên sâu cũng sẽ nhanh hơn. Thời gian cống hiến của bác sĩ trẻ cũng nhiều hơn. Từ đó, bệnh viện và ngành y tế sẽ có nhiều đổi mới theo hướng tích cực, mang lại chất lượng phục vụ người dân tốt hơn” - bác sĩ Đình Nguyên nói thêm.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh - thông tin, bệnh viện đã tuyển dụng 5 bác sĩ trong ngày hội việc làm cho các chuyên khoa như hồi sức tích cực, tâm thần, nội thần kinh, vi sinh… Các bác sĩ đã có chứng chỉ bác sĩ đa khoa nên có thể thăm khám ban đầu, khai thác bệnh, lập hồ sơ bệnh án… Ông chia sẻ thêm: “Hiện ở mỗi khoa đều có bác sĩ đầu ngành sẵn sàng đào tạo. Thêm phần các bác sĩ trụ cột của khoa sẽ hỗ trợ, hướng dẫn và huấn luyện để các bác sĩ trẻ trưởng thành, hình thành một ê kíp chuyên nghiệp, cùng nhau phát triển”.
Trong thời gian làm việc, nếu các khoa hoặc bác sĩ trẻ nhận thấy không phù hợp, nếu các chuyên khoa khác có nhu cầu, thì bệnh viện sẽ tạo cơ hội cho bác sĩ trải nghiệm, học hỏi. Thực tế, các bác sĩ trẻ rất năng động, nhiệt tình, làm nghề nghiêm túc nên sẽ là hy vọng lớn cho ngành y tế phát triển. Nếu các bác sĩ có được học bổng, muốn chuyên tu ở nước ngoài, bệnh viện sẵn sàng tạo điều kiện để nhân sự nâng cao kiến thức, tay nghề. “Thực tế, tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã có bác sĩ du học, bởi việc này rất cần thiết trong phát triển bệnh viện nói riêng và ngành y tế nước nhà nói chung” - vị giám đốc bệnh viện bộc bạch.
Không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề
Bác sĩ Chiêm Tuyết Nhi chia sẻ: “Tuy có sự chuẩn bị, nhưng chọn gây mê hồi sức nhi vẫn là thử thách rất lớn đối với tôi. Bởi trong giai đoạn COVID-19, chúng tôi ít có cơ hội để thực hành, còn lĩnh vực nhi khoa gần như là trang giấy trắng. Mặc dù tôi được đào tạo bài bản ở giảng đường, nhưng giữa lý thuyết và thực tiễn dù gì cũng có một khoảng cách. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, phải học hỏi, trau dồi nhiều hơn nữa. Tôi tin với sự chỉ dạy, giúp đỡ của các thầy cô và bác sĩ đàn anh, tôi sẽ được huấn luyện, đào tạo để hoàn thành mục tiêu của mình.
Việc quan trọng nhất tôi cần làm là bổ sung kiến thức về gây mê nhi, nghiêm túc học hỏi để thực hiện tốt công việc theo sự sắp xếp của khoa. Tôi tin rằng bệnh viện sẽ luôn tạo điều kiện cho tôi tiếp cận các kiến thức mới. Tôi cũng sẵn sàng đi học các khóa ngắn hạn để mang những kiến thức mới về áp dụng tốt hơn cho nghề của mình”.
Bác sĩ trẻ đã để lại hình ảnh đẹp trong lòng người dân
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết giai đoạn COVID-19, lực lượng bác sĩ trẻ đã nhanh chóng hòa nhập, lao vào công việc như một cán bộ y tế thực thụ của trạm y tế. Hơn hết, bác sĩ trẻ đã để lại hình ảnh đẹp với người dân địa phương. Hiện nay, phát triển, đào tạo bác sĩ trẻ rất cần thiết, đóng góp vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe người dân. Đặc biệt, những năm gần đây, nhân viên y tế trẻ đã chủ động, linh hoạt triển khai nhiều hoạt động sáng tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, trau dồi ngoại ngữ… để phục vụ công tác khám chữa bệnh ngày một tốt hơn.
Trước thực trạng quản lý, kiểm định nước sinh hoạt ở chung cư còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước chưa bảo đảm, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp.