Y Phụng - Người đẹp trong ký ức

14/04/2015 - 08:08

PNO - PN - Còn nhớ, Y Phụng buồn lắm, đôi mắt đẹp cụp xuống, cười cũng buồn, ngoài kia chiều trôi hun hút. Chị nói ít, chuyện nghề thản nhiên, chuyện đời hồn nhiên. Ngón tay dài, cổ tay thon, xanh xao, mỏng mảnh…

edf40wrjww2tblPage:Content

Y Phung - Nguoi dep trong ky uc

1. Kinh qua hết vinh hoa lẫn thị phi của kiếp cầm ca, cho đến tận bây giờ, Y Phụng vẫn an nhiên như chưa từng vọng động. Như câu hát “Khi bức màn buông, danh vọng hết/ Người về lòng rũ sạch sầu thương/ Người vào cởi áo lau son phấn/ Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường”… Nghe vậy, Phụng cười: “Còn hát đến bây giờ là nhờ tổ còn đãi, người còn thương”.

Y Phụng nhìn hao hao cha - cố nghệ sĩ Minh Phụng - với mũi cao, mắt buồn, vóc dáng sáng trưng. Y Phụng nói: “Mỗi lần về Việt Nam là nhớ ba”. Người đã vào thiên cổ, người ở lại liêu xiêu, xót tiếc. Mất mát vương vít trong ánh nhìn trống không, hẫng hụt trên mười ngón tay ríu lấy góc khăn bàn của chị.

Y Phụng kể: “Nhớ ngày xưa, Phụng mê hát đòi bỏ học, ba Phụng ổng la dữ lắm, ép phải đi học cho thành tài mới thôi”. Nghệ sĩ Minh Phụng không muốn con theo nghiệp xướng ca, nên rất nhiều lần Phụng phải trốn cha đi diễn. Nghệ sĩ Minh Phụng lần ra được thì giận lắm, ngặt nỗi cô con gái bướng ra mặt. Sau, người cha đành xuống nước rằng: “Ba cho con đi hát trong vòng một năm, không nổi tiếng được, không sống được với nghề hát, thì phải theo nghiệp khác cho ba”.

NSƯT Minh Phụng khi ấy chắc mẩm con gái Y Phụng sẽ phải “lui về dưới trướng”, bởi một năm chưa đủ cho một đào hát thạo nghề, huống hồ chi kiếm tìm danh vọng. Y Phụng thấy cha mở đường, mừng quá gật đầu cái rụp. “Cũng biết nghề gian nan lắm, nhưng mà mê quá, nên kệ luôn, được bao nhiêu thì được”, Y Phụng nói, năm đó cô tròn 14 tuổi.

Mang danh là con của “hoàng tử sân khấu”, nhưng Y Phụng không hề được ưu tiên ở bất kỳ sàn diễn nào. Cô bé mới lớn phải bắt đầu bằng việc hát lót, hát không công, để khán giả dần biết mặt biết tên. Có khi, Phụng thay đồ, trang điểm từ 5g chiều, mãi 12g đêm vẫn chưa được bước lên sân khấu, rồi cứ thế, đói lả đi về. Nước mắt rớt xuống rồi lại khô, nhọc nhằn tủi cực chồng lên lớp lớp. Nhiều đêm ngồi hiu hắt trong cánh gà đợi chờ được hát, Phụng nhìn vào bóng đêm trống lốc, mệt nhoài.

“Đi hát tỉnh còn cực hơn gấp mấy lần em ơi, mà chị đi hết, thích quá mà”, Y Phụng cười thành tiếng, trong veo. Thuở ấy, đi hát tỉnh, ca sĩ có tên mới được ngủ khách sạn, nhà nghỉ, ca sĩ bình thường thì ngủ luôn tại rạp hát. Phụng kể, có khi đi tắm, người này phải căng màn canh chừng cho người kia, bởi nơi đồng không mông quạnh, mơ ước gì chuyện tiện nghi. Những chiều tạnh gió, ngồi chụm nhau sẻ nửa hộp cơm, nghe nghẹn ứ nơi lồng ngực, vừa ăn vừa ghẹo chơi cho đỡ tủi. Giọng cười đắng đót, nghe như vỡ đâu đó, lạc đi.

Mùa khốn khó xao xác đi qua, Phụng bắt đầu được trả lương. “Nhớ bận đó đi hát, người ta trả cho ba ngàn. Ba ngàn không nhiều đâu, hình như chưa đủ tiền ăn một bữa, mà Phụng vui khủng khiếp. Phụng cầm tiền về cho mẹ, có ba ngồi kế bên, ba không nói gì, chắc có khóc”. Khổ tận cam lai, nhưng chưa đầy một năm sau, Y Phụng vụt sáng.

Y Phung - Nguoi dep trong ky uc

Cho đến tận bây giờ, Y Phụng vẫn giữ được vẻ quyến rũ và nhan sắc mặn mà

2. 15 tuổi, cô bé Phụng vào thời nổi loạn. Y Phụng thường ăn mặc rất táo bạo, quyến rũ, nhảy múa và trình bày nhiều ca khúc sôi nổi. “Cá tính là bẩm sinh của mỗi con người và khác biệt luôn là điều cần thiết, nhưng cách đây vài chục năm có mấy ai chịu thấu hiểu”, Phụng cười xòa. Và hẳn nhiên, báo chí Sài Gòn thời đó “không tha” cho Y Phụng. Người ta thẳng thừng nêu tên, nêu gốc gác… cô ca sĩ nhỏ ra mà phê bình, lên án. Vốn tính bộc trực, thẳng thắn, Phụng “bơ” luôn.

Nhiều sân khấu, phòng trà sợ bị tai tiếng lây, nên hủy hàng loạt show diễn của Phụng. Duy chỉ có rạp Lao Động của ông bầu Duy Ngọc là “dám” sáng đèn cho cô ca sĩ nhỏ. Thế nhưng, Y Phụng giống như hàng hiếm, đêm diễn nào có cô là rạp Lao Động lại chật cứng khán giả. Ca khúc You’re my heart you’re my soul của nhóm nhạc Modern Talking, cùng phong cách bốc lửa dán nhãn Y Phụng đã trở thành hiện tượng trong làng giải trí thời bấy giờ. Nhận thấy sức hút bất chấp thị phi của Y Phụng, nhiều tụ điểm đã “dạn tay” mở cửa đón cô về. Y Phụng trở thành ca sĩ hạng sao, biểu tượng sexy khi chỉ tròn 15 tuổi.

Công danh lên như diều gặp gió, Y Phụng lập tức được mời đi đóng phim. Phim Những cánh hoa hoang dại của Xuân Cường, Xuân Kỳ đánh dấu bước nhảy đầu tiên của Y Phụng sang lĩnh vực điện ảnh. Và tuy chỉ là vai phụ, xuất hiện vài giây trên màn chiếu bóng, nhưng gương mặt sáng như trăng của Y Phụng đã lọt vào mắt xanh của “đạo diễn phù thủy” Lê Dân. Y Phụng được mời đóng vai chính trong phim Riêng chỉ có anh, sánh cùng các ngôi sao đình đám Lê Tuấn Anh, Diễm Hương. Những năm 1994, 1995 là giai đoạn đỉnh cao của Y Phụng, cô vừa hát, vừa phải đi quay ba, bốn phim cùng lúc, vì nhà sản xuất nào cũng muốn có cái tên Y Phụng in trên bìa quảng cáo.

Công danh rực rỡ, nhưng đời Y Phụng chẳng mấy êm xuôi. Đời không cho ai trọn vẹn bao giờ. Phụng xoay xoay ly nước: “Hồi 15 tuổi, Phụng được chọn vào vai vũ nữ, phải hút thuốc. Để nhập vai, Phụng tập hút thuốc lá, rồi ghiền khi nào không biết. Cực lắm”. Xong phim Đời vũ nữ, Y Phụng không tài nào dứt được thuốc lá. Hút thuốc lá, nghĩa là Y Phụng phản lại hình ảnh một diễn viên lành mạnh; ăn mặc táo bạo Y Phụng bị gắn mác đời tư nhiều phức tạp… Người ta đồn Phụng chích xì ke, gán cho tội giật chồng người khác… Phụng bề ngoài tỏ ra phớt lờ, mà lòng dạ héo hon, biết nói gì cũng không ai chịu hiểu, Phụng hút thuốc như điên.

Rời những cuộc vui linh đình, Phụng hay dựa tường rít thuốc, khói thuốc ấm, mỏng và xanh, tan nhanh tựa hồ như nỗi đau cũng theo đó mà lẫn vào trời. Nghiện thuốc, Phụng xuống sắc rất nhanh. Không thể tiếp tục nương cậy nỗi buồn, Phụng cai thuốc. Lời ca đứt quãng bởi những trận ho không báo trước, nghe lép xép đâu đó trong buồng phổi. Đôi khi ghiền một hơi thuốc lá đến toát mồ hôi, Phụng mím môi kìm nén. Rồi tất cả cũng qua…

“Đời Phụng hả, thị phi nhiều chuyện khó đỡ lắm em ơi. Như hồi ba Phụng bệnh, Phụng cạo đầu, tâm linh mong ba tai qua nạn khỏi, ở nhà hồi lâu thì tóc nhú lên, mới ló mặt ra người ta đồn rầm trời “Y Phụng cắt đầu đinh”, Phụng lại cười mà mắt buồn thiu.

Y Phụng lấy chồng, rồi theo chồng sang Mỹ định cư. Hạnh phúc gãy gánh giữa chừng, Phụng tìm vui trong nghiệp hát. Bây giờ Y Phụng ở Mỹ, thi thoảng về Việt Nam thăm mẹ, lo cúng kiếng cho cha. Y Phụng nói: “Mỗi lần về quê nhìn đâu đâu cũng toàn ký ức”. Danh vọng ngày xưa chỉ còn quẩn quanh trong hoài niệm. Người nghệ sĩ sợ nhất sự lãng quên. May mà nhắc nhớ về Y Phụng, cá tính đó vẫn đậm màu. Phụng bây giờ đẹp nền nã, tóc buông mềm rũ, kể chuyện quá khứ, Phụng cười tới đâu, nghe buồn tới đó. Như có con sông chảy giữa chuyện và người, Phụng đứng một bên bờ lạc lõng, xa lạ với chính mình…

HỒ NGỌC GIÀU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI