|
Công chúa Nhật Bản Ayako |
Trước khi Nữ công tước Sussex Meghan Markle chính thức xuất hiện với chiếc váy cưới bằng lụa của Givenchy trong lễ kết hôn với Hoàng tử Harry, công chúng đã dành hàng tháng để đoán xem ai là người vinh dự thiết kế chiếc đầm cho cô dâu hoàng gia.
Nhưng trước đám cưới của công chúa Nhật Bản Ayako với hôn thê Kei Moriya vào ngày 29/10 (theo giờ địa phương), câu hỏi đặt ra không phải ai sẽ là nhà thiết kế, mà là kiểu kimono cô sẽ chọn, và có lẽ quan trọng hơn cả là trang phục đó có ý nghĩa tượng trưng ra sao?
Theo luật pháp của Nhật Bản, khi kết hôn với Moriya - một nhân viên của công ty vận tải Nippon Yusen KK - Ayako sẽ từ bỏ tư cách hoàng gia và nhận khoản tiền trị giá 950.000 USD từ chính phủ Nhật Bản để làm chi phí sinh hoạt. Nhưng điều đó chỉ làm cho đám cưới được chú ý nhiều hơn.
Nghi lễ và biểu tượng
|
Công chúa Nhật Bản Ayako với hôn thê Kei Moriya taijd Đền Meiji |
Hàng loạt nghi lễ đã được tiến hành trong lễ đính hôn và đám cưới của cặp đôi. Ngày 26/10 vừa qua, Công chúa Ayako đã đến viếng thăm một ngôi đền bên trong Cung điện Hoàng gia và tham gia một buổi lễ chia tay Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko. Trong nghi lễ được gọi là Choken-no-gi, cặp vợ chồng hoàng gia trao đổi chén và đũa với công chúa.
Vào sáng 29/10 theo giờ địa phương, Công chúa Ayako đã đến Đền Meiji để gặp vị hôn phu của cô, mặc một chiếc áo choàng ngoài trời uchiki và hakama, loại quần dài xếp li rộng ở thắt lưng và dài tới mắt cá chân. Ngay sau khi họ gặp nhau, công chúa đổi sang trang phục chính thức, kouchiki, một "chiếc áo choàng nhỏ" với tay áo dài, rộng, và một chiếc váy dài xếp nếp gọi là naga-bakama. Cả hai loại trang phục này đã được giới quý tộc Nhật Bản mặc kể từ thời Heian, giai đoạn năm 794 đến năm 1185.
Đền Meiji không thờ thần, mà thờ Thiên Hoàng Minh Trị Meiji Tenno và Hoàng Thái Hậu Shoken Kotaigo, được xây dựng năm 1920 tại khu phố đông đúc Shibuya, Tokyo. Đền tọa lạc giữa trung tâm Tokyo, bao bọc bởi những tòa nhà cao tầng, nhưng vẫn có không gian xanh mát mẻ từ khu vườn với hàng loạt cây cối, thanh tịnh và tách biệt. Đây cũng là nơi thường được các cặp đôi chọn để tổ chức đám cưới truyền thống diễn ra theo nguyên tắc của đạo Shinto (Thần đạo).
|
Đền Meiji, nơi tổ chức hôn lễ hoàng gia |
Sau lễ cưới, ngày 30/10, cặp đôi sẽ tham dự tiệc tiếp đón có thể diễn ra tại khách sạn New Otani Hotel ở Tokyo với sự hiện diện của Thái tử và Phu nhân, nơi đây, Công chúa Ayako sẽ chính thức trở thành con cái trong gia đình Moriya. Chưa rõ Ayako sẽ chọn mặc gì trong dịp này, nhưng các cô dâu hoàng gia trước đây thường bận váy đầm trắng Tây phương.
Dù vẫn dựa theo tiêu chuẩn thông thường, trang phục cưới của công chúa Ayako được cho là khá giản dị so với kiểu đồ mà phụ nữ từ gia đình hoàng tộc thường mặc trong lễ kết hôn. Họ thường mặc junihitoe - bộ kimono 12 lớp kết cấu rất phức tạp có niên đại hàng trăm năm.
"Nghệ thuật mặc trang phục (trong junihitoe) nằm ở việc làm sao để tất cả các góc cạnh đều được phô diễn đẹp mắt”, Sheila Cliffe, tác giả cuốn sách "Cuộc sống xã hội của Kimono: Thời trang quá khứ và hiện tại của người Nhật Bản” giải thích.
Bà Sheila Cliffe nhận xét, dù đơn giản, trang phục của Ayako vẫn mang đầy ý nghĩa biểu tượng, phù hợp với truyền thống Nhật Bản. Về màu sắc, những tông màu xuất hiện đều được đặt tên theo các loài hoa hoặc cây cối. Lễ phục cưới của nhiều cô dâu Nhật Bản cũng được trang hoàng với hàng loạt họa tiết chúc mừng, chẳng hạn như cây thông, mận và tre, được cho là biểu tượng của sự may mắn.
“Cây thông luôn xanh tốt, tre có thể uốn cong mà không gãy, và hoa mận nở trong mùa lạnh nhất", Cliffe giải thích. Các biểu tượng cho sự trường thọ, như con cò và rùa cũng rất phổ biến.
Đám cưới cho quần chúng
|
Công chúa Nhật Bản Ayako trong trang phục kimono đỏ. |
Ở Nhật Bản, các cô dâu thường đổi trang phục nhiều lần trong lễ cưới và khi tiếp đón khách khứa. Trong các nghi lễ theo phong cách Shinto, phụ nữ thường mặc một bộ shiromuku kimono trắng tinh tươm may bằng lụa và một chiếc áo khoác trắng trang trí công phu với phần tà áo rất dài. Màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết và bắt đầu cuộc sống của cô dâu với gia đình mới.
Theo truyền thống, bộ đồ này được mặc cùng với một chiếc mũ trùm hoặc mũ đội đầu lớn màu trắng, được gọi là tsunokakushi. Nguồn gốc của tsunokakushi không được biết đến cụ thể, nhưng quan niệm dân gian cho rằng chiếc mũ rộng nhằm che giấu sự đố kị và ích kỉ của cô dâu.
Ngoài ra, chiếc mũ còn có ý nghĩa bảo vệ cô dâu khỏi sự xấu xa và điều xui xẻo, và cũng tượng trưng cho sự vâng lời của cô dâu đối với chồng.
Sau buổi lễ, cô dâu đổi từ áo khoác trắng sang một chiếc áo đầy màu sắc. Màn thay đổi trang phục này được gọi là iro-naoshi, nghĩa đen là "sự thay đổi màu sắc".
"Sự thay đổi màu sắc giống như cô dâu đang được chấp nhận vào gia đình nhà chồng. Nó giống như sự tái sinh", Cliffe giải thích.
Và giống như Nữ công tước xứ Sussex đã truyền cảm hứng cho các cô dâu khác mua váy tương tự như đầm cưới Givenchy và chiếc váy Stella McCartney cao cổ mà cô mặc trong buổi tiệc, lễ kết hôn hoàng gia Nhật Bản có thể là khởi nguồn của những xu hướng trên khắp quốc gia.
Cliffe cho hay, khi Công chúa Masako mặc bộ kimono nhiều lớp truyền thống để kết hôn với Thái tử Naruhito vào năm 1993, các cô dâu Nhật Bản cũng ưa chuộng trang phục theo phong cách junihitoe.
Ayako không phải là công chúa đầu tiên trong thế hệ mình có mong muốn rời khỏi gia đình hoàng gia. Tháng 5 năm ngoái, người em họ thứ hai của cô, đồng thời là cháu cả của Hoàng đế, Công chúa Mako, đã công bố kế hoạch kết hôn với luật sư Kei Komoro. Tuy nhiên, cặp đôi tuyên bố trì hoãn cuộc hôn nhân của họ vào tháng 2 năm 2018 với lý do chưa sẵn sàng kết hôn.
Lan Phương (Theo CNN)