Y, bác sĩ xung phong trực chiến để người dân yên tâm đón tết

28/01/2022 - 07:22

PNO - Nhiều y, bác sĩ phải trực phòng, chống dịch COVID-19 trong những ngày tết để đảm bảo cái tết của người dân diễn ra an toàn.

Viết đơn xung phong trực tết

“Cha mẹ, mọi người phải thật khỏe mạnh” là lời nhắn gửi của chị Nguyễn Thị Quỳnh Mai với gia đình ở quê sau khi chị viết đơn tình nguyện trực chống dịch COVID-19 trong dịp tết Nhâm Dần 2022 sắp tới. Quỳnh Mai - 24 tuổi, quê ở tỉnh Hải Dương, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Những ngày qua, nhiều đồng nghiệp của chị cũng thu xếp ổn thỏa việc nhà để đến làm việc tại Bệnh viện Dã chiến số 12 do Bệnh viện Da liễu TP.HCM phụ trách. 

Bệnh viện Dã chiến số 12 trong không khí tết Nhâm Dần 2022 ẢNH: HOÀNG HÙNG
Bệnh viện Dã chiến số 12 trong không khí tết Nhâm Dần 2022 ẢNH: Hoàng Hùng

Chị tâm sự: “Tôi còn trẻ, chưa vướng bận nhiều. Tôi thấy các anh chị đồng nghiệp phải gửi con cho ông bà, người thân để đi chống dịch nên nếu tôi đi trực, sẽ có một anh, chị được ở nhà với con”. Chị kể, năm vừa rồi, chị trải qua lần đầu tiên đón tết xa nhà khi tỉnh Hải Dương có dịch. Chị an ủi mẹ rằng, COVID-19 sẽ chóng qua, năm sau chị sẽ về nhà. Năm nay, khi chị quyết định ở lại Bệnh viện Dã chiến số 12 trực tết, đang phân vân chưa biết phải nói với mẹ thế nào thì mẹ chị gọi điện thoại đến. Chị bối rối, bởi từ khi cùng đồng nghiệp tham gia chống dịch COVID-19, chị chỉ về nhà lúc ông ngoại bệnh nặng. Đó cũng là lần cuối cùng chị được nhìn thấy người ông kính yêu của mình.

Chị thủ thỉ: “Tôi chỉ mong khi mình ở đây chăm sóc cho người bệnh thì ở quê nhà, sẽ có người chăm lo cha mẹ tôi lúc trái gió trở trời. Tôi cũng cầu mong các bệnh nhân ở đây sớm khỏi bệnh để vui tết cùng người thân. Có bệnh nhân nhiều năm mới trở về Việt Nam sum họp cùng gia đình”.

Bác sĩ Lâm Tuấn Khanh (Khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM) cho biết, cận tết, bệnh nhân nhập cảnh có xu hướng tăng so với thời gian trước. Đa phần họ là kiều bào ở các nước về Việt Nam đón tết cùng gia đình nhưng không may mắc phải biến chủng Omicron. Vài người trong số đó có thái độ không được tốt lắm khi không được sớm về nhà với người thân. Do vậy, ngoài điều trị bệnh, các điều dưỡng, bác sĩ cũng phải hết sức tâm lý, lắng nghe, nhẹ nhàng phân tích, tư vấn cho họ. “Hầu như ngày nào bệnh nhân cũng hỏi mình sẽ bị cách ly đến bao giờ. Có người liên tục yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 để sớm có kết quả âm tính, về với gia đình; một số người khóc bởi thời gian họ ở Việt Nam không nhiều. Chúng tôi cũng chỉ biết cố gắng hết sức và cũng rất mong họ hết bệnh, về nhà” - bác sĩ Khanh nói.

Bác sĩ Lâm Tuấn Khanh kiểm tra sức khỏe cho người nhiễm COVID-19 trước khi nhập viện - ẢNH: PHẠM AN
Bác sĩ Lâm Tuấn Khanh kiểm tra sức khỏe cho người nhiễm COVID-19 trước khi nhập viện - Ảnh: Phạm An

Hai năm qua, từ khi lấy vợ, bác sĩ Khanh đều ăn tết trong bệnh viện: “Tất nhiên, ai cũng muốn ở bên nhau trong mấy ngày tết, nhưng lúc này, công tác chống dịch rất quan trọng. Hết dịch, tụi tôi sẽ đi chơi bù”. Nói đoạn, bác sĩ Khanh vội vã khoác đồ bảo hộ đi làm nhiệm vụ. Hôm nay, lại có thêm ba người mắc COVID-19 được phát hiện khi nhập cảnh hồi hương.

Vui tết cùng đồng nghiệp

Kết thúc ca trực, bác sĩ Đỗ Huỳnh Thị Kim Mỹ Hồng (Bệnh viện Dã chiến số 12) cho biết, mọi năm, khoảng thời gian này, chị đang cùng chồng và hai con tất bật dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đồ mới để đón tết. Năm nay, chị nhiều lần điện thoại về nhà dặn dò các con phụ ba quét sân, lau bàn ghế, nhắc chồng thay chị đi thăm hỏi ông bà. Chị xúc động: “Phụ nữ mà, ai cũng muốn chăm chút gia đình, nhất là dịp lễ, tết. Tuy chồng và con hiểu công việc của tôi nhưng cứ tối đến, tôi cũng phân vân vì phải tự tay làm mọi thứ, tôi mới yên tâm. Thương mấy đứa nhỏ cứ hy vọng mẹ sẽ về”.

Một số người Việt ở nước ngoài về quê đón tết, không may mắc COVID-19 phải vào Bệnh viện Dã chiến số 12 điều trị - ẢNH: PHẠM AN
Một số người Việt ở nước ngoài về quê đón tết, không may mắc COVID-19 phải vào Bệnh viện Dã chiến số 12 điều trị - Ảnh: Phạm An

Bác sĩ Trần Bá Tòng (Bệnh viện Dã chiến số 12) kể, do đặc tính công việc nên cuối tuần hay dịp lễ, anh không về quê mà chỉ về vào dịp tết. Đến nay, sau hai tuần nhận nhiệm vụ chống dịch trong dịp tết, anh vẫn chưa báo với gia đình sẽ vắng mặt trong bữa cơm tất niên. Anh nói: “Tôi nhất định sẽ hoàn thành nhiệm vụ, nhưng đến bây giờ, tôi vẫn chưa dám nói với mẹ rằng mình sẽ không về”. Anh muốn nhắn nhủ với mẹ rằng hãy yên tâm bởi lúc này, dịch COVID-19 ở TP.HCM không khốc liệt như hồi tháng 8 - 9/2021, lượng bệnh nhân đã giảm đáng kể và hầu hết mọi người đã được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 mũi 3 nên ít ca chuyển nặng.

Chị Phan Thanh Loan - điều dưỡng của Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Trưởng tua trực Khoa ICU số 2A, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 - cũng cùng các đồng nghiệp viết đơn tình nguyện trực trong mấy ngày tết. Khi chị xin phép ở lại bệnh viện trực tết, mẹ chị hơi buồn nhưng vẫn động viên chị yên tâm ở lại, hết dịch sẽ làm thịt kho hột vịt, bánh tét cho chị. Chị muốn nhắn mẹ rằng hãy yên tâm vì chị sẽ đón tết cùng các đồng nghiệp.

Chị cũng nhắn mọi người luôn tuân thủ quy tắc 5K để bảo vệ mình, người thân cũng như người xung quanh khi vui tết. Ở bệnh viện, nhân viên y tế sẽ cố gắng hết mình để hạn chế tối đa sự lây lan của biến chủng Omicron này ra cộng đồng, nên mọi người hãy yên tâm. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI