Xuyên tâm liên, tưởng rằng đã quên…

02/08/2021 - 11:22

PNO - Rồi cô em kể chuyện thuốc Xuyên tâm liên. Xưa kia, trong chiến tranh, rồi thời bao cấp khó khăn, đau ốm chỉ uống thuốc Suyn-pha và Xuyên tâm liên.

Nghe tin bà con lùng mua thuốc Xuyên tâm liên hỗ trợ phòng trị COVID-19, bà chị chợt nhớ hôm cô em gái người Hà Nội vào chơi, ăn uống lạ bụng bị tiêu chảy đã gọi chị cầu cứu. 

Bà chị mở tủ thuốc (bà chị thuộc phái ngưỡng mộ thuốc ngoại xịn) lấy ra mấy thứ thuốc đắt tiền gửi ngay, nhưng cô em nghe tên thuốc ngoại lắc đầu: “Em không quen mấy cái này. Em biết bệnh em, chị mua cho em ít thuốc… tô mộc. Em uống quen rồi”.

Chị ngạc nhiên: “Nói cái gì? Thuốc đó từ… thời thượng cổ. Làm sao chị tìm thấy giờ này ở TP.HCM?”.

Nhưng để chiều cô em, chị cất công gọi tìm khắp, thì quả nhiên không có. “Hay là nó có ở xó xỉnh nào?”, bà chị than thở. Lúc này, em mới kể ra một loạt thứ thuốc nam, các kiểu ăn kiêng, và hai chị em hai phong cách bỗng cùng nhau khơi ra bao chuyện. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị bảo loài người tiên tiến luôn tìm ra nhiều thứ ngày càng quý, càng tốt, sao cứ “khư khư theo… lang băm”. Cô em bảo: “Úi giời, chị thấy không. Nghĩ cho cùng, cái “nồi nước xông thần thánh” mới thấy các cụ ta giỏi quá. Ai mà lại nghĩ ra được cách trùm mền kín, ôm lấy cái nồi nước sôi sùng sục, chui ra như… con chuột lột mà hít hà.

Toàn lá hương nhu, chanh bưởi, bồ kết, sả, cứ trong vườn có cây gì thơm tho cho vào, nhà quê cho cả lá tre bứt ngoài ngõ cũng được. Bây giờ đại dịch COVID-19, nồi lá xông càng trở nên khó kiếm và… thần thánh trong phòng và trị bệnh.

Rồi cô em kể chuyện thuốc Xuyên tâm liên. Xưa kia, trong chiến tranh, rồi thời bao cấp khó khăn, đau ốm chỉ uống thuốc Suyn-pha và Xuyên tâm liên.

“Ở Hà Nội chị nhớ không, nhức đầu sổ mũi - Xuyên tâm liên, cảm cúm mùa đông - Xuyên tâm liên. Chỗ nào cũng mua được, rẻ rề. Không chỉ Hà Nội, mà sau này cả nước đều quen dùng Xuyên tâm liên. Rồi dần dà không ai thấy “nó” nhiều nữa. Đời sống khá lên, thuốc ngoại đắt tiền và làn sóng tiêu dùng thời thượng đã đánh dạt “nó” nơi nào”. 

Cô em bảo: “Nó là thuốc từ loại cây cồng cộng mọc ở vườn quê, còn có tên gọi là khổ đảm thảo, lá dài như lá cỏ, hoa nhỏ màu trắng phớt tím đỏ, dùng nhiều trong chiến tranh thay kháng sinh”. Bấy giờ bà chị mới vội tra cứu thì reo lên: “Tên khoa học của nó đây này: Androgaphis paniculata. Cả lá thân rễ đều dùng làm thuốc”.

Càng tra, chị càng tá hỏa: “Nó có nhiều trên rừng ở Hòa Bình, có cả shop bán giao hàng toàn quốc. Vậy là, loại thuốc này vẫn sống khiêm tốn đâu đó trong cuộc đời”. Ừ nhỉ, cái nồi nước xông thần thánh. Viên thuốc tô mộc, Berberin, Xuyên tâm liên, dầu cao sao vàng… giờ dịch COVID-19 mới thấy quý hóa. 

Quảng Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI