Xưởng phim Nhật Bản thu hút tài năng của các nghệ sĩ tự kỷ

28/04/2024 - 12:17

PNO - Một xưởng phim hoạt hình của Nhật Bản mang lại sự tự tin cho những người mắc chứng tự kỷ bằng chương trình đào tạo nghề và tạo việc làm cho họ.

Cô Shoko Sakuma đang làm việc trong xưởng phim hoạt hình Shake Hands ở Kyoto - Ảnh: Philip FONG / AFP
Cô Shoko Sakuma đang làm việc trong xưởng phim hoạt hình Shake Hands ở Kyoto - Ảnh: Philip FONG / AFP

Kể từ khi được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ, cô Shoko Sakuma đã phải đối mặt với không ít khó khăn trong công việc của một nhân viên kế toán.

Thế nhưng giờ đây, người phụ nữ 39 tuổi này đang dành tất cả sự quan tâm vào công việc vẽ tranh, vốn là niềm đam mê thời thơ ấu của mình, trong một xưởng phim hoạt hình đặc biệt của Nhật Bản có tên Shake Hands ở Kyoto.

Theo hãng tin AFP, đây là một sáng kiến ​​mang tính đột phá nhằm mục đích tạo việc làm và mang lại sự tự tin cho người mắc chứng tự kỷ. Họ là những người thường xuyên gặp khó khăn trong môi trường làm việc đầy căng thẳng và áp lực ở Nhật Bản.

“Tôi thực sự cảm thấy rất mệt mỏi khi phải làm việc với các con số, dù công việc của tôi là một kế toán viên”, Sakuma cho biết.

Chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và rối loạn phổ tự kỷ (ASD) đã khiến Sakuma gặp khó khăn trong việc tập trung vào công việc sổ sách, tính toán. Tình trạng này ngày càng trở nên tệ hơn, và cuối cùng phát triển thành chứng rối loạn lưỡng cực (Bipolar Disorder), ngăn cản cô đến cơ quan để làm việc.

Cô Shoko Sakuma cảm thấy thoải mái và vui vẻ khi được làm việc tại Shake Hands - Ảnh: Philip FONG / AFP
Cô Shoko Sakuma cảm thấy thoải mái và vui vẻ khi được làm việc tại Shake Hands - Ảnh: Philip FONG / AFP

Kể từ khi chuyển sang công việc mới ở xưởng phim hoạt hình Shake Hands từ năm 2023, Sakuma có thể dành cả ngày làm việc tại một chiếc bàn có vách ngăn với nhiệm vụ thiết kế và bổ sung hiệu ứng kỹ thuật số vào khung hình chính để tạo thành những thước phim hoạt hình anime.

“Công việc này phù hợp với tính cách của tôi, vốn là người chú trọng vào từng chi tiết. Cấp trên và nhân viên ở đây đối xử với tôi nhẹ nhàng, luôn sẵn lòng giúp đỡ. Tôi thấy vui khi được làm việc ở đây”, Sakuma chia sẻ.

Những dạng khuyết tật phát triển (như ADHD, ASD,…) từ lâu đã được nghiên cứu nghiêm túc, và được chính phủ Nhật Bản quan tâm cả về mặt chính sách lẫn nâng cao nhận thức cộng đồng.

Năm 2004, Nhật Bản đã thông qua luật công nhận các tình trạng như ASD, ADHD và khuyết tật học tập, đồng thời yêu cầu trường học phát hiện và có các chương trình hỗ trợ trẻ em cần được chăm sóc đặc biệt.

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp như xưởng phim hoạt hình Shake Hands, hãng phim Ghibli cũng được thành lập và trở thành những câu chuyện điển hình thành công trong việc “xã hội hóa” công tác chăm sóc, hỗ trợ người mắc các dạng khuyết tật phát triển ở Nhật Bản.

Shake Hands chính là đơn vị đã cung cấp chuỗi dịch vụ cho một số bộ phim hoạt hình bom tấn. Mới đây, xưởng phim này cũng giành được đơn đặt hàng từ một công ty ở Malaysia để sản xuất nhiều sản phẩm quảng cáo bằng phim hoạt hình.

Người tự kỷ hoàn toàn có thể làm tốt công việc nếu được tạo cơ hội phù hợp - Ảnh: AFP
Người tự kỷ hoàn toàn có thể làm tốt công việc nếu được tạo cơ hội phù hợp - Ảnh: AFP

Giáo sư Yuji Umenaga công tác tại Đại học Waseda và là chuyên gia về sức khỏe tâm thần nổi tiếng của Nhật Bản hy vọng Shake Hands sẽ truyền cảm hứng cho các sáng kiến ​​khác tiếp tục được hình thành.

“Để giúp tiềm năng của các em được phát huy và tỏa sáng, chúng ta cần cung cấp môi trường phù hợp cho các em ngay từ giai đoạn thơ ấu cho đến khi đi học và đi làm”, GS. Yuji phát biểu, lấy ví dụ tương tự là Exceptional Minds, một xưởng phim hoạt hình của Mỹ ở Hollywood chuyên đào tạo nghề cho học sinh tự kỷ đã thành công với mô hình này.

Nguyễn Thuận (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI