Tri ân 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2023)

Xuống biển, lên non tìm cây thuốc quý: Góp nhặt, nhân rộng các bài thuốc dân gian

26/02/2023 - 06:50

PNO - Những chuyến lên rừng, xuống biển của các chuyên gia dược liệu không đơn thuần là đi tìm cây thuốc mà còn cóp nhặt kiến thức chữa bệnh trong dân gian ở nơi “thâm sơn cùng cốc” để lưu giữ, phát triển, phục vụ cho cộng đồng.

Thạc sĩ Ngô Thị Minh Huyền đang tìm cây thuốc quý trên một ngọn đồi ở huyện Côn Đảo
Thạc sĩ Ngô Thị Minh Huyền đang tìm cây thuốc quý trên một ngọn đồi ở huyện Côn Đảo

Đi tìm "tri thức bản địa"
Từ lâu, người đồng bào dân tộc Raglai (tỉnh Ninh Thuận) đã dùng hạt cây chuối cô đơn (còn gọi là chuối mồ côi, chuối hoa sen) ngâm rượu uống để chữa đau nhức xương khớp. Loài chuối này có điểm đặc biệt là trong 1 bụi, chỉ 1 cây ra hoa, kết hạt rồi chết và loài này sinh sản bằng hạt chứ không nảy con như chuối thông thường.

Năm 2015, ngành y tế tỉnh Ninh Thuận quyết định điều tra về loài cây thuốc này, mời Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM cùng tham gia. Tiến sĩ Lê Văn Minh - Giám đốc trung tâm - nhớ lại: “Lúc đó, có nhiều lo ngại về độc tính của cây chuối cô đơn bên cạnh dược tính. Nếu qua điều tra, nghiên cứu, loài chuối này có dược tính, có giá trị chữa bệnh đúng như bài thuốc dân gian của đồng bào Raglai thì đây là nguồn dược liệu quý, đồng thời có thể mang lại nguồn lợi kinh tế cho người dân Raglai bởi ở vùng rừng Phước Bình này, cây lương thực khó trồng nhưng cây chuối cô đơn lại phát triển rất mạnh”. 

Theo tiến sĩ Lê Văn Minh, đề tài nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây chuối cô đơn Phước Bình là một trong những tiền đề phục vụ cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng các mô hình cây dược liệu cho đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó giúp bà con các dân tộc cải thiện thu nhập và góp phần bảo tồn nguồn cây dược liệu. Qua nghiên cứu ban đầu, chuối cô đơn có nhiều dược tính và có thể là cây dược liệu trọng tâm trong tương lai của tỉnh Ninh Thuận. Đến nay, cây dược liệu này đã được thuần hóa, trồng được trên nhiều loại đất khác nhau nếu có cách thức gieo trồng và chăm sóc phù hợp. 

Năm 2017, sau nhiều chuyến nghiên cứu, điều tra cây dược liệu dưới sự trợ giúp của Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM, ngành y tế tỉnh Ninh Thuận đã thống kê được 1.200 cây thuốc trên địa bàn, đề xuất được một số cây trọng tâm để giúp người dân địa phương làm kinh tế hoặc làm nguồn dược liệu chế biến các sản phẩm chữa bệnh. 

Tiến sĩ Lê Văn Minh cho hay, có thể thu thập “tri thức bản địa” thông qua quá trình điều tra thực địa hoặc thông qua thu thập thông tin trong dân gian, tức là nghe người dân trong vùng kể về đặc tính, dược tính, cách khai thác, chế biến và sử dụng loài cây nào đó: “Từ những tri thức bản địa đó, chúng tôi đối chiếu với các phân tích của mình về dược tính, độc tính của loài và tìm ra cách trồng, thu hoạch, chế biến hiệu quả nhất”. 

Ông nêu ví dụ, loài thanh thiên quỳ ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận được người dân dùng chữa đau nhức xương khớp. Các chuyên gia của trung tâm nhiều lần đến nhà dân quan sát và hỏi thăm cách thu hoạch, phơi, chế biến, cách dùng, liều dùng, từ đó nghiên cứu cách thức để phát huy hết tác dụng của cây thuốc này.

Từ nghiên cứu thực địa và thu thập kinh nghiệm dân gian, nhiều năm qua, Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM đã xác định được hàng ngàn loài cây dược liệu quý hiếm, góp phần làm giàu nguồn tri thức về dược liệu của địa phương và cả nước, đồng thời đưa ra thị trường nhiều sản phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị. 

Các sinh viên y khoa đến tìm hiểu, nghiên cứu về cây thuốc quý ở vườn bảo tồn gen và giống cây thuốc khu vực Nam Bộ (quận 12, TPHCM)
Các sinh viên y khoa đến tìm hiểu, nghiên cứu về cây thuốc quý ở vườn bảo tồn gen và giống cây thuốc khu vực Nam Bộ (quận 12, TPHCM)

“Cũng có nhiều loài cây được người dân qua truyền miệng rằng chữa bệnh rất công hiệu nhưng thực tế lại không có tác dụng hoặc tác dụng đối với gan, thận nhưng được dùng để trị viêm phổi. Do đó, sau khi nghiên cứu, điều tra, chúng tôi có thể giúp địa phương điều chỉnh cách sử dụng và hướng dẫn họ cách gieo trồng hiệu quả hơn, góp phần bảo tồn các loài cây quý” - tiến sĩ Lê Văn Minh nói.

Theo ông, lâu nay, phần lớn dược liệu trong nước phải nhập khẩu. Việt Nam có hệ thực vật đa dạng với lượng cây thuốc khổng lồ nên lẽ ra phải chủ động được về nguồn cung dược liệu, thậm chí xuất khẩu dược liệu. Để làm được điều này, công tác điều tra, làm phong phú danh mục cây dược liệu cần được chú trọng. Công tác này còn giúp ngành y tế Việt Nam xây dựng được biểu đồ loài cây có thể thay thế thành phần dược lý của nhiều loại thuốc nhập khẩu hoặc thay thế các thành phần có nguồn gốc từ động vật. 

Mang rừng thuốc quý về phố 

Hôm chúng tôi đến vườn bảo tồn gen và giống cây thuốc khu vực Nam Bộ (đường Phan Văn Hớn, quận 12, TPHCM), bà Lê Thị Thanh - cư dân phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 - đang đến tìm một số lá thuốc để trị bệnh mạn tính.

Mẫu vật sâm Ngọc Linh quý giá được Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM lưu giữ từ năm 1978 đến nay
Mẫu vật sâm Ngọc Linh quý giá được Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM lưu giữ từ năm 1978 đến nay

Bà kể, gia đình bà có truyền thống làm nghề thuốc Nam. Bà không theo nghề y nhưng cũng được cha dạy cho một số phương thuốc trị bệnh. Khi biết ở gần nhà mình có một rừng thuốc quý, bà thường tới đây tìm lá thuốc để về chữa bệnh giúp người. Bà kể: “Hồi cao điểm dịch COVID-19, cả nhà tôi đều xông bằng cây thuốc ở đây”.

Không chỉ người dân, vườn này còn là nơi để sinh viên ngành y, chuyên gia về cây thuốc đến nghiên cứu, học tập. Hiện tại, nơi đây đang lưu giữ 385 nguồn gen cây thuốc, trong đó có nhiều cây quý hiếm, nằm trong Sách đỏ của Việt Nam.

Theo tiến sĩ Lê Văn Minh, những cây thuốc quý trong vườn này là thành quả của hàng ngàn chuyến lên rừng, xuống biển của các cán bộ, nhân viên Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM trong những năm qua. Trung tâm cũng đang lưu giữ 3.170 tiêu bản thực vật và 498 mẫu vật (408 mẫu khô và 90 mẫu nước). Trung tâm hiện là thành viên mạng lưới quỹ gen bảo tồn cây thuốc của Bộ Y tế và được quy hoạch là cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.

Việc điều tra, nghiên cứu về cây thuốc chỉ là bước khởi đầu, tiếp đó là nhân giống, bảo tồn và phát triển nguồn gen. Theo các chuyên gia về dược liệu, có 2 cách bảo tồn: một là nguyên vị (ngay ở chỗ cây mọc) và hai là chuyển vị, tức là mang về trồng, nhân giống và lưu trữ như đang được làm ở vườn bảo tồn gen và giống cây thuốc khu vực Nam Bộ. 

Cây kim ngân hoa - loài cây thuốc quý - đang được bảo tồn ở vườn bảo tồn gen và giống cây thuốc khu vực Nam Bộ (quận 12, TPHCM)
Cây kim ngân hoa - loài cây thuốc quý - đang được bảo tồn ở vườn bảo tồn gen và giống cây thuốc khu vực Nam Bộ (quận 12, TPHCM)

Theo tiến sĩ Lê Văn Minh, việc chuyển vị được thực hiện ở nhiều nơi, phòng trường hợp nơi này cây chết thì nơi khác vẫn còn. Cũng có nhiều loài không cho phép chuyển vị do cây quá nhỏ hoặc chỉ sinh trưởng trong rừng. Với trường hợp trên, cần phải tạo được môi trường sống mới gần giống với môi trường nguyên bản của loài, mới chuyển vị được. Để phòng tuyệt chủng, có loài, khi nhân giống thành công, trung tâm còn chuyển cây vào rừng trồng thêm.

Theo ông, việc mang một cây thuốc từ trong rừng về trồng ở giữa thành phố không hề đơn giản mà phải trải qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, rút kinh nghiệm về cách trồng, loại đất. Như với loài chuối cô đơn, trung tâm đã gieo mấy trăm hạt, qua nhiều lần “sửa sai”, mới có thể thuần hóa, nhân giống rộng rãi và dễ dàng ở một số điều kiện sinh cảnh như hiện nay. Nhiều giống cây sinh trưởng rất tốt khi ở trong rừng nhưng khi về phố thì lụi tàn dần, như loài lan kim tuyến, giảo cổ lam. 

“Khi tìm được cây thuốc quý, chúng tôi cố gắng bảo tồn và phát triển, bởi nếu cứ để trong rừng, cây sẽ dần tuyệt chủng do người dân có thói quen thu hái kiểu tận diệt. Đa số người dân chỉ quan tâm đến nguồn lợi mà chưa có ý thức bảo tồn” - tiến sĩ Lê Văn Minh nói. 

Được biết, cùng với việc bảo tồn gen, Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM còn số hóa các mẫu tiêu bản thu được để phục vụ cho việc nghiên cứu lâu dài. Mai đây, nếu ai đó tìm được một loài cây mà chưa biết tên, có thể tra cứu dữ liệu của trung tâm để định danh hoặc công bố về loài cây mới trong hệ thực vật nói chung, cây dược liệu nói riêng của Việt Nam. 

Tuyết Dân - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI