Theo bác sĩ điều trị, chị bị hụt canxi và thiếu tinh bột do ăn kiêng, detox một cách cực đoan. Thông tin của chị khiến nhiều cô gái hoang mang. Trong khi đó, theo bác sĩ Cao Thanh Ngọc - Phụ trách Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - chuyện người trẻ ăn kiêng làm cơ thể bị thiếu hụt chất khiến người đau nhức và loãng xương khá phổ biến. Đặc biệt, tỷ lệ người trẻ bị loãng xương ngày càng tăng, trong số những nguyên nhân có việc ăn kiêng, trùm kín mít và lười vận động.
Sau 9 ngày uống sinh tố, xương bị "đóng khung"
Đẹp từ trong ra ngoài bằng thanh lọc cơ thể (detox) là phương pháp đang được rất nhiều chị em lựa chọn. Hiện nay, phương pháp detox bằng sinh tố trái cây trong 10 ngày, 12 ngày đang được lan truyền rộng rãi, trong đó có cả những người nổi tiếng kể lại sự “lột xác” của mình bằng detox khiến các cô gái “tin sái cổ”.
Chị Ch. cũng là một trong những người tin và truyền cảm hứng detox cho bạn bè, người thân và khách hàng của mình. Trước đó, chị Ch. rất hào hứng khoe hành trình detox 12 ngày uống sinh tố trái cây thay cơm. Và chỉ 4 ngày trước đó, chị còn báo cáo kết quả: giảm 2kg, vòng eo xuống 3cm ở ngày detox thứ năm. Thế nhưng, đến ngày thứ chín thì xảy ra chuyện.
|
Bác sĩ Cao Thanh Ngọc đang khám cho bệnh nhân trẻ bị loãng xương |
Chị Ch. viết trên trang cá nhân: “Những ngày đầu detox, Ch. cảm nhận rõ ràng cơ thể mình đang tương tác với mình. Suốt 8 ngày, Ch. sống sót với sinh tố và bữa ăn nhẹ chỉ có chút rau và cá. Ch. đã nghĩ mình detox thành công mỹ mãn, nếu không có vấn đề duy nhất sau đây.
Ngay từ ngày detox thứ hai, nửa đêm tỉnh giấc, Ch. có cảm giác tê mỏi cả người… hễ chỗ nào có khớp là chỗ đó có cảm giác mỏi và cứng đờ. Ch. nghĩ, mình cần phải mạnh mẽ vượt qua cơn đau để vận động, phá vỡ sự cứng đờ đó. Sau đó, mọi thứ lại bình thường và hiện tượng đó chỉ xuất hiện khi vừa thức dậy, Ch. vận động thì nó tan hết.
Lúc đó Ch. đã lờ mờ nghĩ hay là do mình ăn kiêng... nhưng cảm giác đó qua mau. Sáng ngày thứ chín, mình thức dậy và thấy toàn thân cứng đờ. Kiểu như xương khớp đang bị khô cứng. Cảm giác cả cơ thể đang bị “đóng khung” và hoàn toàn bất động. Nếu muốn cử động dù chỉ một chút, Ch. cũng phải cố gắng vượt qua cơn đau. Ch. thử cử động chậm rãi, nhưng mỗi lần nhúc nhích chân tay là các khớp đau như muốn vỡ ra…
Sau khi chỉ định Ch. làm một số xét nghiệm, bác sĩ cho biết, Ch. bị loãng xương. Do Ch. ăn kiêng nên cơ thể thiếu chất, trong đó thiếu tinh bột và canxi trầm trọng nên Ch. mới bị đau nhức khớp. Bác sĩ khuyến cáo Ch. không được detox nữa. Ch. nghe xong khá bàng hoàng. Dừng lúc này thật tiếc, vì nghe đâu mấy ngày cuối là những ngày giảm cân nhanh nhất…”.
Coi chừng tàn phế vì loãng xương
Nhiều cô gái có thói quen khi ra đường, bất kể trời vừa hửng nắng hay nắng gắt cũng đều trùm kín mít như Ninja. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến người trẻ bị loãng xương ngày càng nhiều.
Trước đây, nhiều người vẫn nghĩ loãng xương là bệnh phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh và người lớn tuổi. Nhưng ngày nay, căn bệnh này đã “phủ sóng” đến những người trẻ. Loãng xương gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khiến người bệnh đau đớn, mệt mỏi kéo dài, có thể dẫn đến gãy xương, tăng nguy cơ tàn phế và tử vong, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, gia đình và xã hội. Đặc biệt, loãng xương ở người trẻ, đang trong độ tuổi lao động, càng ảnh hưởng lớn đến công việc và sự nghiệp của người bệnh.
Theo bác sĩ Cao Thanh Ngọc, loãng xương ở người trẻ là loãng xương thứ phát, do nhiều nguyên nhân như: bệnh lý nội tiết, bệnh thận mạn, những bệnh mãn tính về khớp hoặc bệnh tự miễn như lupus, viêm khớp dạng thấp hay hội chứng kém hấp thu, sử dụng các loại thuốc làm mất xương (corticosteroid, thuốc chống co giật…).
Bên cạnh đó, nhiều người trẻ lười vận động, sử dụng nhiều chất kích thích (rượu, bia, cà phê, thuốc lá…) hay các bạn nữ thích ăn kiêng, có thói quen che chắn quá kỹ mỗi khi ra ngoài khiến da không có điều kiện tiếp xúc với ánh nắng mặt trời dẫn đến tình trạng thiếu vitamin D trầm trọng. Những yếu tố này làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, trao đổi chất của cơ thể, cũng như làm mất cân bằng giữa quá trình tạo xương, hủy xương và có thể dẫn đến loãng xương.
Mới đây, Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược tiếp nhận chị Nguyễn Thị X. (38 tuổi, ở Cà Mau) nhập viện với các triệu chứng: đau lưng nhiều, đi lại khó khăn do suy kiệt, teo cơ tứ chi. Chị X. cho biết, cách đây bốn năm chị đã điều trị lupus ban đỏ.
Bác sĩ kê toa và dặn tái khám nhưng vì ở xa, lại thấy toa thuốc có hiệu quả nên chị theo toa cũ uống dài hạn. Gần đây, chị thấy đau vùng lưng nhiều kèm ăn uống kém, sụt cân, mất ngủ nên đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược. Tại đây, chị được chẩn đoán bị loãng xương nặng, gãy xẹp nhiều đốt sống ngực, đốt sống thắt lưng và đái tháo đường, suy thượng thận do tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc có chứa corticoid…
Để có một hệ xương chắc khỏe
Bạn cần cung cấp đầy đủ canxi, vitamin D và các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể theo lứa tuổi và tình trạng sức khỏe. Không nên ăn kiêng, detox bằng cách loại hẳn tinh bột, đạm… Bên cạnh đó, cần thường xuyên vận động và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (chẳng hạn như lúc trời vừa hửng nắng thì không cần che chắn quá kỹ), hạn chế hút thuốc, uống rượu bia, uống thuốc không rõ nguồn gốc hoặc tự ý mua thuốc uống…
Bác sĩ Cao Thanh Ngọc
|
Thùy Dương