Xung quanh ý kiến cho rằng phim “Người phán xử” làm gia tăng tội phạm: Các chuyên gia xã hội học, tội phạm học nói gì?

17/09/2021 - 12:23

PNO - Không phủ nhận phim ảnh có tác động đến hành vi, nhận thức của người khác; tuy nhiên, phải là sự tác động lâu dài, của nhiều yếu tố khác.

Tại cuộc họp góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sáng 14/9, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, Thiếu tướng Lê Tấn Tới cho rằng, hiện nay có một số bộ phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật. Ông đã dẫn chứng phim Người phán xử (phát trên kênh VTV3 vào năm 2017, được phát lại trên kênh VTV1 gần đây) và nhận định: “Mới đây, sau khi VTV1 chiếu phim Người phán xử, thì tình hình các băng nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều”. Ý kiến này gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là giới làm phim.

Từ trái qua: phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia xã hội học Lê Minh Tiến, nhà sản xuất - đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn
Từ trái qua: phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia xã hội học Lê Minh Tiến, nhà sản xuất - đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn: “Thay vì cấm, nên lưu tâm đến những vấn đề tồn đọng của ngành điện ảnh”

Trao đổi với Báo Phụ nữ TP.HCM, nhà sản xuất - đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho biết ông rất chia sẻ và hiểu những lo lắng của Thiếu tướng Lê Tấn Tới trong lĩnh vực an ninh trật tự. Như nhiều nghệ sĩ khác, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cũng muốn thấy một xã hội tốt đẹp. Khi bỏ ra rất nhiều tiền bạc và công sức làm một bộ phim, những nhà làm phim cũng không hề muốn làm ra một phim vi phạm pháp luật, cổ xúy bạo lực, phi đạo đức. Tuy nhiên, quan điểm được nêu ra ở một cuộc thảo luận quan trọng, nếu đi kèm những số liệu, dẫn chứng cụ thể, có cơ sở khoa học, sẽ thuyết phục hơn.

“Đây là một cuộc góp ý về dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, nếu quan tâm thực sự tới ngành điện ảnh, các đại biểu nên lưu tâm tới những vấn đề sâu xa hơn của điện ảnh”, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đặt vấn đề. Ông cho rằng ở xã hội văn minh ngày nay, đối xử với văn hóa không phải theo kiểu trắng và đen. Nghĩa là, không phải chuyện cấm và không cấm.

Về lý thuyết, trên thế giới và ngay cả Việt Nam, đã có hệ thống phim phân loại theo độ tuổi. Nếu câu hỏi được đặt ra: “Phim Người phán xử được chiếu giờ vàng trên sóng đài truyền hình quốc gia, thì VTV đã dán nhãn cảnh báo độ tuổi, hay đã có biện pháp nào kiểm soát độ tuổi của khán giả xem phim hay chưa?”, thì sẽ đúng và sát thực tiễn hơn.

Hiện, dù chúng ta đã có hệ thống dán nhãn phim theo độ tuổi, nhưng trên thực tế chưa có bộ quy định cụ thể cho từng phân loại này. Với mỗi đơn vị duyệt khác nhau, mỗi cá nhân khác nhau, điều đó sẽ được diễn dịch, phán đoán dựa trên cảm quan cá nhân, hơn là dựa trên cơ sở pháp lý; vì thế, dễ sinh ra đánh giá chủ quan, một chiều.

Góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, cá nhân đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn quan tâm nhất là hệ thống phân loại phim, cũng như thẩm quyền của hội đồng thẩm định có được phép yêu cầu nhà làm phim thay đổi nội dung hay không?

“Dịch bệnh khiến các rạp phim đóng cửa, nguồn vốn đầu tư vào điện ảnh trong những năm tới cực kỳ khó khăn. Trên thế giới, phim chiếu rạp đang “chết dần”, và COVID-19 đẩy nhanh quá trình đó lên. Nếu Luật Điện ảnh không sửa đổi kịp, không bắt kịp xu hướng cũng như những thay đổi trong tình hình mới, thì việc kỳ vọng vào ngành công nghiệp điện ảnh được xem là mũi nhọn của các ngành công nghiệp văn hóa sẽ rất khó thực hiện. Thay vì cấm đoán, chúng tôi chỉ xin Nhà nước tạo ra một cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi tiếp tục làm nghề”, đạo diên Nguyễn Hữu Tuấn nói thêm.

Chuyên gia xã hội học Lê Minh Tiến: “Chưa có nghiên cứu nào chứng minh một bộ phim làm gia tăng tội phạm”

Dưới góc độ xã hội học, chuyên gia xã hội học Lê Minh Tiến nói, truyền thông đại chúng có thể ảnh hưởng đến các hành vi lệch lạc trong xã hội. Bạo lực trên truyền thông đại chúng có tác dụng ngược, đó là “hợp pháp hóa” sự bạo lực. Khi những kiểu đâm chém, giang hồ đó được phát đi phát lại trên ti vi, đồng thời cũng tạo ra hình mẫu, mô hình cho thanh thiếu niên bắt chước theo. 

Phim “Người phán xử” bị cho là làm gia tăng tình trạng tội phạm.
Phim “Người phán xử” bị cho là làm gia tăng tình trạng tội phạm.

Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Tiến, “từ trước đến nay, chưa có một nghiên cứu nào trên thế giới chứng minh mối liên hệ của một bộ phim riêng lẻ tới tình trạng gia tăng hay giảm bớt tội phạm cả”. Theo ông, muốn kết luận, phải có cơ sở pháp lý. Phải ngồi lại thống kê, phân tích xem trong một năm như vậy, trên đài truyền hình/mạng xã hội/YouTube… có bao nhiêu cảnh bạo lực xuất hiện? Trong một tiếng đồng hồ, khán giả chứng kiến bao nhiêu cảnh bạo lực? Có bao nhiêu người bắt chước theo?

Ông Lê Minh Tiến không phủ nhận phim ảnh có tác động đến hành vi, nhận thức của người khác; tuy nhiên, phải là sự tác động lâu dài, của nhiều yếu tố khác nữa, không chỉ một bộ phim, hay một lĩnh vực.

Tình hình tội phạm gia tăng là một hiện tượng xã hội rất phức tạp, hệ quả của nhiều yếu tố. Ngoài truyền thông đại chúng, còn có giáo dục, gia đình, môi trường xã hội… Nhất là tính hiệu quả của luật pháp, của các cơ quan an ninh công cộng. Nếu luật pháp không nghiêm minh hoặc có thể được điều chỉnh bằng hành vi khác, không thực hiện đúng chức năng điều chỉnh hành vi của con người, dễ dẫn đến tình trạng “nhờn” luật, không sợ luật. Chưa kể, các cơ quan bảo vệ an ninh trật tự có xuất hiện kịp thời để ngăn ngừa hành vi tội phạm hay không? Môi trường giáo dục có bạo lực không? Ngay cả chuyện dạy con mà dùng bạo lực cũng sẽ gây ảnh hưởng sau này. Ngoài ra, còn bất bình đẳng trong xã hội, tình trạng bị gạt ra bên lề xã hội, nghèo đói rồi phạm tội…

"Đẩy hết trách nhiệm cho tình trạng gia tăng phạm tội lên một bộ phim, cũng có nghĩa gián tiếp phủ nhận trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của luật pháp, của giáo dục, cũng như các chính sách ngăn ngừa tội phạm, mà ngăn ngừa cơ bản nhất là ngăn ngừa về mặt xã hội (tức cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục)… Cấm một hay vài bộ phim, vài tình tiết bạo lực trong bộ phim, không thay đổi được hiện trạng”, ông Lê Minh Tiến nhận xét.

Chuyên gia tội phạm học, phó giáo sư - tiến sĩ 
Đỗ Cảnh Thìn: “Nếu chúng ta tuyệt đối hóa, cho rằng nó không ảnh hưởng thì không đúng” 

Là người nghiên cứu tội phạm học, phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn nhấn mạnh đến việc tác động trực diện của hình ảnh lên tâm lý lứa tuổi, ông nhìn phát biểu của Thiếu tướng Lê Tấn Tới ở một góc nhìn khác.

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn, qua theo dõi phạm tội học, việc giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi dưới vị thành niên, có xu hướng bắt chước hành động theo thần tượng đầy cảm tính, phiêu lưu, mạo hiểm, thích nổi loạn là một hiện tượng có thật trong xã hội. Đó là tâm lý lứa tuổi, nếu không được định hướng tốt, có thể dẫn đến những hệ quả ngoài mong muốn.

Trước ý kiến phim ảnh hay những loại hình giải trí khác cũng chỉ là một sản phẩm giải trí đơn thuần, không gây ảnh hưởng nghiêm trọng, ông Thìn nói: “Nếu chúng ta tuyệt đối hóa, cho rằng nó không ảnh hưởng thì không đúng, nhất là đối tượng mà chúng ta đang bàn đến là một đối tượng rất nhạy cảm”. Ông Thìn dẫn ra các hiện tượng mạng như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, các “ông hoàng bà chúa” tự phong, giới trẻ quỳ gối và hôn ghế thần tượng… hay không ít em dưới 18 tuổi tụ tập thành các nhóm “phán xử nhau” theo kiểu giang hồ… đầy rẫy trên mạng xã hội. 

Trailer phim Người phán xử:

 

 

Ông Đỗ Cảnh Thìn không phủ nhận việc phim ảnh phản ánh hiện thực đời sống xã hội có giá trị, ý nghĩa của nó, cũng không nói điều đó là xấu, cần phải cấm. Tuy nhiên, theo ông, liều lượng, tỷ lệ và định hướng như thế nào, cần phải nhìn lại, trong đó có việc cân nhắc giờ phát sóng, đối tượng được tiếp cận, hoặc liều lượng, cách thức truyền tải ra sao. Đừng để các em ngộ nhận.

Ông Thìn nói: “Tôi không biết phát biểu đang gây bão kia có bị cắt cúp để tạo ra những “cú sốc” về mặt truyền thông hay không. Và kể cả có nói như vậy, chúng ta cũng nên hiểu nó ở góc độ nào, đừng cực đoan quá”. Với cá nhân ông, ý kiến đó thể hiện trách nhiệm, mang tính xây dựng, cũng là một góc của công việc phản biện xã hội để các nhà làm phim, những người hoạt động nghệ thuật, những nhà quản lý văn hóa, quản lý nhà nước để ý, suy nghĩ sâu sắc và cân nhắc hơn, nhằm tạo ra một hệ sinh thái văn hóa lành mạnh hơn.

“Tất nhiên, hệ quả tiêu cực được tạo nên bởi sự cộng hưởng của nhiều hiện tượng khác, yếu tố khác, chứ không chỉ phim ảnh, hay một bộ phim riêng lẻ. Tuy nhiên, nếu ta không lưu ý đến vấn đề đó, để xử lý hài hòa, dễ tạo ra những hậu quả khó lường”, ông bổ sung.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI