Xung đột với Mỹ và Úc, Trung Quốc “bắt tay” với Nhật Bản, Hàn Quốc

22/05/2020 - 06:17

PNO - Khi mối quan hệ với Washington xấu đi, íBắc Kinh đã tiến hành các cuộc ngoại giao thân thiện với Tokyo và Seoul ...

Giữa lúc căng thẳng của Trung Quốc với Mỹ và Úc đang tăng, Trung Quốc đang nhắm đến việc củng cố mối quan hệ với các nước láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc.

Căng thẳng với Mỹ và Úc 

Khi mối quan hệ với Washington dự kiến xấu đi, ít nhất cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm 2020, Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc ngoại giao thân thiện với Tokyo và Seoul nhằm hồi sinh kinh tế sau đại dịch. Nhiều chuyên gia đang cẩn thận theo dõi loạt chính sách đối ngoại mà Trung Quốc sẽ áp dụng sau phiên họp thường niên của Quốc hội nước này, dự kiến triệu tập vào ngày 22/5.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Osaka, tháng 6/2019
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Osaka, tháng 6/2019

Gần đây, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Bắc Kinh đã không nỗ lực kiềm chế sự lây lan của vi-rút SARS-CoV-2, vốn xuất hiện lần đầu vào cuối năm 2019 tại thành phố Vũ Hán, và không chia sẻ thông tin liên quan kịp thời. Ông Trump đe dọa “cắt đứt toàn bộ quan hệ” với Trung Quốc, đồng thời áp đặt thuế quan như một hình phạt.

Trong khi đó, Canberra đã yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của COVID-19. Đáp lại, Đại sứ Trung Quốc tại Canberra - Cheng Jingye - đưa ra một tuyên bố hôm 28/4, “kêu gọi Úc gạt bỏ sự thiên vị về ý thức hệ, ngừng các trò chơi chính trị và làm nhiều điều hơn để thúc đẩy quan hệ song phương”. Nếu cuộc điều tra độc lập được tiến hành, Trung Quốc có thể bị đổ lỗi gieo rắc đại dịch.

Đồng thời, trong một động thái trả đũa, Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu thịt bò từ bốn nhà chế biến thịt lớn của Úc từ giữa tháng Năm. Hôm 18/5, Bắc Kinh tiếp tục tuyên bố mức thuế quan hơn 80% đối với lúa mạch nhập khẩu từ Úc. Bộ trưởng Nông nghiệp Úc David Littleproud cho biết, nước này sẽ đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nếu Bắc Kinh không thay đổi quyết định.

Tăng cường quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc 

Trong hai ngày hội nghị trực tuyến tại Geneva hôm 18-19/5, Nhật Bản cùng với Liên minh châu Âu và các thành viên khác của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều đồng thuận thúc đẩy cuộc điều tra về phản ứng ban đầu của WHO đối với đại dịch COVID-19. WHO bị Mỹ và một số đồng minh chỉ trích vì làm ngơ khi Trung Quốc giữ kín thông tin vào những ngày đầu phát hiện dịch bệnh. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - đã bác bỏ những lời buộc tội.

Dường như Tokyo có lập trường mềm mỏng hơn với Trung Quốc so với các quốc gia khác khi phản đối chính trị hóa đại dịch, đồng thời tăng cường hợp tác với Bắc Kinh về y tế giữa lúc chính phủ của nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới cố gắng cải thiện mối quan hệ song phương. Trong bối cảnh không chắc chắn ngày càng tăng về mối quan hệ với Mỹ, một nguồn tin ngoại giao cho biết: “Trung Quốc thực sự mong muốn tăng cường hợp tác với Nhật Bản để vực dậy nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh”. 

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc điện thoại với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hôm 13/5, nhắc lại rằng Bắc Kinh và Seoul đã “cùng nhau thiết lập cơ chế phản ứng chung, giúp duy trì số ca lây nhiễm xuyên biên giới bằng 0”. Theo tờ Yomiuri hôm 17/5, Trung Quốc và Hàn Quốc đã hỏi ý kiến Nhật Bản về việc nới lỏng kiểm soát biên giới đối với doanh nhân để giúp vực dậy các hoạt động kinh tế liên quốc gia. 

Hãng tin Kyodo dẫn lời một nguồn tin quen thuộc với tình hình ở Đông Á nhận định: “Hiện tại, Trung Quốc xác định chính sách ngoại giao dựa trên việc một số quốc gia có thể đóng góp cho nền kinh tế của họ như thế nào. Những gì Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị phát biểu tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc sắp tới sẽ rất đáng quan tâm”. 

Tấn Vĩ (theo Kyodo)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI