Khỉ dần thay đổi tập tính và hung dữ
Bên cạnh hoạt động chuyên nghiệp của tổ liên ngành do UBND TP Đà Nẵng lập ra, bán đảo Sơn Trà hiện có nhiều tình nguyện viên thực hiện việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, tình trạng xả rác bừa bãi vẫn không thuyên giảm bởi du khách.
Trên đường Hoàng Sa nối từ thành phố lên đến Bãi Bắc - tuyến đường du lịch rất đẹp trên bán đảo với một bên là rừng, một bên là biển - chuyện du khách cho khỉ thức ăn vẫn thường diễn ra. Mỗi ngày, có hàng ngàn lượt người đến tham quan, ngắm cảnh, nhiều người mang theo thức ăn cho khỉ, ngồi ăn chung với khỉ như một thú vui, để được ngắm khỉ gần hơn và được chụp ảnh với khỉ.
|
Đàn khỉ vàng ở bán đảo Sơn Trà đã quen với thức ăn của con người |
Nhưng chính thú vui này đã dần làm thay đổi tập tính của khỉ, khiến chúng tràn xuống Hoàng Sa để chờ kiếm thức ăn từ du khách. Khi không có, chúng lao vào bất cứ người nào cầm thức ăn để giật, hoặc xục xạo tìm kiếm thức ăn trong những nhóm người. Nhiều người đã bị thương do khỉ cào. Nhiều hội nhóm đã “tố” bị khỉ tấn công và đòi di dời đàn khỉ đi nơi khác.
Thạc sĩ sinh thái học Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) - cho biết: “Từ năm 2008 đến nay, sự xuất hiện của con người trên bán đảo Sơn Trà ngày càng đông (hoạt động kinh doanh, phát triển sản xuất, du lịch…) kéo theo lượng rác xả bừa bãi cũng ngày càng nhiều, làm cho nhiều cá thể khỉ quen dần với sự xuất hiện của con người, trông chờ thức ăn của con người và bắt đầu gia tăng những xung đột giữa người với khỉ”.
Như vậy, nguyên nhân là do con người đã xâm lấn địa bàn sinh sống của khỉ, đồng thời tạo điều kiện cho khỉ tiếp cận với thức ăn của người, dẫn đến sự thay đổi tập tính tự đi kiếm ăn trong tự nhiên và tăng tính hung dữ của chúng.
Từ năm 1977, theo Quyết định 41 của Thủ tướng, bán đảo Sơn Trà được bảo vệ theo chế độ rừng cấm. Năm 1992, Bộ Lâm nghiệp công nhận Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích 4.439ha. Năm 2016, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch Sơn Trà trở thành khu du lịch quốc gia, theo đó 1/4 bán đảo (1.056ha) được sử dụng để phát triển du lịch với các công trình nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch văn hóa - tâm linh… Bán đảo Sơn Trà có giá trị lưu trữ đa dạng sinh học rất lớn, là một phần của vùng sinh thái Trường Sơn - 1 trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu, là nơi trú ngụ của nhiều loài sinh vật độc đáo. Khu vực có 985 loài thực vật bậc cao thuộc 143 họ. Hệ động vật gồm 380 loài, thuộc 106 họ, trong đó có 29 loài thuộc nguồn gen quý hiếm, cần ưu tiên bảo tồn như voọc chà vá chân nâu, khỉ vàng. |
Giải quyết từ con người
Ông Ngô Trường Chinh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn - cho biết, vấn đề nêu trên, từ năm 2017 thành phố đã nhìn thấy và có những biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo “không cho khỉ ăn” với người dân, khách du lịch khi đến Sơn Trà. Tuy nhiên, hành vi này cứ lặp lại từ năm này qua năm khác nên trở thành hệ lụy như hôm nay.
Nhiều khảo sát đã ghi nhận đàn khỉ đã hình thành tập tính mới, quan sát tìm kiếm thức ăn chuyên nghiệp, chỉ tập trung ở những nơi có du khách, thậm chí chúng đeo bám những người cầm thức ăn trong đám đông cả trăm người.
|
Các ngành chức năng ở Đà Nẵng tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân |
Theo ông Chinh, bán đảo Sơn Trà là khu bảo tồn, khỉ là loài động vật hoang dã và chúng đang sống trong “nhà” của chúng. Nhưng vì mục tiêu phát triển kinh tế, Đà Nẵng đã mở rộng du lịch ở đây. Không có khu bảo tồn nào mà du khách thoải mái đi khắp nơi để ngắm cảnh như ở Sơn Trà. Do đó, chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề là do con người.
Ông Trần Hữu Vỹ cảnh báo: “Nếu để tình trạng kéo dài thì xung đột giữ khỉ với người sẽ ngày càng tăng và càng khó giải quyết. Đặc biệt, để càng lâu thì khỉ sẽ quen và dần mở rộng vùng phân bố, tràn về quấy rối đời sống sinh hoạt của người dân các khu vực lân cận… Bài học này cứ ra Cù Lao Chàm là đủ để sợ về hậu quả”.
Để giải quyết vấn nạn “cho khỉ thức ăn”, TP Đà Nẵng đã thành lập tổ liên ngành gồm biên phòng, công an, kiểm lâm, du lịch và chính quyền sở tại để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý. Ông Phan Minh Hải - Phó giám đốc Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng - cho biết, ban quản lý thường xuyên cử 2 nhân viên thực hiện công tác tuần tra nhắc nhở, tuyên truyền dọc tuyến đường, đồng thời tuyển thêm nhiều tình nguyện viên để hỗ trợ việc này, nhưng kết quả là không khả quan.
“Chúng tôi tiếp tục có văn bản gửi các công ty lữ hành và đơn vị du lịch khuyến cáo khách không cho động vật hoang dã ăn dưới mọi hình thức khi tham quan bán đảo Sơn Trà; kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh các nghị định liên quan đến chế tài xử phạt các hành vi ảnh hưởng đến hệ sinh thái mang tính đặc thù của bán đảo Sơn Trà. Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị xử lý triệt để tình trạng buôn bán hàng rong trong khu vực” - ông Hải cho biết thêm.
“Khó khăn là không có chế tài. Không có quy định nào cấm cho động vật ăn, nên người dân họ vẫn cứ làm. Theo tôi, phải có chế tài nào đó để xử phạt chứ để mãi như vậy không giải quyết được” - ông Ngô Trường Chinh nói.
Ông Trần Hữu Vỹ cũng cho rằng, chỉ tuyên truyền là chưa đủ, mà phải dùng chế tài phù hợp với các hành vi và sự tái diễn hành vi không đúng quy định. Theo ông Vỹ, thành phố đang có một đề tài nghiên cứu nhằm tìm giải pháp toàn diện để xử lý hiện trạng này. Và ông Vỹ cho rằng, thành phố nên sớm xây dựng và ban hành một quy chế liên quan đến “xử phạt hành vi xả rác không đúng quy định, cho khỉ và động vật hoang dã ăn ở bán đảo Sơn Trà” thì mới là giải pháp đột phá.
Tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở Ông Phan Minh Hải cho biết, để hạn chế tình trạng người dân cho khỉ ăn, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã gửi công văn cho các địa phương và sở ngành liên quan đề nghị tuyên truyền, phổ biến người dân không cho động vật hoang dã ăn khi tham quan tại bán đảo Sơn Trà. Đồng thời, lắp đặt 11 bảng tuyên truyền với nội dung “Tác hại của việc cho khỉ và động vật hoang dã ăn” tại các khu vực chùa Linh Ứng, miếu Đôi, khu du lịch… Hiện, ban quản lý đang phối hợp với Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn khảo sát để lắp đặt thêm các bảng cấm cho động vật hoang dã ăn. Ban quản lý cũng thường xuyên cung cấp thông tin cho báo, đài viết bài và làm phóng sự, khuyến cáo không cho động vật hoang dã ăn lên website, fanpage của ban và liên kết với các fanpage tuyên truyền trên mạng xã hội. Tổ chức trưng bày tranh với chủ đề “Tác hại của việc cho khỉ ăn” tại các sự kiện ven biển và bán đảo Sơn Trà. Sử dụng hệ thống phát thanh ven biển, loa di động để tuyên truyền, nhắc nhở du khách… |
Lê Đình Dũng