Xung đột bảo vệ di sản và phát triển đô thị

19/03/2014 - 18:01

PNO - PN - Chuyện xung đột giữa bảo vệ di sản với sự phát triển đô thị lại một lần nữa được đưa ra tại cuộc tọa đàm Bảo tồn di sản và phát triển đô thị bền vững, tổ chức ngày 18/3 tại TP.HCM.

edf40wrjww2tblPage:Content

Khoảng 50 đại biểu đến từ các đơn vị gồm Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS), Trung tâm Dự báo và nghiên cứu đô thị (PADDI), Nhóm liên kết vì phát triển bền vững (SDWG) đã trao đổi nhiều khía cạnh của vấn đề từng được nhiều lần mổ xẻ nhưng chưa bao giờ hết chuyện. Các ý kiến tại tọa đàm đã xới lại thực tế là trong công tác bảo tồn di sản đô thị, có nhiều phương thức được kết hợp, nhưng vẫn gây ra nhiều tranh luận của cộng đồng. Chẳng hạn, việc đưa ra các quy định cấm xâm hại di sản được nhận định là cách làm giúp bảo vệ, chứ chưa phát huy giá trị và tạo sức sống cho di sản đô thị; trong khi công tác tuyên truyền về bảo tồn, góp phần tích cực để nâng cao nhận thức về vấn đề này trong công chúng cần cả một quá trình lâu dài.

Với đặc thù của TP.HCM, có hai cách làm đã được ứng dụng: ban hành chính sách phù hợp và huy động các nguồn lực xã hội để triển khai các chính sách này. Thành phố đã thể hiện nhiều động thái trong lĩnh vực này như: kiểm kê, bảo tồn 168 công trình, địa điểm có dấu hiệu đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, xác định giá trị, lập hồ sơ xếp hạng; rà soát, thống kê, hệ thống các biệt thự cổ cần bảo tồn, phát triển… Tuy nhiên, đến nay có việc chưa triển khai, có việc chưa có báo cáo hoặc báo cáo chưa đầy đủ, thiếu số liệu hoặc có số liệu nhưng chưa phù hợp thực tế.

TS Fanny Quertamp Nguyễn (PADDI) cho rằng, vấn đề của các thành phố lớn trong việc bảo tồn di sản và phát triển kinh tế thể hiện rất rõ ở TP.HCM với không gian rộng lớn, kinh tế phát triển nhanh. Khảo sát của PADDI cho thấy, từ năm 1993 đến nay, TP.HCM đã có đến 56% “công trình nhà ở có giá trị di sản” bị thay đổi đến mức không thể khôi phục lại tình trạng ban đầu. Theo bà, với những câu hỏi như TP.HCM phải giữ lại công trình nào, yếu tố nào trước áp lực đầu tư ở những “khu đất vàng”, cần phải tính đến việc bảo tồn không chỉ từng tòa nhà riêng lẻ, mà là cả không gian xung quanh để vừa giữ gìn tòa nhà vừa duy trì khối kiến trúc đô thị.

Đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM cũng cho biết, TP.HCM đang hoàn chỉnh quy chế quản lý kiến trúc đô thị cho toàn thành phố, trong đó tập trung vào việc bảo tồn di sản, không gian kiến trúc đặc trưng.

 Mai Liên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI