Xúc động với "Nếu anh còn được sống"

15/01/2025 - 07:36

PNO - Sân khấu kịch Hồng Hạc vừa ra mắt "Nếu anh còn được sống" (kịch bản: Việt Linh, đạo diễn: Việt Linh - Lê Chi Na) - vở kịch đề tài chiến tranh cách mạng đầu tiên của Hồng Hạc và của cả tác giả, đạo diễn Việt Linh.

Chia sẻ về tác phẩm, đạo diễn Việt Linh không kìm được nước mắt. Một nỗi xúc động lớn lao mà có lẽ ngoài Việt Linh, khó ai thực sự thấu hiểu. Nếu anh còn được sống là tác phẩm độc đáo của nhà văn Văn Lê (1949-2020), được trao giải thưởng văn học của Bộ Quốc phòng năm 1993, từng được dịch và xuất bản tại Hàn Quốc. Năm 1999, Việt Linh bắt tay viết kịch bản phim Nếu anh còn được sống và sau đó đã đoạt giải A chương trình đầu tư kịch bản nâng cao của Cục Điện ảnh năm 2007. Kịch bản cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch duyệt đầu tư sản xuất, nhưng vì nhiều lý do đã không thể thành hình.

Vở Nếu anh còn được sống trên sân khấu Hồng Hạc
Vở Nếu anh còn được sống trên sân khấu Hồng Hạc

Tiếc một tác phẩm hay và cũng là tâm huyết của một người từng tham gia kháng chiến, khi thành lập sân khấu Hồng Hạc, đạo diễn Việt Linh đã chuyển thể kịch bản phim thành kịch bản sân khấu. “Khi anh Văn Lê còn sống, tôi đã hứa bằng mọi cách sẽ làm kịch bản này, dù quy mô có như thế nào. Tôi nguyện phải làm bằng được” - chị chia sẻ.

Nếu anh còn được sống có câu chuyện độc đáo và táo bạo so với các tác phẩm cùng đề tài. Vở diễn không kể về những anh hùng hay chiến công như thường thấy mà khắc họa bi kịch của người lính ở cả 2 chiều… âm dương. Bình - người lính trẻ chết trận, lang thang ở bờ Nhược Thủy, không thể xuống thuyền qua sông chuyển kiếp vì không có tiền trả cho Thiên Niên Kỷ - người lái đò đưa những linh hồn đến bờ siêu thoát. Thay cho phí sang sông, Bình phải trả bằng ký ức cuộc đời mình, mọi chuyện buồn vui, mọi góc khuất, không được nhớ sót, không được lẫn lộn.

Là đứa con duy nhất của dòng họ, lại vừa đậu đại học ngành y, nhưng Bình đã tình nguyện vào Nam chiến đấu. Bình lên đường, để lại quê nhà người ông luôn trông ngóng cháu trở về, để lại trong tim cô bạn cùng làng một tình cảm mãi không phai. Trên bước đường chiến đấu, Bình gặp gỡ nhiều người, để lại những kỷ niệm tuyệt đẹp lẫn đau thương. Một ngày, Bình gục ngã khi truy đuổi kẻ thù đã sát hại đồng đội mình - cái chết lẽ ra Bình đã tránh khỏi nếu kìm được cảm xúc. Đó cũng là ngày chiến tranh chấm dứt.

Khi được Thiên Niên Kỷ báo tin đất nước hòa bình, Bình reo vui như một đứa trẻ rồi lại ngỡ ngàng: “Hòa bình rồi, nhưng tôi đã chết”. Khoảnh khắc nhớ lại cái chết của mình, Bình đau đớn nhận ra bi kịch của người lính. Trong vô vàn người lính ra trận, đâu phải ai cũng trở thành anh hùng được vinh danh, đâu phải ai cũng ngã xuống giữa chiến trường oanh liệt. Còn biết bao người đã lặng lẽ gục ngã trên đường hành quân, cũng không ít người như Bình đeo mang ấm ức khi ra đi vì nghĩ rằng mình không đóng góp được cho thắng lợi chung. Thế nhưng, như lời của Thiên Niên Kỷ, chính nhờ những con người sẵn sàng xả thân vì quê hương đất nước, đấu tranh bảo vệ những gì thân yêu nhất một cách vô tư như Bình mới có được thành quả sau cùng: đất nước độc lập, hòa bình.

Xen kẽ liên tiếp bối cảnh giữa cõi âm và dương gian, vở diễn như một cuộc tự truy vấn của Bình về lẽ sống, về giá trị mình tạo ra trong đời và lưu dấu trong ký ức người ở lại. Vở diễn là một “màu lạ” trong những tác phẩm đề tài chiến tranh cách mạng và trên hết đã giữ được chất thi ca, thông điệp sâu sắc của tác phẩm văn học: dù bao nghịch cảnh, mất mát, một dân tộc yêu nước và biết trọng nhân nghĩa sẽ luôn chiến thắng.

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI