Xuất khẩu thuận lợi, nông dân miền Tây được nhờ

30/09/2024 - 06:30

PNO - Trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt hơn 40 tỉ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất khẩu thông suốt, thuận lợi giúp nhiều mặt hàng như lúa gạo, trái cây, thủy sản được giá, dễ tiêu thụ, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long “sống khỏe”.

Nông sản xuất khẩu tỉ đô, nông dân bội thu

Hơn 8 năm trồng sầu riêng, chưa bao giờ ông Trần Văn Chiến (xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) thắng lớn như năm nay, với lợi nhuận nhiều tỉ đồng.

Ông kể, sau khi theo dõi tình hình tiêu thụ sầu riêng của thị trường Trung Quốc, ông đã chủ động xử lý để vườn sầu riêng hơn 2ha của mình cho trái sớm (nghịch vụ), đồng thời giữ mối liên kết tốt với doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu. Tháng 3/2024, khi sầu riêng hút hàng ở Trung Quốc, vườn ông cũng vào vụ thu hoạch, sản lượng hơn 38 tấn, giá 131.000 đồng/kg, doanh thu gần 5 tỉ đồng, lợi nhuận gần 4 tỉ đồng.

Các nữ công nhân ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ sơ chế nhãn để xuất khẩu ẢNH: HUỲNH LỢI
Các nữ công nhân ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ sơ chế nhãn để xuất khẩu - Ảnh: Huỳnh Lợi

Bà Bùi Thị Châm - Giám đốc Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Thọ 2A (xã Trường Long, huyện Phong Điền) - nhận xét, lượng sầu riêng xuất khẩu tăng mạnh đã góp phần đẩy giá sầu riêng trái tại vườn lên cao, khiến các hộ trồng sầu riêng năm nay trúng đậm, nhất là những hộ xử lý cho cây ra trái nghịch vụ.

Những hộ nuôi thủy sản ở miền Tây Nam Bộ cũng có lợi nhuận tốt nhờ giá thủy sản tăng. Ông Nguyễn Thế Kỷ (xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) cho hay, thương lái đang mua tôm càng xanh loại 15-25 con/kg với giá 160.000-180.000 đồng/kg, tôm thẻ loại 100 con/kg giá 85.000-90.000 đồng/kg, tôm sú loại 40 con/kg giá khoảng 150.000 đồng/kg, là mức giá cao hơn năm ngoái.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 40 tỉ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó rau quả đạt 4,63 tỉ USD, tăng hơn 30%; gạo đạt 3,85 tỉ USD, tăng gần 22%; tôm đạt 2,41 tỉ USD, tăng 9,5%; cá tra 1,2 tỉ USD, tăng 8,2%… Năm nay, giá xuất khẩu của nhiều loại nông sản tăng so với năm ngoái, giúp doanh nghiệp và nông dân có lợi nhuận cao hơn.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đánh giá, đạt kết quả như trên là nhờ toàn ngành nông nghiệp thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, toàn ngành vẫn phải nỗ lực mới mong đạt kim ngạch xuất khẩu 55 tỉ USD trong năm 2024 như kế hoạch đã đề ra.

Công nhân một doanh nghiệp ở tỉnh An Giang làm sạch chuối để đóng gói, xuất khẩu
Công nhân một doanh nghiệp ở tỉnh An Giang làm sạch chuối để đóng gói, xuất khẩu

Ông cho hay, bên cạnh các thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, bộ đang phối hợp cùng Bộ Công Thương, các đại sứ quán, doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ; gia tăng xuất khẩu chính ngạch nhằm giảm rủi ro; chú trọng việc xây dựng thương hiệu nông sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ký kết 3 nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sang thị trường này. Đây là tin vui cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Ông Lê Văn Ngời - Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau - cho hay, UBND tỉnh đặt mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 1,4 tỉ USD trong năm 2025. Ngành nông nghiệp tỉnh đang đầu tư hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, mạng lưới điện phục vụ việc nuôi tôm; ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm tăng chất lượng, giảm giá thành; phát triển mô hình thâm canh, nuôi tôm kết hợp với rừng, với lúa theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Trong các năm qua, tôm Cà Mau được xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch hơn 1 tỉ USD/năm.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, chỉ tiêu xuất khẩu cá tra năm 2024 đạt 2 tỉ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2023.

Đưa thương lái vào chuỗi thu mua, xuất khẩu gạo

Hiện tại, nông dân các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch lúa vụ thu đông trong niềm vui được mùa, được giá. Giá lúa đang là 7.300-8.000 đồng/kg, giúp nông dân thu lời khoảng 30 triệu đồng/ha sau khi trừ các chi phí. Theo ông Nguyễn Văn Đời - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) - năm 2024, nông dân bán được giá trong cả 3 vụ lúa (đông xuân, hè thu và thu đông) nhờ xuất khẩu gạo thuận lợi, giá cao.

Trong chuỗi thu mua, chế biến và xuất khẩu gạo, thương lái đóng vai trò kết nối nông dân với doanh nghiệp, đưa lúa từ đồng ruộng tới nhà máy. Tuy nhiên, vai trò thương lái chưa được nhìn nhận thấu đáo.

Xoài ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang  được đóng gói để xuất sang thị trường Mỹ
Xoài ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang được đóng gói để xuất sang thị trường Mỹ

Có gần 20 năm thu mua lúa của nông dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, ông Huỳnh Phú Lộc (xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, mấy ngày nay, ông chạy sang Kiên Giang, Hậu Giang, TP Cần Thơ… đặt cọc trước để mua lúa vụ thu đông cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2024. Mỗi héc ta lúa, ông phải đặt cọc 3-5 triệu đồng.

“Mỗi vụ, thương lái thu mua lúa từ khắp nơi. Để đảm bảo số lượng, chất lượng, thời gian giao lúa, thương lái phải liên kết với chính quyền hoặc người có uy tín ở địa phương, nhờ đứng ra làm trung gian liên hệ với nông dân để đặt cọc. Đến ngày thu hoạch, thương lái đưa ghe lớn tới cân, trả tiền hết cho nông dân tại ruộng và đưa lúa về nhà máy xay gạo để kịp giao cho doanh nghiệp xuất khẩu” - ông Lộc nói.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có kênh rạch chằng chịt nên người của các doanh nghiệp khó “luồn sâu” vào tận ruộng. Chỉ có thương lái chịu khó đến tận nơi, nắm rõ thông tin về vụ mùa, loại giống, thời điểm thu hoạch, năng suất, chất lượng, từ đó thu mua lúa tận ruộng một cách dễ dàng. Thương lái cũng có đầy đủ phương tiện vận chuyển, có máy cắt lúa, có năng lực tài chính để ứng tiền trước cho nông dân vài tháng. Doanh nghiệp thu mua lúa thông qua thương lái vừa nhanh gọn, vừa ít tốn chi phí, vừa có số lượng lớn.

Trong hội thảo về phát triển sự liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo diễn ra ở TP Cần Thơ hồi tháng 5/2024, nhiều chuyên gia nông nghiệp, chủ doanh nghiệp đã đề xuất cấp “giấy chứng nhận hành nghề” cho thương lái, xem thương lái là đối tác đồng hành với nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Cái khó trong vận hành, cung ứng lúa gạo hiện nay là các doanh nghiệp xuất khẩu phải lập bảng kê khai mua lúa trực tiếp từ nông dân theo mẫu số 01/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư 78/2014 của Bộ Tài chính, mới được khấu trừ chi phí.

Trên thực tế, lâu nay, doanh nghiệp chỉ mua lúa thông qua thương lái do không thể mua trực tiếp từ từng hộ nông dân. Khi mua lúa của nông dân, các thương lái có làm bảng kê nhưng cơ quan thuế chưa chấp thuận, cho rằng thương lái có thể đăng ký kinh doanh, được cấp hóa đơn và làm bảng kê khi mua lúa. Khi đó, thương lái trở thành chủ doanh nghiệp, không còn là thương lái nữa. Điều này đi ngược mong muốn của giới thương lái.

Một số người đề xuất phương án thu thuế trên số lúa mà thương lái giao cho doanh nghiệp và số thuế này sẽ do doanh nghiệp nộp thay cho thương lái trong bảng kê 01/TNDN bởi doanh nghiệp có các bộ phận chuyên môn làm việc này. Theo cách này, ngành thuế vẫn quản lý được nguồn thu, trong khi việc vận hành chuỗi lúa gạo vẫn được duy trì như lâu nay, không bị xáo trộn.

Một số loại nông sản có đầu ra chưa ổn định

Ông Đàm Văn Hưng - chủ cơ sở xuất khẩu trái cây Hương Miền Tây (tỉnh Bến Tre) - cho biết, thời gian gần đây, bưởi da xanh sụt giá mạnh do phía Trung Quốc giảm thu mua; giá thanh long cũng giảm mạnh xuống mức 7.000-12.000 đồng/kg tùy loại, chủ yếu cũng do phía Trung Quốc giảm nhập khẩu; giá khoai lang cũng trong tình trạng tương tự. Để giữ ổn định giá, ngoài việc các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tìm kiếm thêm các thị trường mới để giảm dần sự phụ thuộc đầu ra vào thị trường Trung Quốc, ngành công thương cần làm tốt công tác dự báo thị trường, ngành nông nghiệp cần tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô lớn, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí để tăng tính cạnh tranh.

Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI