Đơn hàng vẫn có đều đặn
Ở nhóm hàng dệt, may, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TPHCM - cho hay, xuất khẩu dệt may của TPHCM trong sáu tháng qua tăng trưởng khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý III, thậm chí đến quý IV/2021.
Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công (TCM) - phấn khởi cho biết, đơn hàng xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm nay của công ty tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái; công ty không bị áp lực về đơn hàng như năm trước và doanh thu xuất khẩu đạt khoảng 13 - 15 triệu USD/tháng.
|
Chuyên gia Mỹ đang kiểm tra lô trái cây xuất khẩu Việt Nam chuẩn bị xuất sang Mỹ tại Trung tâm Chiếu xạ Sơn Sơn (TPHCM) - Ảnh: Quốc Thái |
Ông Trần Văn Quy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Trung Quy - chia sẻ, trong ba tuần đầu của đợt dịch thứ tư, sản lượng giảm đến 40% ở thị trường nội địa; công ty đã nhanh chóng chuyển hướng sang thị trường xuất khẩu và hiện đã nhận đơn hàng xuất khẩu đến cuối năm nay từ các đối tác Mỹ, Úc, Nhật Bản, Canada, châu Âu, đã xuất khẩu được khoảng 200 tấn vải dệt các loại mỗi tháng.
Nhóm hàng nông sản - được đánh giá là dễ bị tổn thương trong dịch bệnh - cũng có sự tăng trưởng nhất định. Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - thông tin, kim ngạch xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm 2021 của Trung An là 6 triệu USD. Công ty giữ được toàn bộ các thị trường cũ, đồng thời cũng xuất khẩu được sang các thị trường mới như Hàn Quốc.
Chi phí tăng, nhân sự thiếu
Dù có đơn hàng, nhu cầu thị trường vẫn lớn nhưng các DN vẫn phải đối mặt với nhiều áp lực: chi phí vận chuyển tăng cao, thiếu nhân lực, vốn… Bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - cho hay, các loại trái cây xuất đi bằng tàu biển như xoài, nhãn, thanh long… bị giảm chất lượng do thời gian vận chuyển quá lâu. Nếu chọn đường hàng không, cước phí sẽ cao gấp 15 lần nên DN phải chủ động giảm lượng trái cây tươi, tăng lượng trái cây đông lạnh, sấy. Doanh thu từ các sản phẩm chế biến những tháng đầu năm nay tăng 30 - 40%, trong khi từ trái cây tươi giảm 20 - 30%.
“Giá thuê container rất cao, đang gây khó cho DN đặc biệt là với các đơn hàng đi Mỹ, châu Âu. Một tháng trước, giá thuê là 140 - 170 triệu đồng/container, nay tăng lên 200 - 230 triệu đồng. Các hãng vận chuyển chủ yếu của nước ngoài nên các DN trong nước hoàn toàn bị động” - bà Tường Vy than.
Giám đốc một DN may ở TPHCM chuyên xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cho rằng, các đầu mối mua hàng ở các nước đang bị dịch COVID-19 hoành hành như Ấn Độ, Myanmar, Campuchia bắt đầu dịch chuyển đơn đặt hàng về Việt Nam, thủ tục hành chính ở lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng được cải thiện tốt là những thuận lợi đối với DN dệt may trong nước. Tuy nhiên, hầu hết DN đang chịu những áp lực như chi phí vận chuyển tăng cao, thiếu nhân lực, thiếu vốn.
Cụ thể, trước đây, chi phí xuất một container từ Việt Nam qua châu Âu là 1.000 USD (hơn 23 triệu đồng) thì nay tăng lên 15.000 USD (gần 345 triệu đồng), gấp 15 lần. Thời gian vận chuyển lâu hơn, container trống ngày càng khan hiếm, trong khi giá sản phẩm xuất khẩu lại không thay đổi. Thời gian qua, có tình trạng nguồn vốn ngân hàng đổ vào lĩnh vực bất động sản tăng, làm cho giá đất bị “sốt” ảo, dẫn đến tình trạng người lao động đổ xô làm nghề “cò” đất; một bộ phận khác thì chuyển qua chạy Grab, giao hàng… vì vừa dễ kiếm tiền, vừa không bị áp lực về thời gian, dẫn đến thiếu lao động.
Theo ông Trần Văn Quy, nếu so sánh ở góc độ tổng doanh số thì năm nay thấp hơn năm ngoái vì khi dịch bùng phát năm trước, công ty sản xuất thêm khẩu trang vải và cung ứng vải cho các DN sản xuất khẩu trang nên doanh số tăng đến 400%. Năm nay, thị trường khẩu trang bảo hòa nên công ty chủ yếu xuất khẩu vải. Nhưng so với năm 2019, doanh thu năm nay vẫn tăng khoảng 20% nhờ các đối tác ký đơn hàng cả năm, thị trường xuất khẩu đang phục hồi tốt.
Theo luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM - tính đến hết ngày 15/6/2021, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 143,36 tỷ USD, tăng 29,7% (tương đương 32,79 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các DN có vốn nước ngoài (FDI) đạt 105,82 tỷ USD, tăng 35% (tương đương 27,43 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,8% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước. Sự tăng trưởng trong xuất khẩu vẫn chủ yếu là từ các DN FDI. Các DN trong nước vẫn chịu nhiều khó khăn: thị trường không ổn định, nguồn cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn, giá cả biến động, khó tiếp cận nguồn vốn, đối tác chậm thanh toán…
Kiểm soát nhanh dịch bệnh, cải tiến thủ tục
Luật sư Phạm Ngọc Hưng cho rằng, các thị trường lớn và quan trọng của Việt Nam là châu Âu, Mỹ đang phục hồi. Muốn DN Việt Nam nắm bắt cơ hội, chiếm lĩnh thị trường lúc này, Việt Nam phải kiểm soát nhanh dịch COVID-19 trong nước, đưa sản xuất vào hoạt động bình thường. Theo ông, nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh linh hoạt, tránh ngăn sông cấm chợ, tăng giá các chi phí logistics, đồng thời tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính trong quản lý xuất nhập khẩu, tạo điều kiện cho DN tăng tính cạnh tranh quốc tế.
Giám đốc một DN dệt may ở TPHCM cho rằng, đòi hỏi giảm chi phí logistics ngay lúc này là rất khó, bởi đây là tình hình chung của cả thế giới. Chính phủ nên hỗ trợ DN thông qua giảm thuế, phí. Giải pháp cấp bách, quan trọng nhất hiện nay là việc tiêm vắc-xin cho người lao động. Nếu không đủ vắc-xin tiêm cho tất cả người lao động ở các DN thì có thể ưu tiên cho nhóm lao động phải đi ra ngoài tìm đơn hàng, đầu ra cho DN.
Ngoài ra, thời điểm này, Chính phủ, các bộ cần hạn chế việc ban hành các nghị định, thông tư gây khó cho DN. Trong chính sách, đang có tình trạng cùng một đối tượng hàng hóa nhưng cả hai DN (DN sản xuất và DN xuất khẩu) đều phải nộp thuế. Chính sách hiện hành cũng ưu tiên thuế cho hàng nhập khẩu để gia công mà không ưu tiên nhập để sản xuất và xuất khẩu, điều này vô tình khuyến khích DN chọn hình thức gia công thay vì sản xuất.
|
Công nhân Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu kiểm tra sản phẩm cà phê trước khi xuất khẩu - Ảnh: N.Cẩm |
“Ở nước ngoài, họ chỉ ban hành các quy định cấm, còn ở Việt Nam vừa có quy định cấm, vừa có quy định được phép làm, khiến DN bị rối. Kinh tế ngày càng phát triển, luật không theo kịp vô tình kìm hãm sự phát triển của DN, mặt khác lại tạo điều kiện cho một số DN lách luật để trục lợi, gây nên hậu quả nghiêm trọng” - vị giám đốc DN dệt may này nói.
Ông Trần Như Tùng bày tỏ mong muốn sớm có đủ vắc-xin tiêm cho toàn bộ người lao động, đồng thời mong Nhà nước giãn thời gian nộp thuế và có những gói hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp hơn, thời gian thanh toán trễ hơn. Gói hỗ trợ của Chính phủ năm rồi chỉ dành cho DN có doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm, trong khi đối với ngành dệt may, con số này quá thấp, những DN có doanh thu 4.000 tỷ đồng/năm như TCM không thể tiếp cận gói hỗ trợ này. Trong khi đó, quy mô DN càng lớn thì áp lực càng nhiều, nguồn lao động nhiều, rất cần sự hỗ trợ.
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - nhận định ngành lương thực, thực phẩm và những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tìm được cơ hội trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh. Kim ngạch xuất khẩu nông sản sáu tháng đầu năm 2021 của Trung An là 6 triệu USD. Không chỉ giữ được thị trường cũ mà công ty cũng phát triển tốt ở thị trường mới là Hàn Quốc. Dù vậy, ông Thái Bình cho rằng cần sớm chấn chỉnh một số hoạt động gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành gạo Việt Nam chẳng hạn như tình trạng một số DN nhập khẩu gạo Ấn Độ giá rẻ về sau đó trộn với gạo Việt Nam để xuất khẩu, điều này có thể gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
N.Cẩm - T.Hoa - Q.Thái