Xuất khẩu phim Việt: Bán được hàng lại lo!

13/11/2013 - 20:46

PNO - PN - Xuất khẩu phim Việt gần đây bắt đầu có nhiều tín hiệu khả quan, đặc biệt có một nghịch lý là không ít phim bị khán giả trong nước chê nhưng lại được nước ngoài mua.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mấy ngày nay, sự kiện bộ phim Việt Nam Ngôi nhà trong hẻm ra rạp ở Mỹ vào cuối tháng 10 qua và nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía khán giả đã khiến dư luận trong nước bất ngờ. Tờ New York Times mặc dù chê đoạn kết nhưng cho rằng đây là một phim “đáng xem”, tạp chí điện ảnh Variety nhận xét phim “máu me hoành tráng”. Diễn xuất của hai diễn viên chính Ngô Thanh Vân và Trần Bảo Sơn được khen hết lời. Nhìn chung, các báo Mỹ nhận định đây là một phim đáng xem trong mùa Halloween. Thậm chí, trang cơ sở dữ liệu trực tuyến điện ảnh lớn nhất IMDb chấm Ngôi nhà trong hẻm đến 8,5/10 điểm.

Trong khi đó, tại Việt Nam khi ra rạp vào tháng Hai năm ngoái, Ngôi nhà trong hẻm bị cho là thiếu thuyết phục vì kịch bản, đường dây câu chuyện còn đơn giản, nhiều tình tiết chưa hợp lý. Là một tác phẩm kinh dị nhưng Ngôi nhà trong hẻm thay vì hù dọa được người xem thì lại làm họ cười vì nhiều đoạn ngô nghê.

Ngôi nhà trong hẻm là phim mới nhất của Việt Nam phát hành tại Mỹ trong năm nay. Phim bán được một phần vì ê kíp sản xuất, đạo diễn như Trần Trọng Dần, Lê Văn Kiệt đều là Việt kiều Mỹ, ít nhiều cũng có mối quan hệ ở Hollywood. Trước đó vào tháng Chín, phim Mỹ nhân kế được trình chiếu ở một số thành phố của Mỹ như Dallas, Houston, Los Angeles. Tại Việt Nam phim không nhận được phản hồi tích cực nhưng vẫn đạt doanh thu “khủng” nhờ giá vé cao (định dạng 3D) và thời điểm phát hành thuận lợi (Tết Nguyên đán). Mỹ nhân kế là tác phẩm đầu tiên đánh dấu sự hợp tác giữa Galaxy và Asia Releasing LLC - đơn vị chuyên phát hành phim châu Á đến các thị trường nước ngoài có nhiều người châu Á cư ngụ. Theo thỏa thuận giữa Galaxy và Asia Releasing LLC, kể từ Mỹ nhân kế, các phim sau này do Galaxy sản xuất đều sẽ được Asia Releasing LLC phát hành tại thị trường Bắc Mỹ, Úc và New Zealand. Như vậy, sắp tới, các phim Âm mưu giày gót nhọn, Quả tim máu, Cô dâu đại chiến 2 tiếp tục theo chân Mỹ nhân kế “xuất ngoại” tìm khán giả.

Xuat khau phim Viet: Ban duoc hang lai lo!

Cảnh phim Ngôi nhà trong hẻm

Ngoài Mỹ nhân kế, một “bom tấn” khác bị khán giả trong nước chê nhưng được nước ngoài hào hứng mua là Lửa Phật. Đại diện đơn vị sản xuất BHD, giám đốc điều hành Ngô Thị Bích Hạnh, cho biết: “Lửa Phật có cơ hội kiếm thêm doanh thu ở hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Số tiền đặt cọc của các đối tác trả để dành quyền phát hành phim cùng với khoản tiền P&A (chi phí quảng bá và phát hành phim) được cam kết vào khoảng 800.000 USD”.

Dẫu có nghịch lý khá lạ là những phim càng bị chê càng được các đơn vị nước ngoài săn mua, nhưng dù sao việc phim Việt tìm được “cửa sau” cũng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, niềm vui này vẫn chưa trọn vẹn vì chuyện bán được phim vào những thị trường lớn hiện nay chỉ trông chờ vào sự tự thân vận động của bản thân các hãng phim, chứ không thấy bóng dáng hỗ trợ từ phía các cơ quan Nhà nước. Trong khi đó, đây là một hình thức tốt để quảng bá văn hóa Việt Nam đến các nước trên thế giới. Dòng máu anh hùng được nhà phát hành lớn của Mỹ Weisteins.Co mua bản quyền phát hành độc quyền ở nước ngoài là chuyện riêng của hãng Chánh Phương. Hotboy nổi loạn được nhà phát hành phim hàng đầu thế giới là Fortissimo Films mua, hay Lửa Phật bán được ở hơn 20 thị trường là nhờ mối quan hệ rộng rãi của những người đứng đầu BHD - đơn vị sản xuất Hotboy nổi loạn, Lửa Phật, cộng thêm tên tuổi của Dustin Nguyễn, Roger Yuan - những gương mặt quốc tế nổi tiếng. Asia Releasing LLC chỉ phát hành những phim của Galaxy chứ những phim Việt Nam khác của những hãng khác không có “cửa”.

Phim đầu tư kinh phí càng cao, hãng phim càng tích cực chào mời các đối tác nước ngoài để tìm cách thu hồi vốn, mặc dù chi phí thực hiện các khâu để một bộ phim có thể tiếp cận với thị trường thế giới không nhỏ. Cụ thể phải làm thêm các công đoạn phụ đề, in ấn poster, tờ rơi cho phù hợp với thị trường nơi bộ phim sẽ phát hành… Tốn kém như vậy nên phim của các hãng có vốn Nhà nước càng khó có cơ hội, bởi ngay chi phí dành cho việc phát hành trong nước còn không có thì nguồn đâu để chi thêm. Đây là điều đáng tiếc, vì phim Nhà nước đa phần thiên về hướng nghệ thuật, ít nhiều cũng cho khán giả nước ngoài hiểu thêm về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam hơn là dòng phim thương mại, đơn thuần mang tính giải trí mà các hãng tư nhân theo đuổi.

Từ chuyện các hãng tư nhân nỗ lực tìm thêm đầu ra cho phim Việt ở thị trường nước ngoài, bất chợt nghĩ tới làn sóng Hàn Hallyu đã và đang “hoành hành” ở thị trường Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Sở dĩ Hàn Quốc làm được điều đó vì có sự đồng lòng chung tay từ cấp Nhà nước cho đến từng cá nhân (các hãng phim). Trong khi đó, nhìn lại ở ta, xuất khẩu phim ảnh lâu nay dường như vẫn còn được xem là chuyện của tư nhân, dẫn đến nguy cơ khán giả nước ngoài chỉ nhìn vào những phim được mua mà tưởng đó là những gì đặc trưng của đất nước, con người Việt Nam, điện ảnh Việt Nam.

 Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI